Vòng luẩn quẩn "chết chóc" trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P3)

24/05/2019 15:34 PM | Kinh doanh

Xã hội Việt Nam không đánh giá cao nghề du lịch, nhất là ở mảng nhân sự thấp và trung cấp, nhưng quả thật là nó bị oan. Và để lấy lại vị thế vốn có, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nhân sự trong ngành phải có ý thức nghề nghiệp tốt hơn.

Theo các chuyên gia, nói một cách công bằng: ngành du lịch hay cụ thể là ngành nhà hàng – khách sạn rất hấp dẫn so với nhiều ngành nghề khác, từ thu nhập cho đến tuổi thọ. Thế nên, rõ ràng việc xã hội hoặc chính các lao động trong nghề chưa đủ coi trọng nó là không đúng.


Ngành du lịch có thu nhập ổn định và tuổi thọ cao

"Ngành nhà hàng – khách sạn là một trong những ngành có tuổi thọ cao nhất, nó vừa không đòi hỏi quá nhiều sức khỏe, bởi khi bạn đến một độ tuổi khác nhau, nhà hàng – khách sạn đều có công việc phù hợp với từng lứa tuổi. Lộ trình phát triển rộng và khả năng thăng tiến trong ngành này cũng nhanh và rõ ràng. Lương không hề thấp và sẽ tịnh tiến theo thời gian khi được thăng chức", ông Tạ Quang Tùng - Tổng Giám đốc trường Hướng Nghiệp Á Âu, cho biết.

Thêm nữa, trong phân khúc khách sạn 4 sao trở lên, triển vọng thăng tiến rất lớn: mỗi năm có 30% nhân sự xin nghỉ việc, tức là mỗi năm bạn đều có cơ hội luân chuyển công việc lên vị trí cao hơn. Do khan hiếm nhân sự, nên các khách sạn hạng sang cũng ít khi tự đào thải nhân viên, nếu có vị trí nào cảm thấy chưa hài lòng, họ sẽ tìm cách điều chuyển qua bộ phận khác phù hợp hơn.

Tại New World có chương trình đào tạo chéo, để giúp nhân viên tìm vị trí thích hợp nhất với bản thân khi làm việc trong khách sạn. Ví dụ, theo chia sẻ chị Tống Thị Nhị Hà – Giám đốc nhân sự khách sạn New World, thì hiện tại, lương trung bình của nhân viên New World tầm 8 triệu đồng, chưa kể những phúc lợi khác như ngày 2 bữa, tiền tip, chương trình đào tạo và phát triển.

Vòng luẩn quẩn chết chóc trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P3) - Ảnh 1.

Mia Saigon Luxury Boutique

Còn tại Mia Luxury Boutique, lương trung bình của nhân viên vào khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng, mỗi tuần có 2 ngày off, cộng thêm tiền tip và ngày 2 bữa. Trong mùa du lịch cao điểm, lương thưởng của nhân viên Mia hoàn toàn đến con số 9 triệu đến 10 triệu.

Tại AFG Việt Nam, doanh nghiệp đang quản lý chuỗi piza AL AFRESCO’S – JASPAS, lương khởi điểm của nhân viên ở đây không cao đến thế, song với chất lượng nhân sự mà họ tuyển vào, thì theo họ, những đãi ngộ mà họ mang đến cũng khá ổn.

"Tại AL AFRESCO’S, lương khởi điểm của nhân viên khoảng 4,5 triệu đồng. Theo tôi, với một người mẹ có con nhỏ không công việc, vào AL AFRESCO’S được đào tạo nghề miễn phí, bao ăn và được trả lương từng đó là không hề tệ. Tất nhiên, theo thời gian, khi người mẹ đó làm việc tốt hơn thì lương cũng sẽ được nâng cao.

Như mọi ngành nghề khác, ngành nhà hàng – khách sạn cũng trả lương theo năng lực làm việc của nhân sự cũng như khối lượng công việc mà nhà hàng giao cho nhân sự. Chúng tôi không thể trả lương cao cho nhân sự chưa có kỹ năng nghề nghiệp và cả ngoại ngữ", chị Đặng Hữu Hạnh – Trưởng phòng nhân sự của AFG Việt Nam tiết lộ.


Ưu tiên đầu tiên là phải tập trung hơn vào việc nâng cao ý thức – lòng tự hào về nghề nghiệp cho lao động

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc tạo nguồn nhân lực - Công ty cổ phần Vinpearl bày tỏ: "Chưa cần bàn đến chất lượng đào tạo, có lẽ hãy bắt đầu từ việc giải quyết cách tiếp cận với nghề cho sinh viên. Hãy giúp họ hiểu rằng, muốn thành công với nghề thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất".

Hoặc cụ thể hơn, anh Trần Quang Thức – HR Manager của Mia Luxury Boutique thấy rằng, nhân sự trong ngành nhà – hàng khách sạn dường như chưa được định hướng tương lai một cách rõ ràng, không biết thời gian thăng cấp cụ thể của mình là bao nhiêu và phải đi từ vị trí nào đến vị trí nào.

Trong quá trình phỏng vấn, khi anh hỏi: 5 năm tới em sẽ làm gì, điểm mạnh điểm yếu của em là như thế nào, thì hầu hết ứng viên không trả lời được. Dù đã chuẩn bị dấn thân vào đời, họ vẫn cứ mông lung với con đường phía trước. Thế nên, rất nhiều lần, những khách sạn 4 hoặc 5 sao như Accord mà anh từng làm quản lý, nhiều bạn được tạo cơ hội để lên vị trí cao hơn nhưng họ không dám vì chưa sẵn sàng để nhận vị trí đó.

Trong thời gian tới, anh Thức cũng đề nghị, các trường và trung tâm dạy nghề nhà hàng – khách sạn cần có những khóa học chuyên sâu và cao cấp thì mới đáp ứng được nhu cầu nhân sự chất lượng ngày càng cao từ các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng – khách sạn. Ví dụ những khóa học như Nhân viên chuyên nghiệp trong khách sạn 4 đến 5 sao, Tạo ra dịch vụ tốt và giữ dịch vụ đó mãi như thế nào…

Định hướng nghề nghiệp luôn là một phần học quan trọng trong chương trình giáo dục của các trường trong ngành du lịch, như Hướng Nghiệp Á Âu hoặc Vietnam Barista School, nhưng dường như điều đó vẫn chưa tác động đủ sâu và rộng trong việc thay đổi nhận thức về nghề nghiệp của nhân sự trong ngành du lịch.


Đòi hỏi có một chiến lược phát triển nhân sự dài hơi và cụ thể từ Nhà nước

Mặc dù, Tổng cục Du lịch Việt Nam liên tục phản ánh vấn đề nói trên trong nhiều năm liên tiếp, nhưng họ vẫn chưa có một chiến lược phát triển nhân sự dài hơi và cụ thể, để giải quyết dứt điểm tình trạng xấu này.

Vòng luẩn quẩn chết chóc trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P3) - Ảnh 2.

Họp bàn về chương trình nâng cao chất lượng nhân sự giữa Tổng Cục du lịch Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc.

Trong vài năm gần đây, như kể từ đầu năm 2019, hoạt động chủ yếu của Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn là sale – marketing - PR, chuyện phát triển và nâng cao chất lượng nhân sự - điều được nhiều người cho rằng bức thiết hơn, chưa được quan tâm đúng mực. Hoạt động duy nhất về nâng cao chất lượng nhân sự du lịch để bằng với các nước ASEAN trên trang web của Cục là một dự án hợp tác ngắn ngày thông qua sự hỗ trợ từ Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc.

Đa dạng hóa dịch vụ du lịch và nâng cao chất lượng nhân sự chính là 2 biện pháp quan trọng để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững chứ không "ăn xổi ở thì" như thời điểm hiện tại, khi chúng ta vẫn chủ yếu mang thiên nhiên tươi đẹp – thứ đang dần hao mòn, để lôi kéo khách du lịch. Cả Thái lẫn Singapore đang dần coi trọng chất lượng của ngành du lịch hơn là số lượng.

Theo thống kê gần đây, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam chỉ từ 10 - 40% trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 80%, chi tiêu cũng khá ít so với khu vực. Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, song số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD. Vậy thì khách nhiều để làm gì?

Nên chăng, Tổng cục Du lịch Việt Nam hoặc cơ quan chuyên trách nào đó, cần đưa ra một lộ trình phát triển nhân lực cụ thể mỗi năm, ví dụ: mỗi năm ngành giáo dục của Việt Nam phải đào tạo bao nhiêu nhận sự thấp – trung – cao cấp để đến năm 2025, chúng ta sẽ đủ nhân sự cung ứng cho nhu cầu của toàn ngành du lịch. Có thể nữa, đưa chỉ tiêu xuống tận mỗi thành phố, rồi thành phố đưa đến tận trường, nếu trường chưa đủ tiềm lực thì Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách nào đó.

Nhà nước cũng nên tích cực truyền thông cho ngành nhân sự du lịch, thay vì chọn đại sứ du lịch Việt Nam trong giới showbiz thì nên chọn trong ngành du lịch, ví dụ một đầu bếp nổi tiếng nào đó rồi sau đó hỗ trợ làm thương hiệu cho họ. Đồng thời, Nhà nước nên thường xuyên tổ chức các sự kiện tôn vinh những nhân sự giỏi giang trong ngành du lịch, để nâng cao giá trị ngành nghề.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM