Vòng luẩn quẩn "chết chóc" trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P.2)

23/05/2019 09:55 AM | Kinh doanh

Nguyên nhân lớn nhất khiến ngành nhân sự du lịch Việt Nam kéo dài tình trạng vừa yếu vừa thiếu trong nhiều năm nằm ở chính bản thân các bạn trong nghề, khi họ chưa đủ tôn trọng nghề nghiệp của mình.

Xem phần trước: Vòng luẩn quẩn "chết chóc" trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P.1)

Barista đang là một trong những nghề thời thượng trong ngành F&B và được xã hội xem trọng hơn nhiều nghề khác trong ngành này. Tuy nhiên, thái độ đối với nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ với nghề được xem trọng đến như vậy mà vẫn chưa ổn; chưa cần nói tới những nghề nghiệp khác trong ngành du lịch ví dụ như đầu bếp, nhân viên phục vụ, nhân viên sảnh…

Qua những tâm sự dưới đây của chị Nguyễn Huỳnh Kim Ngọc – Nhà sáng lập Vietnam Barista School với chúng tôi dưới đây, chúng ta sẽ thấy điều đó:

"Theo quan sát của tôi, hiện nghề barista tại Việt Nam có lượng nhưng thiếu chất. Là một người trong ngành, nên bức xúc nhất của tôi là rất hiếm khi gặp được một barista đạt chuẩn mà tôi mong muốn: có thể làm ra những ly Mocha hay Cappuchino vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt và có bề mặt bóng tới mức có thể thấy được hình ảnh trần nhà, đồng thời biết quan tâm tới khẩu vị của từng vị khách. Tại Việt Nam, vẫn chưa có barista nào có thương hiệu được công chúng biết đến rộng rãi.

Có rất nhiều nguyên nhân, đầu tiên là tại chính các barista. Mặc dù các học viên của Vietnam Barista School có được uy tín đáng kể trên thị trường, khi 2 chuỗi cà phê đình đám của Việt Nam là The Coffee House và Trung Nguyên thường xuyên đặt hàng, nhưng tôi cho rằng, hiện tại, thái độ về nghề nghiệp của nhiều bạn barista xuất thân từ Barista School nói chung và nhiều trường khác nói riêng vẫn chưa tốt.

Rất nhiều em theo nghề barista chỉ mới tốt nghiệp cấp hai, nên trình độ nhận thức của các em vẫn còn hạn chế. Nhiều em sau khi ra trường làm việc vài năm đã nghĩ mình rất ‘oai phong’, nên không cần học tập thêm hoặc tự mình mày mò kiến thức bằng tiếng Việt trên mạng.

Thực ra tôi không khuyến khích các em làm điều đó, nếu có thể, các em hãy trau dồi kiến thức bằng tiếng Anh từ những nguồn chính thống, bởi nghề barista còn khá mới tại Việt Nam, nên những người dịch chưa hẳn đã hiểu hết kiến thức hoặc thuật ngữ của nghề.

Nghề barista chỉ là xuất phát điểm đầu tiên trong ngành cà phê, các em cần biết mình phải phát triển theo hướng nào sau đó: trở thành barista chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế hay theo nghề cảm quan mùi vị, hoặc nghiên cứu…

Thứ hai, hệ thống giáo dục nghề barista chưa quy chuẩn, còn bát nháo khi không ít cá nhân/tổ chức mạo danh mình có chứng chỉ của SCA để dạy học. Chỉ những trường như Vietnam Barista School vừa có giảng viên có chứng chỉ và huy hiệu AST – Authorized SCA Trainers vừa là thành viên của SCA mới được phép cấp bằng barista có hiệu lực trên toàn thế giới.

Tôi nghĩ, cá nhân hay các đơn vị giảng dạy các bộ môn dành cho barista nên có trách nhiệm về những gì mình truyền đạt, từ kiến thức – tay nghề - thái độ với nghề khi đào tạo các barista tương lai".

Vòng luẩn quẩn chết chóc trong lĩnh vực nhân sự ngành du lịch Việt Nam: Tại anh, tại ả (P.2) - Ảnh 1.

Anh Tạ Quang Tùng – Tổng Giám đốc trường Hướng Nghiệp Á Âu

Hoàn toàn đồng tình với đồng nghiệp, anh Tạ Quang Tùng – Tổng Giám đốc trường Hướng Nghiệp Á Âu, một trong những tổ chức đào tạo nghề lớn nhất nhì ngành nhà hàng – khách sạn Việt Nam, cũng có những chia sẻ tâm huyết: hiện tại, có những bạn trẻ vẫn chưa coi đây là một nghề nghiêm túc, nên không chịu đầu tư.

Anh Tùng kể, nhiều bạn nói với gia đình là muốn đi học pha chế, ba mẹ bàn lùi vì cho rằng, pha ly nước chanh hay xay ly sinh tố thì không cần học; chuyện dọn buồng – phòng khách sạn cũng thế. Không ít bạn xem ngành nhà hàng – khách sạn là chỗ dừng chân tạm thời trước khi tìm được công việc khác, được xã hội xem trọng hơn.

Về mặt vĩ mô, việc càng ngày càng có nhiều trường đại học – cao đẳng mở ra, khiến các em học sinh cấp ba, dù thi điểm không cao vẫn có thể học được đại học, làm đối tượng tuyển sinh của các trường nghề - trung cấp ngày càng bị thu hẹp. Nếu đầu vào không tốt hơn những ngành nghề khác thì đầu ra cũng thế.

Không chỉ Hướng Nghiệp Á Âu, mà nhiều tổ chức dạy nghề nhà hàng – khách sạn khác, đều chỉ đang đào tạo những kiến thức và thực hành cơ bản, rồi sau đó để các nhà hàng – khách sạn đào tạo thêm.

Mỗi nhà hàng – khách sạn đều có những nét riêng, nên chuyện họ đào tạo thêm cho nhân sự là điều gần như bắt buộc. Thêm bữa, chỉ sau khi trải nghiệm thực tế ở từng nơi làm việc cụ thể tại các khách sạn 4 đến 5 sao, thì các bạn mới biết mình cần gì để tiếp tục học tập nâng cao. Về đào tạo ngoại ngữ, đây là vấn đề mà Hướng Nghiệp Á Âu vẫn chưa làm tốt.

Do thời gian đào tạo ngắn – chỉ khoảng 6 tháng, ngoài kiến thức chung và thực hành, trường này chỉ kịp dạy cho học viên tiếng Anh cơ bản trong bếp, để họ có thể biết những nguyên liệu – dụng cụ nấu ăn, còn phần giao tiếp thì gần như bỏ ngỏ cho bên thứ ba.

Có thể nói, hiện tại, các trung tâm đào tạo và nhà trường chủ yếu là vẫn cố gắng đáp ứng được phần ‘lượng’ cho thị trường nhân sự du lịch, chứ chưa đủ sức và tâm lực để đáp ứng phần ‘chất’; còn trong tương lai có thể khác. Do đó, hiện tại, để đi xa trong nghề nghiệp, nhân sự trong ngành du lịch vẫn phải biết mình muốn gì để tự đào tạo hoặc tìm đến các khóa học ngắn đào tạo nâng cao.

Khi làm một công việc gì đó với suy nghĩ mình chỉ làm việc đó để sống qua ngày hoặc cảm thấy xấu hổ khi nói nghề nghiệp của mình với người khác, tất nhiên lao động sẽ không hết mình với công việc, không nghĩ đến việc nâng cao năng lực nghề nghiệp hoặc cải thiện năng suất lao động của bản thân; và nếu không tìm được công việc khác để nhảy, thì có làm mãi cũng không thể lên chức.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM