Việt Nam, hạt hạnh nhân Mỹ nhập lậu vào Trung Quốc và những chiêu trò trong chiến tranh thương mại

31/07/2018 13:55 PM | Xã hội

Hiệp hội hạnh nhân California ước tính phần lớn trong số 43 triệu pound được nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam trong 1 năm kết thúc vào tháng 7/2017 cuối cùng đã được tiêu thụ ở Trung Quốc.

Dù đang hướng tới 1 vụ mùa bội thu, người nông dân trồng hạnh nhân tại California ( Mỹ ) - thủ phủ hạnh nhân của thế giới - đang bị "tấn công" từ mọi phía.

Giá hạnh nhân California đã giảm hơn 10% trong 2 tháng qua. Nguyên nhân là do dự đoán sản lượng sẽ tăng mạnh và quan trọng hơn, hạnh nhân đã trở thành mục tiêu bị áp thuế quan trả đũa bởi Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ (chỉ đứng sau EU). Với mức thuế nhập khẩu lên tới 50%, một số doanh nghiệp Trung Quốc mới đây cho biết họ đang cố gắng mua hạt được trồng ở trong nước hoặc tìm đến các nguồn mới như Australia và châu Phi.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc đã âm thầm khép lại 1 lỗ hổng mà nhiều năm nay đã cho phép 1 lượng lớn hạnh nhân Mỹ có thể chảy vào Trung Quốc thông qua thị trường Việt Nam mà không bị đánh thuế nhập khẩu.

Việt Nam, hạt hạnh nhân Mỹ nhập lậu vào Trung Quốc và những chiêu trò trong chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Theo số liệu từ Hiệp hội hạnh nhân California, lượng hạnh nhân mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, và người nông dân Mỹ mới chỉ bán trước được 156 triệu pound cho mùa vụ tiếp theo bắt đầu từ 1/8 – cũng chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Mặc dù phần lớn số hạnh nhân này được vận chuyển trực tiếp tới Trung Quốc hoặc qua Hồng Kông, trong những năm gần đây đã nổi lên một kênh giao dịch khá nhộn nhịp cho phép các doanh nghiệp chuyển 1 lượng lớn hạnh nhân đến Việt Nam rồi sau đó vào Trung Quốc để hưởng lợi về thuế. Theo luật quản lý các giao dịch thương mại tại các tỉnh của Trung Quốc nằm sát biên giới Việt – Trung, mỗi ngày người dân bản địa có thể mang số hàng hóa có giá trị tối đa 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.170 USD) từ Việt Nam sang Trung Quốc mà không phải trả thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo 1 người dân ở thành phố Chongzuo, mới đây hạnh nhân đã bị loại khỏi danh sách các mặt hàng được miễn thuế, chặn đứng con đường trung chuyển hạnh nhân từ Mỹ vào Trung Quốc thông qua Việt Nam. Nghe thì có vẻ không đáng kể nhưng "khi bạn nhìn thấy các thương lái tấp nập vận chuyển từng xe tải qua biên giới thì câu chuyện hoàn toàn khác", Richard Waycott – Chủ tịch hiệp hội hạnh nhân California nói.

Không có số liệu thống kê chính thức về số hạnh nhân được trung chuyển mỗi năm, nhưng Hiệp hội hạnh nhân California ước tính phần lớn trong số 43 triệu pound được nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam trong 1 năm kết thúc vào tháng 7/2017 cuối cùng đã được tiêu thụ ở Trung Quốc. Cùng kỳ, Mỹ xuất khẩu 141 triệu pound sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.

Việt Nam, hạt hạnh nhân Mỹ nhập lậu vào Trung Quốc và những chiêu trò trong chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Các kênh trung chuyển (mà trường hợp này là 1 ví dụ điển hình) vẫn là một trong những vấn đề gây nhiều lo ngại trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Washington cho rằng nhiều công ty ở châu Á đã trở thành "đường ống dẫn" giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trốn tránh thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên động thái nói trên của Bắc Kinh cho thấy cả hai bên đều sử dụng mánh khóe này.

Động thái này cũng phản ánh Trung Quốc muốn phát huy triệt để các tác dụng của thuế quan trả đũa đánh vào các nông sản Mỹ. Hạnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Mỹ hiện là nước sản xuất và xuất khẩu hạnh nhân lớn nhất thế giới, với California chiếm 80% lượng cung của toàn thế giới.

Giờ đây với mức thuế cao và kênh vận chuyển lậu bị chặn, nhiều người trồng hạnh nhân và cả các nhà xuất khẩu đang lo lắng về những tháng tới, khi mùa thu hoạch đến. Sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ngành hạnh nhân của California chỉ vừa mới hồi phục và được dự báo năm nay sẽ đạt sản lượng cao kỷ lục. Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu của Trung Quốc đã tăng rất mạnh nhưng nhu cầu đã ngay lập tức giảm xuống sau khi bị áp thuế. Hiện 1 pound được bán với giá khoảng 2,46 USD, so với mức 2,76 USD của 2 tháng trước.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM