Viettel sẽ cung cấp dịch vụ 4G với giá cước rẻ hơn 3G
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel vừa cho biết, với dịch vụ 4G, giá cước Viettel cung cấp cho khách hàng sẽ rẻ hơn 3G. Nhà mạng này dự kiến khoảng quý I/2017 khai trương mạng 4G.
Sẽ có nhiều gói cước 4G Viettel cho khách hàng lựa chọn
Như đã thông tin, ngày 14/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tập đoàn Viettel. Với giấy phép này, Viettel có thể chính thức triển khai, cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz ra thị trường một cách rộng rãi. Trước đó, từ cuối năm 2015, nhà mạng này đã triển khai thử nghiệm cung cấp 4G tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó là Hà Nội.
Thông tin với báo chí về kế hoạch triển khai cung cấp chính thức dịch vụ 4G, Phó Tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn cho biết, Viettel đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G. “Ngay khi có giấy phép, chúng tôi đã bắt tay vào đầu tư thiết bị, xây lắp hạ tầng. Với kinh nghiệm đã có, chúng tôi sẽ triển khai mạng 4G có vùng phủ toàn quốc lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, dự kiến khoảng quý I/2017 chúng tôi sẽ khai trương”, ông Sơn nói.
Theo nhận định của đại diện lãnh đạo Viettel, nhu cầu sử dụng dữ liệu di động của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Nếu như 5 năm trước, nhu cầu về dữ liệu di động của chúng ta hầu hết chỉ là đọc báo mạng thì giờ đây khách hàng có nhu cầu xem hoặc chia sẻ video HD ngay lập tức trên mạng xã hội, công nghệ mới như VR (thực tế ảo), game tương tác… bắt đầu xuất hiện phổ biến trong khi 3G không thể đáp ứng được cả về tốc độ lẫn dung lượng. “Chúng ta cần 1 mạng di động công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng đang tăng rất nhanh”, đại diện Viettel khẳng định.
Chia sẻ thêm về nhu cầu của người dân khu vực nông thôn đối với dịch vụ 4G, ông Hoàng Sơn cho hay, theo số liệu của Viettel, tốc độ tăng trưởng 3G ở khu vực nông thôn đang cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng ở khu vực thành phố, 3G hiện tại đã trở thành dịch vụ phổ cập ngay cả ở khu vực nông thôn, tạo tiền đề rất tốt cho việc phát triển 4G sau này.
Vị Phó Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh: “Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng băng rộng ở khu vực ngoài thành phố rất cao, vấn đề còn lại là Viettel sẽ tạo ra các gói cước khiến 4G cũng trở thành dịch vụ phổ cập để cho mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội sử dụng.
Hơn nữa, hiện giá bán smartphone rẻ hơn rất nhiều (từ 4 - 5 lần) so với 1 chiếc máy tính để bàn (PC), do vậy người dân ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận với Internet thông qua smartphone sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với kết nối Internet qua máy tính. Việc kết nối Internet còn mở ra cho họ rất nhiều cơ hội về tri thức, giải trí, công việc, xóa nhòa mọi khoảng cách, ranh giới, giúp họ tiếp cận với những kinh nghiệm mới, xu hướng mới giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ và con cái họ”.
Đáng chú ý, trong thông tin mới nhất của Viettel về kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ 4G, đại diện lãnh đạo của nhà mạng này đã “bật mí” về giá cước 4G - vấn đề nhiều người dùng đang quan tâm. Ông Hoàng Sơn chia sẻ: “Trong nhiều lĩnh vực kể cả viễn thông, hầu hết các công ty đều định giá đắt đối với các sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu “hớt váng” nhưng Viettel lại tư duy khác. Công nghệ mới cần được phổ cập cho số đông, và vì thế giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô. Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời chúng tôi cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất”.
Viettel tham vọng phổ cập dịch vụ 4G
Nói về tham vọng của Viettel đối với việc phổ cập dịch vụ 4G, ông Hoàng Sơn cho biết, tư duy truyền thống của các mạng di động trên thế giới là công nghệ mới tcó vùng phủ rất hẹp, thường họ chỉ phủ ở khu vực trung tâm rồi mới lan tỏa dần ra các khu vực khác, còn Viettel suy nghĩ khác, nghĩa là ngay từ ban đầu vùng phủ 4G của Viettel sẽ là rộng khắp.
Ông Sơn cho hay: “Chúng tôi sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động (mobile broadband). Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phổ cập được băng rộng di động có một ý nghĩa rất lớn. Tôi cho rằng 4G sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam”.
Cũng theo ông Hoàng Sơn, nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nếu tăng trưởng băng rộng khoảng 10% thì GDP của quốc gia đó sẽ tăng khoảng 1%. Nếu như ước mơ đem băng rộng đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam bằng cáp quang sẽ khó khăn bởi thiết bị kết nối, giá kết nối và chúng ta cần phải có thời gian để làm điều đó.
“Thế nhưng, với 4G chúng ta có thể nhanh chóng phổ cập băng rộng di động đến hầu hết người dùng di động và sẽ thúc đẩy GDP và sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tăng thứ hạng về viễn thông của Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới. Tôi nghĩ đó không chỉ là niềm tự hào của người Viettel nói riêng, mà của toàn bộ người dân Việt Nam khi môi trường về viễn thông và CNTT phát triển không kém gì các cường quốc trên thế giới”, ông Sơn nói.
Giải đáp băn khoăn, lo ngại của nhiều người về khó khăn trong việc phổ cập dịch vụ 4G do giá của máy điện thoại hỗ trợ 4G vẫn cao, đại diện lãnh đạo Viettel chia sẻ, sở dĩ Viettel sẽ triển khai 4G như 2G vì thứ nhất hiện nay giá thiết bị 4G đã rẻ. Nếu như ở công nghệ 2G và 3G, Viettel phải đi mua thiết bị của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, thì hiện nay Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G và đã đem vào thử nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây chính là lợi thế của Viettel khi triển khai 4G. Tất nhiên, để triển khai 4G rộng như 2G sẽ cần phải có nguồn lực tài chính mạnh và Viettel đã chuẩn bị cho việc đầu tư chiến lược này.
Về thiết bị đầu cuối, đại diện Viettel cho biết thêm, đến thời điểm hiện, giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G. Năm 2008, khi mà thu nhập bình quân/người của Việt Nam chỉ bằng một nửa bây giờ, chúng ta đã đạt mật độ 85 - 90%, tức là đã gần như phổ cập dịch vụ 2G. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng 1 triệu đồng. Bây giờ, máy điện thoại 4G cũng chỉ khoảng 40 - 50 USD, GDP/người cũng cao gấp đôi năm 2008, do đó việc phổ cập 4G là hoàn toàn khả thi.
Theo thông tin từ Viettel, thời gian qua, nhà mạng này đã triển khai 4G tại một số thị trường nước ngoài. Cụ thể, mạng 4G lớn nhất của Viettel hiện nay là tại Campuchia, với gần 500 trạm, đã chạy được hơn 1 năm với vùng phủ trải rộng trên 90% lãnh thổ. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã cung cấp dịch vụ 4G tới các khách hàng ở các thị trường Lào, Haiti, Burundi và Peru.