Vòng luẩn quẩn "chết chóc" trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P.1)

21/05/2019 15:14 PM | Kinh doanh

Sau nhiều năm phát triển, trong khi nhiều thứ ở Việt Nam đã thay đổi, thì dường như quan điểm của xã hội về mảng du lịch là ngành "việc nhẹ, lương thấp" vẫn không đổi. Vậy thực trạng mảng nhân sự trong ngành du lịch sự thật đang như thế nào?

Những con số u ám

Theo Tổng cục Du lịch, hiện tại cả nước có trên 1,3 triệu lao động trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

90% tiêu chuẩn đầu ra của các trường đào tạo về du lịch đều nằm dưới chuẩn nghề nghiệp của ASEAN. Xét về năng suất lao động, nước ta mới chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia.

Khó khăn lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu về ngoại ngữ: có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. Với doanh nghiệp lớn trong ngành chẳng hạn như Sun Group, tới 60% du khách là người nước ngoài, nếu không biết ngoại ngữ thì làm sao có thể phục vụ.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến năm 2020, ngành du lịch cả nước cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Với tốc độ tăng trưởng 30% mỗi năm và 95,5 triệu du khách năm 2018, mỗi năm Việt Nam cần thêm 75.000 lao động phục vụ khách quốc tế lẫn nội địa. Tuy nhiên theo ước tính, hiện nay ngành dịch vụ du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nhân sự, trong đó chỉ có 12% đến 16% có trình độ đại học cao đẳng.

Cụ thể, ngành khách sạn – nhà hàng cần 40.000 nhân sự mới mỗi năm, nhưng hiện tại thị trường chỉ đáp ứng khoảng 15.000 nhân sự, chưa được 50%.

Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu, nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa. Các vị trí nhân sự cao cấp trong các nhà hàng – khách sạn cao cấp, từ 4 đến 5 sao trở lên đều là người nước ngoài. Sắp tới, khi Thỏa thuận về nghề du lịch ASEAN chính thức có hiệu lực, sẽ có nhiều lao động trong khối ASEAN đến Việt Nam làm việc, ngành nhân sự du lịch Việt Nam càng gặp khó.

Nhưng thực tế liệu có "tàn khốc" như những thống kê của Tổng cục Du lịch và những lo lắng về sự lép vế của ngành du lịch Việt Nam liệu có diễn ra?


Sự yếu kém đã dần được cải thiện

Theo chị Nguyệt – một quản lý cao cấp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành nhà hàng – khách sạn, để tuyển nhân sự cho bếp ở các khách sạn 4 đến 5 sao rất khó, trong 10 người họa may mới tuyển được 2 người. Nguyên do là tại Việt Nam, nghề nấu ăn vẫn là đào tạo theo kiểu "nghề dạy nghề" mà ít học ở trường lớp bài bản, tiếng Anh giao tiếp cũng khá kém.

Do đó, hầu hết khách sạn 4 sao trở lên đều có hẳn một ban đào tạo – mỗi bộ phận thường cử ra một người có trách nhiệm training lại nhân sự mới. Cùng tình trạng nhân lực khan hiếm ở phân khúc cao cấp, nên chương trình đào tạo ở mỗi khách sạn không chỉ để chuẩn hóa chất lượng phục vụ của doanh nghiệp mà còn là cách để giữ chân nhân sự, cạnh tranh với đối thủ.

Là người có 16 năm lăn lộn trong các khách sạn - nhà hàng quốc tế cũng như nội địa, cô Thanh Vân – Giảng viên trường Hướng Nghiệp Á Âu lại cho rằng, mọi chuyện thật ra không bi đát như mọi người nghĩ.

Đúng là ở các vị trí nhân sự cao cấp trong các khách sạn, tỷ lệ nhân sự người Việt vẫn còn đang lép vế so với người nước ngoài, nhưng theo quan sát và đánh giá của chị, điều đó sẽ thay đổi trong tương lai.

Hiện tại, các khách sạn thường thuê quản lý cao cấp ở nước ngoài do phân khúc đó Việt Nam còn thiếu hoặc họ buộc phải thuê tại mảng bếp Âu – cần người đúng quốc tịch, song doanh nghiệp thường có xu hướng địa phương hóa vị trí đó, nhằm tận dụng nguồn nhân lực địa phương cũng như giảm chi phí (thuê chuyên gia từ nước ngoài đến rất mắc tiền!). Về phần nhà hàng cao cấp, tỷ lệ nhân sự quản lý nội vẫn nhỉnh hơn nước ngoài.

Mặt khác, dù chất lượng nhân sự trong ngành du lịch của Việt Nam chưa bằng các nước ASEAN, nhưng ở thời điểm này, chúng ta chưa cần phải lo lắng việc bị mất ‘miếng cơm’ vào tay hàng xóm, do lao động trong mảng du lịch của Việt Nam còn thiếu rất nhiều, và như đã nói ở trên, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam vẫn có ý định phát triển nhân sự tại chỗ chứ không thích thuê mướn ở nước ngoài.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Patrick Basset - Giám đốc Vận hành tập đoàn AccorHotels khu vực Thượng Đông Nam - Đông Bắc Châu Á và quần đảo Maldives làm rõ: Hiện tại, AccorHotels có 300 trưởng bộ phận khách sạn là người Việt Nam, chiếm 70% toàn hệ thống, trong tương lai, họ sẽ đào tạo họ dần lên vị trí quản lý cấp cao hơn như Tổng giám đốc.

Về chiến lược nhân sự, AccorHotels hiện có 2 hướng phát triển: thứ nhất, họ muốn có nhiều phụ nữ thành công hơn nữa trong lĩnh vực này, như chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - CEO khách sạn Mercure Hà Nội, người nhận giải Giám đốc khách sạn tiêu biểu 2017.

Vòng luẩn quẩn chết chóc trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P.1) - Ảnh 1.

ông Patrick Basset - Giám đốc Vận hành tập đoàn AccorHotels khu vực Thượng Đông Nam - Đông Bắc Châu Á và quần đảo Maldives

Thứ hai, AccorHotels đang có rất nhiều chương trình nhằm đào tạo các tài năng người Việt trẻ giúp họ từng bước đi lên vị trí cao hơn. Mục tiêu cuối cùng: họ muốn trong tương lai, tất cả các Tổng Giám đốc khách sạn trong hệ thống của AccorHotels tại Việt Nam đều là người Việt.

Tuần trước, Sơn Kim vừa công bố liên doanh có tên Watami Việt Nam với tập đoàn hàng đầu Nhật Bản Watami, doanh nghiệp có 17 concept nhà hàng và 528 nhà hàng trải dài khắp Nhật Bản và châu Á (480 tại Nhật Bản và 48 tại châu Á). Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, Watami Việt Nam sẽ mở ít nhất 30 nhà hàng theo nhiều concept của đối tác đến từ Nhật.

Giám đốc của Watami Việt Nam là ông Huy Nguyễn – người Việt, còn nhân sự của cửa hàng đầu tiên - KYO WATAMI Grill & Sushi, thì ngoài đầu bếp chính buộc phải là người Nhật, hầu hết nhân sự của nhà hàng này đều là người Việt và được Sơn Kim mang đến các chi nhánh KYO WATAMI Grill & Sushi tại Singapore cũng như Hongkong để đào tạo trong một năm qua.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kim và  Sơn Kim Retail, như hầu hết các lãnh đạo khác trong ngành khách sạn – nhà hàng, ông phải dùng nhân sự nước ngoài trong giai đoạn đầu tiên khi vận hàng nhà hàng, còn sau đó Sơn Kim sẽ bồi dưỡng – đào tạo người thay thế tại chỗ.


Tại anh, tại ả

Theo đó, có vẻ, sau rất nhiều năm, dường như ngành du lịch Việt Nam vẫn không thể xóa đi điểm hạn chế nhân sự "vừa yếu, vừa thiếu"; nguyên do cốt lõi: vẫn không được xã hội coi trọng, vẫn bị nhiều người xem đây là nghề "việc nhẹ, lương thấp" và ít có cơ hội thăng tiến.

Lỗi đầu tiên thuộc về bản thân những lao động trong chính ngành này, khi họ vẫn chưa coi trọng công việc mà mình làm, nên không chuyên tâm học hành, cải thiện khả năng của bản thân cũng như quyết tâm thăng tiến. Thế nên, chất lượng nhân sự mặt bằng chung chưa cao, vì như mọi ngành nghề khác, ngành du lịch cũng trả lương dựa vào năng lực. Kéo theo, xã hội tiếp tục không xem trọng ngành nghề này, lại tác động tiêu cực tới nhận thức của những bạn trẻ chọn ngành này để đi. Kiểu như, ‘tại anh, tại ả’!

Còn sự thật là, ngành nhà hàng – khách sạn ‘long lanh’ hơn mọi người nghĩ. Theo các chuyên gia, nói một cách công bằng: ngành du lịch hay cụ thể là ngành nhà hàng – khách sạn rất hấp dẫn so với nhiều ngành nghề khác, từ thu nhập cho đến tuổi thọ. Thế nên, rõ ràng việc xã hội hoặc chính các lao động trong nghề chưa đủ coi trọng nó là không đúng.

Và cái vòng luẩn quẩn này sẽ kéo dài, cho tới khi nào chính người trong cuộc tự thoát ra khỏi ‘cơn mê’ cũng như nhà nước có những chiến lược truyền thông dài hơi, nâng tầm nghề du lịch.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM