Không kiểm soát nổi thuốc giả
31/10/2012 07:46 AM
|
Thuốc giả không chỉ được phát hiện nhiều tại các nhà thuốc tư nhân, dược liệu nhỏ lẻ mà đã thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hợp pháp như công ty, bệnh viện…
Tình trạng thuốc giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, diễn biến ngày càng phức tạp. Thuốc giả không chỉ được phát hiện nhiều tại các nhà thuốc tư nhân, dược liệu nhỏ lẻ mà đã thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hợp pháp như công ty, bệnh viện…
Thuốc giả vào cả nhà thuốc bệnh viện
Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và báo cáo từ các Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc địa phương, số lượng thuốc giả phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu, trong đó có 11 loại tân dược và 20 loại đông dược, bao gồm cả thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước, chiếm tỷ lệ 0,09% mẫu lấy để kiểm tra.
Số liệu này chưa gồm các mẫu thuốc giả mạo do cơ quan công an, Quản lý thị trường phát hiện. Cũng trong năm 2011, trong số 48.261 mẫu thuốc đã được tiến hành kiểm nghiệm có tới 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Với hàng trăm nghìn mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường thì vài trăm mẫu thuốc giả được phát hiện mỗi năm như thống kê này rõ ràng chẳng thấm vào đâu.
Tuy nhiên, một báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh trình bày tại Hội thảo quốc tế “Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động” do trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức ngày 29-10, vấn đề thuốc giả thực tế trầm trọng hơn rất nhiều.
Cụ thể, năm 2010, tại TP Hồ Chí Minh có 134 mẫu thuốc giả trên tổng số 813 mẫu được xét nghiệm (chiếm 16,48%). Năm 2011, tỷ lệ này giảm xuống song vẫn chiếm 12% với khoảng 85/ 712 mẫu được kiểm nghiệm là thuốc giả.
Còn năm 2012, tính đến hết tháng 9, Viện này cũng phát hiện 71 mẫu thuốc giả trên 571 mẫu xét nghiệm (chiếm 12,61%)… Tính chung trên thế giới, hiện thuốc giả đang chiếm tới 10% thị trường dược phẩm, doanh thu từ thuốc giả lên đến 45 tỷ euro/năm.
Bà Nguyễn Thị Trúc Vân, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh cho biết, thuốc giả chiếm tỷ lệ cao nhất tại thị trường nước ta vẫn là đông dược và dược liệu, sau đó đến tân dược nhập khẩu, cuối cùng là tân dược sản xuất trong nước.
Thuốc giả không chỉ tồn tại trong các nhà thuốc tư nhân, các cơ sở kinh doanh dược liệu nhỏ lẻ, mà hiện nay nó đã thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hợp pháp như các công ty, nhà thuốc BV…
Gây hại nghiêm trọng
PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, phó Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, thuốc giả không chỉ bao gồm các sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng mà còn có thể gồm cả các yếu tố thành phần quá mạnh hoặc quá yếu, thiếu các thành phần chính, được sản xuất từ các thành phần nguy hiểm, nhiễm chất lạ hoặc chất độc, được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh hoặc không vô khuẩn, được dán nhãn, cất giữ hay bảo quản không đúng cách, quá hạn sử dụng…
Dù có nhiều dạng khác nhau song hậu quả mà thuốc giả mang lại rất nghiêm trọng, nhẹ thì làm thất bại trong điều trị, nặng hơn làm tăng độc tính của bệnh, tăng kháng thuốc, thậm chí tử vong. Ông Hòa nhấn mạnh, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì thuốc giả lên đến 1/10 trường hợp.
Theo các nghiên cứu, thuốc giả tại các nước phát triển thường là các thuốc đắt tiền như hormone (cường dương), steroide (chống viêm), kháng histamine (chống dị ứng). Còn ở các nước đang phát triển thì thuốc giả gặp nhiều nhất là các thuốc được sử dụng nhiều như thuốc chống sốt rét, thuốc kháng lao, chống HIV...
Đáng chú ý, 50% thuốc giả được bán bất hợp pháp trên mạng Internet. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng của các loại thuốc “xách tay” cũng rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Viên, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, hiện nay việc phát hiện thuốc giả vô cùng khó khăn do tình trạng mua bán lòng vòng, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn đang diễn biến phức tạp.
Cùng đó, phương pháp lấy mẫu để kiểm tra chất lượng thuốc cũng chưa hiệu quả. Một số chủ nhà thuốc dù có phát hiện thuốc giả cũng không thông báo cho cơ quan quản lý vì sợ ảnh hưởng đến uy tín. Ngoài ra, các biện pháp xử phạt khi phát hiện thuốc giả vẫn còn nhẹ, chưa nghiêm.
Theo Nguyễn Phan
ANTĐ