Vingroup, Viettel, Grab đại diện cho một tầng lớp doanh nghiệp, mà khả năng tương lai sẽ khiến cả Ngân hàng lẫn Fintech ‘đại bại’?
"Fintech không có được đối tượng khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi cũng không có được công nghệ và cách làm việc giống như họ. Cho nên, bắt buộc hai bên phải hợp tác. Tôi nghĩ nếu không hợp tác sớm, có lẽ sẽ có một nhóm thứ 3, Techfin - những công ty công nghệ nhảy vào lĩnh vực tài chính, sẽ đẩy cả 2 ra khỏi cuộc chơi", CEO một ngân hàng tại Việt Nam thẳng thắn chia sẻ.
Momo chính thức launching (ra mắt) trên Android ngày 2/6/2014, trở thành ví điện tử đầu tiên có ứng dụng trên di động, 15 ngày sau đó có mặt trên hệ điều hành iOS. Sau gần 4 năm hoạt động, qua 2 lần huy động vốn lên tới gần 34 triệu USD, Momo có 6 triệu người dùng.
Đến hẹn lại lên, cuối tháng 10 vừa qua, ví điện tử Momo lại có chương trình chào đón "Ma mới", với khuyến mãi tặng gói thanh toán 300.000 đồng.
Cứ vài ngày một lần, website của ví điện tử 4 năm tuổi này lại đăng tải thông tin tặng tiền, hoàn tiền, mua sắm giá ưu đãi hoặc của riêng Momo, hoặc kết hợp cùng các đối tác, và "Ma mới" luôn là đối tượng được ưu tiên đặc biệt.
Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, các Fintech vẫn thường dùng tiền để thu hút khách hàng mới. Nhưng 6 triệu người dùng hiện tại có phải khách hàng của Momo?
Vì sao Fintech không thể là mối đe dọa của Ngân hàng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Momo.
Cài đặt Momo vào năm 2016 do đồng nghiệp "rủ rê" để lấy khuyến mãi tặng 100.000 đồng cho cả người giới thiệu lẫn người sử dụng lần đầu, chị Phạm Thanh Nhàn ở Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) hiện sở hữu 3 ví điện tử: Momo, Moca (nay là Grabpay by Moca), và Ví Việt của LienvietPostBank.
Vậy chị Nhàn là khách hàng của đơn vị nào?
Ngoại trừ Grab (chúng tôi sẽ đề cập ở đoạn sau), chị Nhàn không phải khách hàng của Momo hay Ví Việt. Nói chính xác hơn, chị là khách hàng của ngân hàng V. - một ngân hàng thương mại cổ phần mà chị mở tài khoản 4 năm nay và dùng tài khoản này liên kết với Momo và Ví Việt. Tần suất sử dụng 2 loại ví điện tử này phụ thuộc vào mức độ tiện dụng và các gói khuyến mãi mà các Fintech này đang ganh đua.
Khi Fintech không có users, Ngân hàng yếu công nghệ, quan hệ hai bên chỉ có thể là cộng sinh, không thể đối đầu
Nếu xuất hiện ví điện tử mới tiện dụng với nhiều khuyến mãi hơn, chị cũng không ngần ngại bỏ cả 2 loại ví đang sử dụng để chuyển qua ứng dụng Fintech mới.
Tức là, khách hàng/users thực tế là của Ngân hàng, không phải của Fintech liên kết.
Khi Fintech không có users, còn Ngân hàng với mô hình cồng kềnh, công nghệ chưa được đầu tư và mức độ thích ứng không nhanh nhạy bằng mô hình Startup gọn nhẹ, thì quan hệ hai bên chỉ có thể là cộng sinh, không thể đối đầu.
"Chắc chắn quan hệ hai bên phải là đối tác. Fintech không có được đối tượng khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi cũng không có được công nghệ và cách làm việc giống như họ. Cho nên, bắt buộc hai bên phải hợp tác", ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - chia sẻ thẳng thắn
"Tôi nghĩ nếu không hợp tác sớm, có lẽ sẽ có một nhóm thứ 3, Techfin - những công ty công nghệ nhảy vào lĩnh vực tài chính, sẽ đẩy cả 2 ra khỏi cuộc chơi".
Tại thị trường Việt Nam, một loạt các ông lớn công nghệ như Grab, Vingroup, thậm chí Viettel đang bước chân vào địa hạt mà trước tới nay ngân hàng vẫn là bá chủ.
Techfin - khi những gã công nghệ khổng lồ cùng "góp vui" trên sân chơi tài chính
"Nếu bạn có 1 tỷ users (người dùng), việc bạn là công ty taxi, công ty viễn thông, hay một công ty cung cấp dịch vụ tài chính cũng không còn quan trọng. Bạn có thể mở rộng kinh doanh sang bất cứ lĩnh vực nào, quảng cáo, hay bán các sản phẩm/dịch vụ dựa trên insight khách hàng, và đó là lý do vì sao lĩnh vực tài chính ngày nay phát triển cực nhanh chóng", ông Marius Jurgilas - Thành viên HĐQT Ngân hàng Nhà nước Litva chia sẻ bên lề Hội thảo "Fintech Litva - Cơ hội hợp tác từ Litva trước thềm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Ông Marius Jurgilas - Thành viên HĐQT Ngân hàng Nhà nước Litva. Ảnh: delfi.lt.
Ông Marius tham gia HĐQT Ngân hàng Nhà nước Litva từ năm 2013, phụ trách các lĩnh vực dịch vụ thanh toán, Fintech, tiền mặt…
Theo quan điểm của ông Marius, khi doanh nghiệp có lượng users đủ lớn, họ có thể kiếm tiền bằng rất nhiều cách dựa trên database (dữ liệu) người dùng.
Điều này cũng lý giải lý do vì sao Grab, Uber, Go-Jek hy sinh lợi nhuận ở mảng vận tải. Với lượng users lớn thu hút được từ mảng vận tải xe 2 bánh và 4 bánh, các startup kỳ lân này hoàn toàn có khả năng kiếm tiền ở các lĩnh vực khác. Go-Jek gần đây tuyên bố đã có lãi ở hầu hết các mảng, trừ vận tải.
Quay trở lại câu chuyện các ông lớn công nghệ bước chân vào địa hạt tài chính, tại Việt Nam, Grab, Vingroup hay Viettel đều là những ông lớn công nghệ có lượng users khổng lồ.
Grab, trong một tuyên bố của đồng sáng lập Tan Hooi Ling hồi tháng 9/2018, cứ 10 người Việt Nam thì có 2 người sử dụng dịch vụ của Grab. Số lượt tải ứng dụng Grab tính đến tháng 11/2017 là 68 triệu trên các thiết bị di động tại 142 thành phố khu vực Đông Nam Á. Grab tiến vào lĩnh vực Financial Service (dịch vụ tài chính) tại Việt Nam từ năm 2017, nhưng mới đây mới chính thức hoạt động sau khi mua lại ví điện tử Moca.
Hệ sinh thái Vingroup bao gồm một loạt thương hiệu như Căn hộ VinHomes, siêu thị VinMart/VinPro, trung tâm thương mại Vincom, khách sạn và khu vui chơi Vinpearl/Vinpearl Land, trường học VinSchool, bệnh viện VinMec… Nếu VinMec, VinHomes và VinSchool có số lượng "khách hàng trung thành" ở mức độ chục nghìn và trăm nghìn, thì các thương hiệu còn lại số lượt phục vụ đã lên tới hàng triệu hay hàng chục triệu. Tính riêng trên thẻ thành viên VinID (dành cho các khách hàng sử dụng dịch vụ của Vingroup), số lượng đã lên tới 4 triệu người, theo số liệu Báo cáo thường niên của Vingroup năm 2017. Số lượng này tiếp tục tăng lên với sự tăng trưởng mạnh của các công ty thành viên Vingroup.
Số liệu thống kê "thành tựu" của họ nhà Vin năm 2017. Năm 2018, hệ sinh thái Vingroup sẽ có thêm sự góp mặt của xe VinFast hay dược phảm VinFa...
Tháng 7/2018, Vingroup thành lập công ty con mang tên CTCP VinID với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đăng ký 12 ngành nghề kinh doanh với ngành nghề kinh doanh chính là Dịch vụ trung gian thanh toán. Đến tháng 8, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành một tập đoàn công nghệ.
Không bỏ lỡ cuộc chơi, tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam Viettel cũng ra mắt ngân hàng số ViettelPay vào cuối tháng 6/2018. Tính đến cuối năm 2017, Viettel có 98 triệu thuê bao phát sinh lưu lượng trên toàn mạng, trong đó số thuê bao tại thị trường trong nước là 66 triệu, theo thông tin công bố tại Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2018 tổ chức cuối năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Sở hữu lượng users lớn là lý do những công ty như Grab bước chân vào địa hạt tài chính. Các doanh nghiệp viễn thông cũng muốn tham gia vào sân chơi này. Với tất cả những đơn vị có nền tảng users lớn, đây là lúc họ kết nối với mọi người không chỉ trong việc cung cấp dịch vụ cốt lõi, mà cả trên khía cạnh dịch vụ tài chính, phân tích insight khách hàng và kiếm tiền trên cơ sở dữ liệu đó", ông Marius nhìn nhận.
Chuyện Techfin ở Litva: Khi nhà mạng cung cấp dịch vụ thanh toán mobile
Momo - một nhà mạng trùng tên với ví điện tử Momo của Việt Nam có cơ sở tại Litva - đang cung cấp thanh toán cho những người đang dùng mobile. Ông Marius cho biết việc cung cấp dịch vụ thanh toán chỉ là bước 1, các đơn vị này sẽ nhanh chóng tiến tới bước 2 là cung cấp tín dụng.
Với một khoản vay nhỏ, ngân hàng không đời nào chịu thiệt để đòi nợ với nhiêu khê thủ tục. Nhưng các nhà mạng thì khác. Họ chỉ cần cắt dịch vụ.
"Bạn có thể đặt câu hỏi nhà mạng biết gì về tín dụng?", ông Marius nói.
"Nhưng thực tế khi khách hàng tiếp cận với khoản vay nhỏ ở ngân hàng mà không trả, ai sẽ là người gặp rắc rối?"
Với một khoản vay nhỏ, nếu để "đòi nợ chính tắc" sẽ phải đi qua nhiều thủ tục phiền phức, thì ngân hàng lại là đơn vị thiệt hơn. Nhưng các nhà mạng thì khác. Họ chỉ cần cắt dịch vụ.
"Chi phí xử lý với họ rất nhỏ", Thành viên HĐQT của NHNN Litva nói tiếp.
Trước sự đổ bộ của Techfin, các ngân hàng lớn sẽ ứng xử thế nào?
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết rủi ro lớn nhất của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lâu đời là sự "dám chấp nhận thay đổi".
"Rủi ro cho hệ thống ngân hàng hiện nay là chúng ta xây dựng hệ thống rất lâu rồi thì sợ phải phá hủy nó, sợ phải phá để xây lại cái mới. Yếu tố thứ hai là ngay cả con người trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng trong nước là ví dụ điển hình. Với mạng lưới chi nhánh lên tới cả ngàn và bao nhiêu con người đang làm việc tại các chi nhánh đó, mai mốt khi đưa công nghệ vào, việc tái đào tạo lại con người là cả một vấn đề rất lớn", ông Phạm Hồng Hải nhận định.
Còn về đối thủ, ông Hải quan niệm rằng ngay cả ngân hàng đối thủ cũng là đối tác.
"Thực ra chúng ta chỉ phát triển được nếu cả thị trường phát triển lên. Cái tôi nhìn ở đây là một hệ sinh thái và việc mình tham gia vào hệ sinh thái đó như thế nào. Miếng bánh thị trường tôi cho rằng kích cỡ sẽ tăng lên nếu mình biết cách làm cho nó phát triển, hơn là theo kiểu nếu ông kia nhảy vào sẽ lấy mất bánh của tôi", ông Hải nói.
Liên quan đến việc bắt tay với các Fintech, đầu năm nay HSBC đã hợp tác với CTCP Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) với giải pháp thanh toán Payoo. Hiện HSBC cũng đang làm các dự án mới với các công ty Fintech khác tại Việt Nam. Đầu năm tới, ngân hàng này dự kiến tổ chức một ngày Fintech Day, trong đó đặt ra những bài toán để xem xét các giải pháp của giới Fintech Việt Nam.
"Chắc chắn bản thân mình không có đủ sự nhanh nhạy hoặc đủ độ dám thử, dám làm, nhưng các Fintech có khả năng làm được như vậy", CEO HSBC Việt Nam nói.