Vụ margin call của Archegos: Bill Hwang mất trắng 20 tỷ USD trong hai ngày như thế nào (P2)

03/05/2021 16:12 PM | Kinh doanh

Trước khi mất tất cả số tiền lên tới 20 tỷ USD, Bill Hwang là một trong những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại nhất Phố Wall từng biết tới.

Cho dù ít nổi danh trên Phố Wall, Hwang lại khá nổi tiếng trong giới theo đạo. Quỹ Grace & Mercy Foundation cho đi hàng triệu USD mỗi năm, phần lớn là đối với những trường hợp khó khăn trong cộng đồng. Fuller Foundation và Fuller Theological Seminary tại Pasadena, California, và Museum of the Bible tại New York là thuộc những đơn vị nhận được nhiều sự trợ giúp nhất từ Hwang. Nhiều đơn vị khác, tại New York, trong đó bao gồm Bowery Mission và King’s College - trường nghệ thuật Công giáo, cũng nằm trong danh sách tài trợ của ông.

Tháng 2/2016, tên Hwang xuất hiện trên lá thư mời gửi tới các thành viên của Financial Services Ministry, một nhóm thành viên của Redeemer Presbyterian Church, New York, giúp kết nối những người theo đạo trong lĩnh vực tài chính. Hoạt động nổi bật của tổ chức này đó chính là một bữa tối ngày thứ Bảy với 3 chuyên gia cố vấn của tổ chức: Cathie Wood, Paul Gojkovich, và Hwang.

Trong một thời gian, Wood và Hwang cùng đứng trên một chiến tuyến. Quỹ đầu tư cổ phiếu của Wood, danh mục đầu tư tập trung vào cổ phiếu ngành công nghệ, tương đối mở đối với bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào, khiến cho toàn bộ thị trường ngạc nhiên khi đạt được tỷ suất lợi nhuận lên tới 148% trong năm 2020. Hwang cũng là một trong số những nhà đầu tư của Wood, và theo một trong những cựu nhân viên của ông, Archegos và ARK của Wood cùng hợp tác với nhau nghiên cứu thị trường.

ARK từ chối bình luận.

Vụ margin call của Archegos: Bill Hwang mất trắng 20 tỷ USD trong hai ngày như thế nào (P2) - Ảnh 1.

Bill Hwang. Ảnh: Independent.

Buổi gặp mặt trên phần nào hé lộ cách Hwang có thể duy trì được niềm tin trong lĩnh vực tài chính. Một người tham gia nhớ lại lần Hwang chia sẻ về danh mục đầu tư của Archegos, khi sở hữu cổ phiếu của Amazon, Facebook, LinkedIn và Netflix. Hwang giải thích các công ty công nghệ cao nói trên đang thực hiện những công việc “phi phàm” giúp nâng tầm xã hội.

Ông chia sẻ trong một buổi gặp mặt tại Metro Community rằng Chúa yêu thích Google của Alphabet vì công ty này cung cấp “những thông tin hữu ích nhất cho mọi người”. Archegos sở hữu cổ phiếu của công ty này trong 5 năm.

“Chúa cũng quan tâm tới giá công bằng vì Kinh thánh nói rằng Chúa không thích sự mất cân đối”, Hwang nói trong video. “Công ty của tôi chỉ đang cố gắng làm những công việc nhỏ, giúp đưa cổ phiếu của Google đạt trạng thái giá cân bằng. Điều đó có quan trọng không? Tất nhiên là có rồi”.

Các quy định pháp lý tại Mỹ không cho phép nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu với số lượng lớn hơn 50% số tiền họ vay ký quỹ. Nhưng những hạn chế đó lại không được áp dụng đối với các quỹ đầu tư. Những nguồn tin thân cận với Archegos cho biết công ty đã từ từ tăng tỷ suất vay nợ. Đầu tiên là chiến lược 2x, hoặc có 1 triệu USD vốn thì có thể vay 1 triệu USD. Tính tới cuối tháng 3, tỷ suất vay nợ đã đạt 5x, thậm chí là cao hơn.

Hwang cũng không hề chia sẻ nhiều thông tin với các ngân hàng bằng cách thực hiện giao dịch thông qua hợp đồng hoán đổi. Trong một giao dịch hoán đổi thông thường, ngân hàng sẽ cho phép khách hàng tiếp cận với một tài sản cơ sở, ví dụ như cổ phiếu. Trong trường hợp khách hàng lãi hoặc lỗ do biến động giá cổ phiếu, ngân hàng sẽ xuất hiện trên các sổ sách chứng từ với tư cách là người nắm giữ cổ phiếu. Đó là cách Hwang có thể thực hiện được những khoản đầu tư lớn mà ít người biết tới.

Vì các chủ nợ có những thông tin riêng để làm việc với Hwang, họ cũng không thể biết được ông đang gia tăng tỷ suất vay vợ đối với cùng các mã cổ phiếu thông qua hợp đồng hoán đổi với các ngân hàng khác.

ViacomCBS là một ví dụ. Cuối tháng 3, Archegos tiếp cận với hàng chục triệu cổ phiếu của công ty truyền thông này thông qua các tổ chức như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Credit Suisse và Wells Fargo. Đơn vị nắm giữ nhiều nhất cổ phiếu của công ty này là Vanguard, khi sở hữu 59 triệu cổ phiếu.

Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Archegos làm điều gì đó không đúng. Không khí tại các văn phòng của công ty là tương đối bình thường. Một cựu nhân viên của công ty cho biết mọi người tỏ ra bình tĩnh, nét văn hóa được “vay mượn” từ Tiger của Robertson, trái ngược lại với rất nhiều các sàn giao dịch khác khi rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh cũng nhớ lại rằng Hwang đeo một balo giống như sinh viên đại học và yêu thích những món đồ của Uniqlo bởi chúng khá rẻ vả mang lại cảm giác thoải mái.

Sự mâu thuẫn giữa bề ngoài bình dị và bên trong táo bạo diễn ra ngay tại tầng 38 của tòa nhà số 888 Đại lộ 7, phía trên Công viên Trung tâm. Một mặt là Grace & Mercy, một mặt là Archegos. Những người có thông tin về những khoản đầu tư của Hwang trong những năm đầu ông vận hành Archegos cho biết chúng bao gồm cổ phiếu của Amazon, Expedia Group, và LinkedIn - trang tìm kiếm việc làm được Microsoft đã mua lại vào năm 2016. Sự thành công của Netflix mang lại cho Archegos khoản lợi nhuận lên tới gần 1 tỷ USD. Hwang dường như đi đúng phương pháp mà Wood đang áp dụng tại ARK, và hàng triệu nhà đầu tư cá nhân đang bắt đầu “xâu xé” các cổ phiếu công nghệ.

Hwang từng rất thành công. Năm 2017, Archegos sở hữu số vốn lên tới khoảng 4 tỷ USD. Hwang chia sẻ rất ít thông tin tài chính với các chủ nợ, nhưng không một tổ chức nào mảy may đặt ra nghi vấn. Tỷ suất vay nợ của Archegos lúc đó chỉ tương đương với các quỹ tương hỗ, theo đuổi chiến lược kinh doanh tương tự, ở mức từ 2x tới 2,5x.

Một vấn đề mà một quỹ đầu tư lớn như của Hwang phải đối mặt đó chính là phòng ngừa rủi ro. Nhiều nhà đầu tư mong muốn giảm thiểu rủi ro thông qua cách cân bằng giữa các khoản đầu tư mua và bán trên cùng cổ phiếu. Cách đó sẽ giúp bù đắp cho các khoản thua lỗ bằng chính lợi nhuận mà họ kiếm được trong trường hợp thị trường lao dốc.

Trên lý thuyết, bán khống có cơ chế hoạt động khá đơn giản. Bạn vay cổ phiếu và bán chúng, kiếm lợi nhuận khi thị trường chứng khoán giảm. Trên thực tế, việc tìm đủ số lượng cổ phiếu để vay là điều tương đối khó. Một cách khác để phòng hộ rủi ro được biết đến đó chính là bán khống danh mục đầu tư - một khoản đầu tư đánh cược với đà tăng của thị trường chứng khoán, thường được thực hiện thông qua một hợp đồng quyền chọn hoặc tương lai với chỉ số S&P 500. Điều đó khá dễ để thực hiện nhưng chỉ phát huy hiệu quả khi thị trường đi xuống.

Một cựu nhân viên ngân hàng cho biết Archegos có một danh mục đầu tư bán khống.

Tại một số thời điểm trong những năm qua, các khoản đầu tư của Hwang dịch chuyển từ phần lớn các công ty công nghệ cho tới một danh mục đầu tư đa dạng hơn. Các tập đoàn truyền thông lớn như ViacomCBS và Discovery trở thành những công ty được Archegos đầu tư nhiều nhất. Và cổ phiếu của ít nhất 4 công ty Trung Quốc GSX Techedu, Baidu, Iqiyi và Vipshop cũng được quỹ đầu tư này để ý đến.

Tuy nhiên, để biết chính xác khi nào Archegos thực hiện những giao dịch hoán đổi đó là điều không thể nhưng vẫn còn đó những manh mối trên các chứng từ ngân hàng. Bắt đầu từ quý II/2020, tất cả ngân hàng của Hwang trở thành những đơn vị nắm giữ phần lớn các mã cố phiếu mà ông đầu tư. Morgan Stanley tính tới ngày 30/6/2020 chỉ đang nắm giữ 5,22 triệu cổ phiếu của Vipshop nhưng tới ngày 31/12, con số này tăng lên 44,6 triệu.

Vụ margin call của Archegos: Bill Hwang mất trắng 20 tỷ USD trong hai ngày như thế nào (P2) - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu của Credit Suisse và Nomura sau vụ Archegos.

Tỷ suất vay nợ để đầu tư cổ phiếu đóng vai trò ngày một quan trọng và Hwang tìm cách áp dụng điều đó nhiều hơn. Credit Suisse và Morgan Stanley hợp tác với Archegos trong nhiều năm, và không hề bị ảnh hưởng bởi những bê bối của Hwang với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Goldman Sachs lại đưa ông vào danh sách hạn chế. Các chuyên viên tuân thủ, những người biết về những hành vi sai trái của ông trong quá khứ, liên tục ngăn cản nỗ lực mở tài khoản mới của Archegos, theo nguồn thạo tin.

Quý IV/2020 là khoảng thời gian tương đối thành công đối với Hwang. Trong khi chỉ số S&P 500 tăng gần 12 %, 7 trong tổng số 10 mã cổ phiếu mà Archegos đầu tư tăng tới hơn 30%, với việc Baidu, Vipshop, và Farfetch tăng ít nhất 70%.

Tất cả những điều đó khiến Archegos trở thành một trong những khách hàng được săn đón nhiều nhất trên Phố Wall. Nhưng người thạo tin cho biết quỹ đầu tư này trả cho các nhà mối giới lớn hàng chục triệu USD tiền phí mỗi năm, tổng cộng có thể lên tới hơn 100 triệu USD. Khi các tài khoản hoán đổi sinh lời, Hwang sẽ tiếp tục đổ vốn vào đó. Goldman Sachs cuối cùng tỏ ra bớt nghiêm khắc hơn và chấp nhận để Archegos trở thành một trong những khách hàng của mình vào cuối năm 2020. Chỉ vài tuần sau đó, mọi chuyện đổ vỡ chỉ trong chớp mắt.

Sự việc đầu tiên trong chuỗi sự kiện đáng chú ý diễn ra trong suốt một tuần bắt đầu từ ngay sau 16h ngày 22/3, sát với thời điểm đóng cửa giao dịch. ViacomCBS, công ty đang gặp khó trong việc bám đuổi với Apple TV, Disney+, Home Box Office và Netfilx, thông báo đã bán khối lượng cổ phiếu và nợ chuyển đổi trị giá 3 tỷ USD. Cổ phiếu của công ty, bị đẩy giá khi Hwang mua vào, tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 4 tháng. Lúc đó, việc đầu tư tiền vào nền tảng phát video trực tuyến này trở nên khá hấp dẫn.

Thế nhưng, giá cổ phiếu của công ty này lại giảm 9% trong ngày 23/3 và 23% trong ngày 24/3. Những khoản đầu tư của Hwang trở nên rung lắc dữ dội, khiến cho các thỏa thuận hoán đổi của ông rơi vào thế khó. Một số nhân viên ngân hàng khuyên ông nên bán cổ phiếu. Thua lỗ là điều chắc chắn để tránh khả năng vỡ nợ, nhưng ít nhất công ty của ông ấy sẽ vẫn tồn tại. Hwang đã từ chối, bài học từ lâu trước đó của Robertson dường như đã rơi vào quên lãng.

Ngày 25/3, các đơn vị môi giới của Archegos tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp. Hwang có thể đã đi vay tới 85 triệu USD đối với mỗi 20 triệu USD công ty sở hữu. Nhưng danh mục đầu tư khổng lồ của Archegos mất giá nhanh chóng tới nỗi toàn bộ vốn của Hwang đã bị thổi bay.

Các đơn vị chủ nợ chắc chắn sẽ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nam. Nếu như các cổ phiếu trong các hợp đồng hoán đổi tăng giá trở lại, mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng nếu như chỉ một ngân hàng chùn bước và bắt đầu bán ra cổ phiếu, chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với tình trạng giá xuống. Credit Suisse, không may, muốn chờ đợi.

Chiều muộn hôm đó, không một thông báo trước nào đối với các chủ nợ khác của Archegos, Morgan Stanley có những động thái đầu tiên. Công ty này bán ra lượng cổ phiếu trị giá 5 tỷ USD của Archegos với giá ưu đãi, cho một nhóm các quỹ phòng hộ. Trong buổi sáng hôm 26/3, ngay trước thời điểm 9h30 sáng khi sàn giao dịch chứng khoán New York mở cửa, Goldman Sachs cũng chào bán 6,6 tỷ USD rổ cổ phiếu trong đó có Baidu, Tencent Music Entertainment Group và Vipshop. Sau đó, công ty cũng bán thêm 3,9 tỷ USD cổ phiếu của ViacomCBS, Discovery, Farfetch, Iqiyi và GSX Techedu.

Sau giai đoạn “kinh hoàng” đó, Goldman Sachs, Deutsche Bank, Morgan Stanley, và Wells Fargo đã thoát khỏi cơn bão một cách ngoạn mục. Đơn giản là vì họ đã hành động một cách mau lẹ. Credit Suisse và Nomura là những đơn vị phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Mitsubitshi UFJ Financial Group, một đơn vị môi giới lớn khác, công bố khoản thiệt hại lên tới 300 triệu USD.

“Trong khi mọi người đang nói về ông ấy với tư cách là một cá nhân mất đi khối tài sản lớn nhất trong lịch sử, nhưng cũng có rất nhiều người có suy nghĩ khác”, theo Doug Birdsall, người cùng tham gia với Hwang tại Redeemer Presbyterian Church. “Nhiều người sẽ nhớ tới cuộc đời nhân từ của ông ấy, những tính cách tốt đẹp của ông, sự dũng cảm, khiêm tốn và lòng hào phóng”.

Vụ margin call của Archegos: Bill Hwang mất trắng 20 tỷ USD trong hai ngày như thế nào (P2) - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu của ViacomCBS, Discovery, GSX và Iqiyi sau vụ Archegos.

Điều tốt đẹp nhất mà bất kỳ ai có thể nói về sự sụp đổ của Archegos đó chính là không gây ảnh hưởng lớn tới thị trường. Điều tệ nhất đó là một “thảm họa” có thể ngăn chặn được bởi các chủ nợ của Hwang. Họ hoàn toàn có thể hạn chế những hoạt động tín dụng của ông và yêu cầu ông cung cấp nhiều hơn thông tin về các giao dịch ông thực hiện.

Archegos có thể đã không vỡ nợ. Các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm trong vụ việc này. Vẫn chưa có đủ sự minh bạch trên thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý châu Âu yêu cầu bên chịu rủi ro kinh tế của một khoản đầu tư phải công bố lợi nhuận của mình. Tại Mỹ, các công ty tài chính lớn như của Hwang hoàn toàn có phép “tàng hình”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM