Phó Vụ Trưởng Vụ Khách sạn: Trong 8 năm, cơ sở lưu trú du lịch tăng trưởng gấp đôi, nhờ vào lợi thế này

27/04/2019 15:40 PM | Bất động sản

Cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng khách sạn có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành. Từ năm 2011-2018, số cơ sở lưu trú du lịch đã tăng trưởng gấp đôi từ 250.000 buồng lên 550.000 buồng, kéo theo số lượng cung ứng dịch vụ và cơ sở tăng mạnh ở trung tâm du lịch biển, TP du lịch…

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn -Tổng Cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tại sự kiện khai mạc triển lãm thương mại Quốc tế lần thứ 10 về ngành công nghiệp thực phẩm, dịch vụ khách sạn và nhà hàng tại Việt Nam- Food & Hotel Việt Nam 2019 tại Trung tâm hội chợ và Triển lãm Sài Gòn mới đây.

Theo bà Bình, du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng, lượng du khách liên tục tăng qua các năm là lý do thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Theo đó, số cơ sở lưu trú trong nước không ngừng tăng nhanh đi kèm với chất lượng và dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và phong phú hơn.

Phó Vụ Trưởng Vụ Khách sạn: Trong 8 năm, cơ sở lưu trú du lịch tăng trưởng gấp đôi, nhờ vào lợi thế này - Ảnh 1.

Bà Bình cho rằng, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng khách sạn có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. ảnh: P.N

Theo bà Bình, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. Trong vòng 8 năm, từ 2011-2018, số lượng cơ sở lưu trú đã tăng gấp đôi từ 250.000 lên 550.000 buồng, kéo theo các dịch vụ đi kèm tăng trưởng theo.

Sự tăng trưởng của ngành du lịch được thể hiện rõ nét ở sự gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, năm 1994 chỉ có 1 triệu lượt khách quốc tế, đến nă 2018, Việt Nam đã đón 15.5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu về du lịch đạt 620 tỉ đồng, đóng góp 8% vào GDP.

Bà Bình cho rằng, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch đã kéo theo sự phát triển vượt bậc của các cơ sở lưu trú du lịch. Với sự gia tăng này, theo bà Bình ngành du lịch cần phải tiếp tục khẳng định thương hiệu và tập trung vào các cơ sở cung cấp dịch vụ cao. Hiện trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện các thương hiệu thực phẩm, đồ uống hàng đầu thế giới, mang đến cầu nối thương mại rất tốt.

Phó Vụ Trưởng Vụ Khách sạn: Trong 8 năm, cơ sở lưu trú du lịch tăng trưởng gấp đôi, nhờ vào lợi thế này - Ảnh 2.

Hiện trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện các thương hiệu thực phẩm, đồ uống hàng đầu thế giới, mang đến cầu nối thương mại rất tốt. Ảnh: P.N

Đồng quan điểm, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES - đơn vị tổ chức triển lãm Food & Hotel Việt Nam 2019 cho hay, Việt Nam được xem là thánh đường của dịch vụ nhà hàng khi mà ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ. Chính yếu tố du lịch phát triển nên năm 2019, ngành thực phẩm, đồ uống, dịch vụ khách sạn nhà hàng tại Việt Nam tiếp tục thu hút lượng tiêu dùng của người Việt và khách quốc tế. “Thu nhập của khách hàng ngày càng tăng kéo theo nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của họ gia tăng, là nền tảng hứa hẹn lạc quan đối với thị trường thực phẩm, đồ uống”, ông BT Tee nhấn mạnh.

Được biết, triển lãm Food & Hotel Việt Nam 2019 lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay lên đến gần 13.000 m2, quy tụ 466 đơn vị triển lãm đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm nổi bật chính của Triển lãm năm nay là sự xuất hiện của những nhóm gian hàng quốc tế lần đầu tham dự, bao gồm: Ai-len, Ba Lan, Hà Lan và Nga bên cạnh sự ủng hộ tiếp tục của những nhóm gian hàng quốc tế như Bỉ, Canada, Đài Loan, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Úc.

Dutch Meat Production Association là hiệp hội lớn chuyên về các sản phẩm và chế phẩm từ thịt đến từ nhóm gian hàng Hà Lan, đạt 85% tổng doanh thu của Hà Lan trong ngành chế biến thịt với doanh thu hàng năm khoảng một tỷ Euro. Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp quốc gia Ba Lan (National Support Centre for Agriculture - KOWR) cũng giới thiệu nhiều sản phẩm nông sản đặc thù của Ba Lan.

Phó Vụ Trưởng Vụ Khách sạn: Trong 8 năm, cơ sở lưu trú du lịch tăng trưởng gấp đôi, nhờ vào lợi thế này - Ảnh 3.

“Thu nhập của khách hàng ngày càng tăng kéo theo nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của họ gia tăng, là nền tảng hứa hẹn lạc quan đối với thị trường thực phẩm, đồ uống”, ông BT Tee nhấn mạnh. Ảnh: P.N

Nhiều doanh nghiệp từ bang Victoria – Úc đến Việt Nam mang những sản phẩm rất đặc trưng của bang Victoria như các sản phẩm dạng hạt, ngũ cốc để ăn sáng, các loại trái cây chất lượng cao, thịt và các sản phẩm thịt được chế biến và đóng gói chân không…, có sản phẩm chưa từng được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Đó chính là những sản phẩm có tiềm năng rất lớn và thúc đẩy cho xuất khẩu sang Việt Nam, ưu tiên cho thị trường Việt.

Bên cạnh đó, nhóm gian hàng Nga lai mang đến thương hiệu tên tuổi Altai Group – một tập đoàn du lịch chuyên về du lịch tự nhiên và du lịch phiêu lưu…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn, trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục tập trung vào chất lượng và đẩy mạnh các thương hiệu mạnh của thị trường Việt Nam. Những thương hiệu mới hình thành nhưng hướng đến sự phát triển lâu dài, chất lượng cũng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện để phát triển.  

“Du lịch wellness đã và đang trở thành một mô hình du lich giàu tiềm năng của ngành công nghiệp không khói, được dự đoán sẽ trở thành một làn gió mới dịch chuyển tư duy và triết lý kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành khách sạn trên thế giới”, bà Bình nhấn mạnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM