Vụ án thuốc giả chấn động TQ: Tử hình Cục trưởng, tách ngành Dược ra khỏi ngành Y
Sau án tử hình đối với cựu Cục trưởng ngành Dược Trịnh Tiêu Du, Trung Quốc nhận thấy cần phải đẩy mạnh nhiều chính sách để quản lý thị trường thuốc, trong đó có "Y - Dược phân ly".
"Y – Dược phân ly" là phương pháp quản lý đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, riêng với Trung Quốc đã được đề ra từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
Hiểu một cách đơn giản, khi " Y - Dược phân ly ", bệnh nhân sẽ tới cơ sở y tế để thăm khám, nhưng thuốc men không bán qua trung gian bệnh viện mà được cung cấp trực tiếp từ các công ty sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Ưu điểm của "Y - Dược phân ly"
Thứ nhất, cách phân phối trực tiếp này sẽ triệt tiêu những nguồn lợi mà các cá nhân, tổ chức thu được từ chênh lệch tiền thuốc. Dược phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ đúng với mức giá niêm yết.
Thứ hai, "Y – Dược phân ly" sẽ khiến người tiêu thụ thuốc và bệnh viện không còn là một thể thống nhất. Thu nhập của bác sĩ chủ yếu dựa vào kết quả điều trị của người bệnh. Từ đó hiệu quả làm việc trong quá trình chẩn đoán, trị liệu của đội ngũ y bác sĩ càng nâng cao.
Thứ ba, thị trường dược phẩm sau khi tách riêng sẽ được áp dụng phương pháp quản lý như thị trường thực phẩm. Hiệu quả trị liệu, nguồn gốc, tính thật – giả hay giá cả đều sẽ được kiểm định nghiêm ngặt.
Thứ tư, lợi ích của công ty sản xuất sẽ dựa vào nhu cầu của thị trường. Hiệu quả làm việc của bác sĩ sẽ dựa vào kết quả trị liệu. Từ đó, những loại thuốc men đắt đỏ và không hiệu quả dần sẽ bị xóa sổ khỏi thị trường.
"Y - Dược phân ly" giúp độ an toàn và giá cả của thuốc được kiểm soát chặt chẽ. (Tranh minh họa).
Trung Quốc 20 năm thí điểm "Y - Dược phân ly": Kết quả thế nào?
Năm 1997, chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định cải cách phát triển các vấn đề vệ sinh dịch tễ. Chính sách cải cách phát triển của nước này đã nêu rõ: "Thực hiện Y – Dược phân ly để hạch toán, chia ra quản lý".
Tháng 2 năm 2002, 8 bộ ủy nước này tiếp tục gửi công văn đề nghị, trong đó chỉ ra rằng:
"Muốn giải quyết được thực trạng lấy dược nuôi y đã tồn tại nhiều năm, phải cắt đứt lợi ích kinh tế giữa việc khám chữa bệnh và tiêu thụ thuốc men, từ đó từng bước nhờ trợ cấp tài chính để điều chỉnh giá cả dược phẩm, biến nhà thuốc thành công ty bán lẻ, độc lập hạch toán, nộp thuế theo quy định".
Theo đề án "Y – Dược phân ly", ngành y tế nước này đã thí điểm hình thức "Dược phòng thác quản" và thiết lập "Kho thuốc điện tử" ở nhiều bệnh viện và cơ quan y tế công lập.
"Dược phòng thác quản" là hình thức phân phối dược phẩm theo hợp đồng, quyền sở hữu nhà thuốc vẫn giữ nguyên, nhưng những cơ sở này sẽ có tư cách kinh doanh hợp pháp. Chủ nhà thuốc có thể giao việc kinh doanh cho thứ ba quản lý. Người kinh doanh phải đảm bảo cân bằng giữa giá trị gia tăng của nhà thuốc, lợi ích xã hội và hiệu quả kinh tế.
"Kho thuốc điện tử" là hình thức biến xí nghiệp phân phối dược phẩm thành nơi dự trữ thuốc men cho bệnh viện. Từ đó, bệnh viện và các cơ sở y tế không cần tốn không gian và nhân lực cho việc quản lý thuốc. Người mua sẽ trực tiếp thông qua dữ liệu điện tử để lấy thuốc từ công ty, giá thành bán ra đúng với giá niêm yết tại nơi sản xuất.
Năm 2015, Trung tâm y tế địa phương tại Thạch Cảnh Sơn (Bắc Kinh) đã áp dụng mô hình "Dược phòng thác quản" và thiết lập "Kho thuốc điện tử". Nếu trước đó, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chỉ cho phép trung tâm tích trữ 400 loại thuốc, thì hiện tại số lượng thuốc dự trữ trên dữ liệu điện tử đã lên tới hơn 1000 chủng loại.
Hai hình thức này khiến việc phân phối thuốc không bị giới hạn về không gian và nhân lực, không qua tay nhiều kênh trung gian, giá cả dược phẩm không bị chênh lệch.
Đối với những loại thuốc không có trong danh mục dự trữ, công ty dược phẩm sẽ chuyển tới tay người mua trong vòng 4 giờ. Với loại thuốc cần dùng khẩn cấp, công ty cam kết sẽ vận chuyển trong vòng 2 giờ.
Trung tâm Y tế Phụ nữ và Nhi đồng Quảng Châu cũng đã tiến hành thí điểm việc đem nhà thuốc tách khỏi bệnh viện. Nhà thuốc bệnh viện đã đóng cửa, thay vào đó là trung tâm dược phẩm đại chúng ngay cạnh cơ sở y tế, trực tiếp phân phối thuốc tới tay người tiêu dùng theo giá cả niêm yết.
Các thành phố Thành Đô, Thượng Hải và Trịnh Châu cũng đang bắt đầu thí điểm mô hình này.
Mặc dù thu được nhiều thành quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia y tế, những mô hình trên cũng có một số tồn đọng nhất định, đặc biệt là vấn đề bồi thường phí tổn cho bệnh viện và gánh nặng với bảo hiểm xã hội cùng ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc cải cách toàn diện theo hướng "Y – Dược phân ly" vẫn cần cả một quá trình dài.
Hình thức "Y - Dược phân ly" sẽ chấm dứt tình trạng "lấy dược nuôi y" đã thâm căn cố đế nhiều năm. (Tranh minh họa).
Đức: Điển hình thành công nhờ "Y - Dược phân ly"
Là một trong những quốc gia sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới, chính phủ nước Đức không ngừng thử nghiệm những chính sách mới để đảm bảo sự ổn định của thị trường thuốc men trong nước.
Quốc gia này từ lâu đã áp dụng hình thức "Y – Dược phân ly". Theo đó, tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế đều không được phép mở nhà thuốc riêng.
Người bệnh sau khi thăm khám sẽ nhận đơn thuốc và tới địa điểm phân phối dược phẩm do bác sĩ chỉ định. Luật pháp tại Đức cũng quy định, giá cả của tất cả các loại thuốc đều phải tuân theo niêm yếu của nhà nước.
Riêng đối với những loại thuốc độc quyền, công ty sản xuất có quyền tự chủ định giá. Nhưng chi phí chỉ được dao động trong mức cho phép. Sau khi trải qua quá trình kiểm định, những công ty khác cũng có quyền sản xuất loại thuốc này để giá thành sản phẩm giảm xuống.
Đặc biệt, để tránh tình trạng nhà sản xuất đổi tên thuốc cũ và bán theo giá mới, chính phủ Đức đã thông qua "Luật cải cách thị trường dược phẩm" vào tháng 1/2011, chính thức đưa việc đánh giá nghiên cứu so sánh về hiệu quả của thuốc vào cơ chế định giá thuốc độc quyền.
Đạo luật quy định mỗi loại thuốc mới đều phải được "đánh giá hiệu quả tiền kỳ" bởi Sở nghiên cứu hiệu suất và chất lượng chăm sóc y tế. Chỉ những loại thuốc được đánh giá tốt hơn sản phẩm hiện hành mới có cơ hội tăng giá.
Nước Đức cũng thi hành chế độ bảo hiểm y tế bắt buộc trên cả nước. Trẻ em 12 tuổi trở xuống được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh.
Cơ quan bảo hiểm y tế tại quốc gia này còn trực tiếp thỏa thuận giá cả với cơ sở sản xuất. Điều này một mặt giúp bình ổn giá cả dược phẩm, mặt khác lại thông qua cơ chế cạnh tranh để khiến nguồn "tài nguyên" thuốc ngày càng trở nên linh hoạt.
Áp dụng thành công "Y - Dược phân ly" khiến mặt bằng thị trường dược phẩm tại Đức luôn ổn đinh. (Ảnh minh họa).
Hàn Quốc: Tăng cường vai trò của bảo hiểm y tế thông qua "Y - Dược phân ly"
Ngành y tế nước này từng xảy ra thực trạng "cạnh tranh" khốc liệt giữa bác sĩ và dược sĩ. Bác sĩ muốn kê đơn có nhiều thuốc để được hưởng "tiền hoa hồng", mà dược sĩ lại tìm cách trục lợi bằng việc bán thuốc không theo đơn hoặc dùng thuốc thay thế.
Theo số liệu thống kê năm 2000, thị trường dược phẩm Hàn Quốc có 61,5% lượng thuốc bán ra theo đơn và 38,5% thuốc bán không theo đơn.
Ngày 1/7/2000, chính phủ Hàn Quốc chính thức áp dụng "Y – Dược phân ly" và coi đây là một trong những ưu tiên cải cách hàng đầu.
Chính sách này chủ yếu chú trọng việc kiểm soát lượng dược phẩm phân phối ra thị trường, đồng thời giảm tỷ trọng của những loại thuốc không hiệu quả hoặc đã quá hạn sử dụng.
Sau khi chính phủ quyết định niêm yết giá thuốc men, các công ty bảo hiểm y tế đã trở thành khách hàng chính của những xí nghiệp sản xuất dược phẩm. Những công ty này sẽ cân nhắc tới nhu cầu của thị trường, tính thay thế của thuốc để trả giá với nơi sản xuất.
Những cơ sở sản xuất dược phẩm phải thông báo lượng tiêu thụ dự trù. Nếu lượng tiêu thụ thực tế cao hơn mức này, giá thành thuốc sẽ phải hạ xuống.
Chính sách này vừa bình ổn giá thành dược phẩm trong nước, lại vừa tăng cường vai trò của bảo hiểm y tế tại Hàn Quốc.
* Tham khảo nhiều nguồn: Tân Hoa Xã/Sohu/Baike/Y-LP.com