Viettel chính thức "nhảy" vào thị trường gọi xe trực tuyến thông qua 1 đối tác thuần Việt, Uber và Grab sẽ phải dè chừng?
Gần đây, Tổng Công ty viễn thông Viettel (Viettel Telecom) và Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện.
Theo thỏa thuận hợp tác ký ngày 15/9 tại Hà Nội, Vietel sẽ giúp Gonow, startup khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải, xây dựng và phát triển website: gonow.vn cùng với ứng dụng di động riêng.
Bên cạnh đó, Viettel sẽ phát triển hệ thống kênh bán hàng, hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến, bankplus cho Gonow tại hơn 10.000 điểm giao dịch Viettel trên toàn quốc. Gonow sẽ sử dụng hệ thống tổng đài đa phương tiện, hệ thống kênh truyền hình SMS, hóa đơn điện tử và hệ thống nhận diện thương hiệu của Vietel.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Gonow là một mô hình kinh doanh sáng tạo, hy vọng trong tương lai sẽ không thua kém Uber và Grab. "Với sự chung tay của Viettel, tôi tin sự kết hợp này sẽ thành công. Viettel đã thực sự đặt Gonow trên vai của mình và ở trên vai những người khổng lồ sẽ là phương pháp tốt nhất cho những doanh nghiệp bay cao và xa hơn”.
Thành lập hơn một năm trước đây, Gonow ra đời với tên gọi “Sàn giao dịch vận tải hành khách GONOW”, là đơn vị trung gian kết nối chủ xe và khách hàng để cung cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ nhu cầu: công tác, thương mại, du lịch, đưa đón chuyên gia, cưới hỏi, xe cao cấp,…cùng với dịch vụ cho thuê xe tự lái. Khách hàng có thể đặt xe qua ứng dụng Gonow trên điện thoại hoặc truy cập.
Giao diện đặt xe qua website Gonow.vn
Đến nay Gonow đã mở rộng hoạt động tại 64 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết tại Việt Nam, các hãng taxi, hãng giao thông vận tải bị đe dọa bởi công nghệ mới của thế giới. “Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow là một sản phẩm phù hợp với xu thế công nghệ 4.0. Với thế mạnh của mình, chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang đến giá trị cho các công ty vận tải hành khách Việt Nam và 90 triệu người dân Việt Nam sẽ được hưởng dịch vụ công nghệ tiện ích đơn giản, phục vụ cho đời sống hằng ngày".