Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore

22/01/2023 08:10 AM | Kinh doanh

Với dân số 100 triệu dân, cùng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đang là thị trường ưu tiên của nhiều startup fintech lớn ở Đông Nam Á khi muốn mở rộng ra nước ngoài. Vậy nên, không ngạc nhiên, khi trong năm 2022, các ‘tay chơi’ đến từ Indonesia và Singapore chiến nhau rầm rộ ở đây; ví dụ: Kredivo – Atome, Fuse – Igloo, Funding Societies - Validus…

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 1.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Indonesia và Thái Lan là 3 thị trường có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hơn Việt nam. Vậy nên, trong khi hầu hết startup ở Việt Nam vẫn đang bận đánh chiếm thị trường nội địa, thì rất nhiều startup Singapore – Indonesia đã làm xong điều đó, nên bắt đầu nhòm ngó sang các nước trong khu vực.

Với dân số 100 triệu dân, cùng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đang là thị trường ưu tiên của nhiều startup fintech lớn ở Đông Nam Á khi muốn mở rộng ra nước ngoài.

Theo các nhà phân tích từ Tập đoàn Robocash, thị trường fintech Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao; hơn nữa, còn chưa bão hòa so với các nước lân cận. Điều này đúng cho cả nhu cầu (chỉ 27% người trưởng thành sử dụng trang web/ứng dụng di động cho các dịch vụ ngân hàng, đầu tư hoặc bảo hiểm hàng tháng) và nguồn cung - số lượng startup fintech trong nước vào khoảng 160 công ty.

Vậy nên, trong năm 2019, có rất nhiều startup từ 2 thị trường nói trên rục rịch muốn đến chia ‘miếng bánh’ ở thị trường Việt, nhưng Covid-19 bất thình lình xuất hiện, khiến tất cả kế hoạch đều bị đình trệ. Phải đến giữa năm 2021 và 2022, tất cả họ mới có thể chính thức bước vào kinh doanh ở Việt Nam.

Tích cực nhất trong tất cả, chính là các startup ở mảng fintech, với hàng loạt cái tên đình đám trong giới startup ở Indonesia - Singapore xuất hiện tại Việt Nam. Thú vị hơn nữa, có tới 2/3 cặp đấu là giữa Indonesia - Singapore; cụ thể là Kredivo – Atome trong mảng “Mua trước, Trả sau” và Fuse – Igloo ở thị trường bảo hiểm – insurtech; còn lại là cuộc đấu nội bộ giữa 2 doanh nghiệp cho vay B2B đến từ Singapore là Funding Societies – Validus.

KREDIVO – ATOME

Kredivo và Atome không chỉ là ‘kỳ phùng địch thủ’ ở thị trường Việt Nam trong mảng “Mua trước, Trả sau” (Buy Now, Pay Later - BNPL) mà còn trên bình diện Đông Nam Á.

Kredivo là nền tảng hỗ trợ cung cấp dịch vụ tín dụng trực tuyến hàng đầu Indonesia. Tại Indonesia, họ có 5 triệu khách hàng và 300 đối tác bán hàng bao gồm sàn TMĐT/app/website và 30.000 điểm online. Kredivo đang là đơn vị dẫn đầu thị trường BNPL với ít nhất 50% thị phần ở hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn của Indonesia.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 2.

Mục tiêu của Kredivo luôn là liên kết với tất cả các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam.

Kredivo được điều hành bởi FinAccel, có trụ sở chính tại Singapore và là 1 ‘kỳ lân’ của Đông Nam Á. Dù có trụ sở tại Singapore, nhưng xét về bản chất, Kredivo được tính là startup đến từ Indonesia.

Kredivo chính thức vào Việt Nam khoảng giữa năm 2021 và lựa chọn hợp tác cùng VietCredit để phát triển thị trường. VietCredit là công ty tài chính hàng đầu thị trường Việt Nam về thị phần thẻ tín dụng nội địa, họ đang là đối tác chiến lược và nhà tài trợ tài chính chính cho các khách hàng của Kredivo. Ngoài mảng BNPL, cả hai còn phối hợp để ra mắt sản phẩm cho vay tiêu dùng trên app của Kredivo.

Cũng như tại Indonesia, mục tiêu của Kredivo luôn là liên kết với tất cả các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam. Ngoài Sendo đã làm rồi, họ sẽ có lợi thế khi đến làm việc với Lazada Việt Nam vì họ đang là đối tác của Lazada ở Indonesia.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 3.

Đại diện cho Kredivo tại Việt Nam vẫn là ông Krishnadas - Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách mảng Phát triển Kinh doanh của Kredivo (giữa)

"Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Kredivo chọn để scale-up vào năm 2021. Trong tương lai gần, chúng tôi vẫn chỉ sẽ tập trung vào 2 thị trường Indonesia và Việt Nam, chứ không tiếp tục mở rộng ra các nước khác.

Mục tiêu của chúng tôi vẫn là vị trí số 1 thị trường BNPL Việt Nam, như đã làm được ở Indonesia. Cái khó nhất với Kredivo khi scale-up đến Việt Nam là vấn đề ‘giáo dục’ thị trường" , ông Krishnadas - Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách mảng Phát triển Kinh doanh của Kredivo, cho biết.

Cũng như Kredivo, Atome là một ‘kỳ lân’ của Singapore và Đông Nam Á. Atome được thành lập tại Singapore vào tháng 12/2016. Đơn vị hiện hợp tác với hơn 15.000 nhà bán lẻ trực tuyến và cửa hàng chính thức tại Đông Nam Á ; ngoài ra, họ cũng có mặt tại Trung Quốc, Nam Á và Mỹ Latin.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 4.

Atome đang tập trung nhiều nguồn lực cho ngách thời trang.

Atome đến Việt Nam vào tháng 4/2022 và cách chinh phục thị trường mới của họ không giống Kredivo. Trong khi Kredivo tấn công trực diện vào các sàn TMĐT và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực ở tất cả các ngành hàng từ FMCG – điện tử - thực phẩm – mẹ&bé; thì Atome tập trung nhiều nguồn lực cho ngách thời trang – nơi là người tiêu dùng mua hàng với tần suất cao và khá hào phóng (đặc biệt là nữ giới).

Ngoài ra, có lẽ, vì đã ‘nương tựa” được vào VietCredit, nên Kredivo không vội tìm 1 doanh nhân bản địa để lãnh đạo thị trường Việt Nam như nhiều startup khác, mà người đại diện cho họ ở đây vẫn là ông Krishnadas - Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách mảng Phát triển Kinh doanh . Ngược lại, do chọn cách tự đi, nên chỉ 2 tháng sau khi chính thức ra mắt thị trường Việt Nam, Atome đã bổ nhiệm ông Tạ Xuân Thịnh làm Tổng giám đốc Atome Việt Nam .

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 5.

Ông Tạ Xuân Thịnh - Tổng giám đốc Atome Việt Nam

Theo đó, trọng tâm trước mắt của vị Tổng Giám đốc này là giúp Atome được người tiêu dùng nhận diện là thương hiệu hàng đầu về "mua trước trả sau", phát triển quan hệ đối tác, đội ngũ tiếp thị và vận hành tại Việt Nam.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, 2 ‘kỳ lân’ này đang hoạt động sôi nổi và có xu hướng vươn lên dẫn đầu ở thị trường Việt Nam; hiện danh mục đối tác của cả hai đã hơn 100.

FUSE – IGLOO

Cặp đôi ‘duyên nợ’ thứ 2 là Fuse – Igloo ; đều hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, là nền tảng phân phối bảo hiểm online.

Fuse – được thành lập vào 2017, là startup về bảo hiểm đến từ Indonesia; chuyên phát triển nền tảng công nghệ di động nhằm cải tiến các kênh phân phối bảo hiểm, từ đó nâng cao hiệu quả và trải nghiệm cho người dùng.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 6.

Hiện Đội ngũ nhân sự của Fuse gồm hơn 500 người, với 24 văn phòng đại diện khắp Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc. Fuse gia nhập thị trường Việt Nam vào 2021 và sau một năm hoạt động tại đây, họ đã phát hành hơn 5 triệu hợp đồng.

Fuse hiện đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô (micro-insurance) với chi phí hợp lý, giúp người dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận qua các đối tác thương mại điện tử. Gần đây, Fuse áp dụng mô hình đối tác đại lý số B2A2C đã thành công tại thị trường Indonesia cho Việt Nam. Với ứng dụng Fuse Pro - một nền tảng số hóa, các đại lý và cộng tác viên tại Việt Nam có thể chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 7.

Giám đốc của Fuse Việt Nam - bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh và ông Andy Yeung - CEO của Fuse

Giám đốc của Fuse Việt Nam - bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh, chia sẻ: “ Ngành bảo hiểm tại Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn và còn nhiều cơ hội phát triển, do tỷ lệ thâm nhập thị trường còn tương đối thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác.

Song, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam rất cạnh tranh. Chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa làn gió mới vào thị trường khi định vị bản thân là một giải pháp công nghệ hỗ trợ các đối tác khác nhau trong lĩnh vực bảo hiểm. Ví dụ: chúng tôi hỗ trợ khách hàng giải quyết mọi công đoạn mua bán bảo hiểm chỉ với vài cú chạm tay ”.

Còn Igloo là công ty công nghệ bảo hiểm toàn diện đầu tiên tại Singapore. Công ty có văn phòng tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia, với các trung tâm công nghệ tại Ấn Độ và Trung Quốc. Cho đến nay, công ty insurtech này đã phục vụ hơn 300 triệu hợp đồng bảo hiểm và tăng tổng doanh thu phí bảo hiểm lên 30 lần kể từ năm 2019.

Igloo xâm nhập vào thị trường Malaysia - Việt Nam cùng năm với Fuse – 2021.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 8.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 9.

Nhận thấy tiềm năng của Việt Nam, Igloo đã không ngừng đầu tư vào các sáng kiến tại Việt Nam với tham vọng trở thành công ty insurtech hàng đầu tại đây. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực mà Igloo ra mắt Ignite by Igloo, nền tảng đại lý ứng dụng công nghệ AI nhằm nâng cao năng suất của người bán bảo hiểm (cả đại lý và môi giới) với quy trình bán hàng mượt mà hơn.

Công ty cũng vừa hợp tác với gã khổng lồ thương mại điện tử Shopee để giới thiệu Bảo hiểm Tài sản trong nhà, giải pháp bảo vệ toàn diện cho các tài sản trong nhà đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, Igloo đã ra mắt sản phẩm Bảo hiểm chỉ số thời tiết dựa trên blockchain đầu tiên tại Việt Nam nhằm bảo vệ nông dân trồng lúa khỏi các sự kiện thời tiết bất thường.

Ngoài bảo hiểm tài sản, Igloo còn cung cấp các sản phẩm bảo hiểm liên quan khác tại Việt Nam như Bảo hiểm Tai nạn cá nhân và Bảo hiểm Sức khỏe thông qua AhaMove, Bảo hiểm Giao hàng không thành công với Loship và Bảo hiểm Khoản vay với LOTTE Finance.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Giám đốc Igloo Việt Nam

Với sứ mệnh giúp bảo hiểm dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, chúng tôi cam kết bảo vệ người dân Việt Nam trước những bất trắc trong cuộc sống. Với chuyên môn, khả năng và công nghệ để phát triển các sản phẩm và giải pháp mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau, Igloo sẽ thúc đẩy sứ mệnh bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phục hồi của họ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến mới để bảo vệ tốt hơn người dân Việt Nam, đặc biệt là các cộng đồng chưa được bảo vệ, đáp ứng những nhu cầu và mong muốn cụ thể của họ ”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Giám đốc Igloo Việt Nam bày tỏ.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Tự Trí cho biết vào tháng 2/2022, Igloo đã cung cấp cho thị trường Việt Nam 3 triệu hợp đồng bảo hiểm trong năm 2021.

Có thể thấy, do hoạt động trong lĩnh vực khá nhạy cảm nên cả Fuse lẫn Igloo đều nhanh chóng tìm cho mình những nhà lãnh đạo tài năng và giàu kinh nghiệm trong ngành tài chính.

FUNDING SOCIETIES VÀ VALIDUS

Không hẹn mà cùng gặp, cả Funding Societies và Validus đều quyết định chọn năm 2019 để tiến quân vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do 2 năm Covid-19 nên phải bắt đầu từ năm 2022 họ mới hoạt động mạnh mẽ. Cả 2 startup đến từ Singapore này đều hoạt động trong lĩnh vực cho vay B2B, với các đối tượng: SMEs, startup, hộ gia đình kinh doanh, vi mô…

Funding Societies (tên Modalku tại thị trường Indonesia) là nền tảng tài trợ kỹ thuật số cho SMEs lớn nhất ở Đông Nam Á, hoạt động tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Cho đến 7/2022, nền tảng này đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua hơn 5 triệu giao dịch cho vay. Còn tại Việt Nam, họ đã giải ngân được 20 triệu USD tính đến tháng 12/2021.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 11.

Ông Ryan Galloway - Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam

Theo ông Ryan Galloway - Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam , thì Funding Societies không gặp khó khăn khi đến hoạt động tại thị trường Việt Nam, vì các khách hàng đang háo hức mong chờ sự xuất hiện của họ. Bởi, tại Việt Nam, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vi mô như các cửa hàng tạp hóa nhỏ, startup và SMEs cùng khả năng chấp thuận cho vay vốn của các ngân hàng truyền thống.

Đầu năm 2022, VNG đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies trong vòng gọi vốn Series C, với tổng trị giá 294 triệu USD; trong đó có 144 triệu USD vốn chủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay.

Thành lập vào năm 2015, Validus đã phát triển để trở thành nền tảng cho vay tín chấp trực tuyến giữa SMEs và Nhà đầu tư hàng đầu của Singapore. Mô hình kinh doanh của Validus khác một chút so với Funding Societies: Validus là nền tảng đứng giữa làm trung gian để giúp người muốn cho vay gặp người muốn vay.

Còn theo ông Nikhilesh Goel - Đồng sáng lập kiêm CEO của Validus: Kể từ khi ra mắt đến 12/2022, Validus đã giải ngân hơn 1 tỷ USD cho các khoản vay SMEs trên khắp Singapore, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 12.

Liên minh Validus Việt Nam, TTC Group và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures

Vào tháng 1/2022, V alidus Việt Nam, TTC Group và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đã công bố thương vụ liên doanh 3 bên. Ông Đặng Hồng Anh, ngoài vai trò là Phó Chủ tịch TTC Group, còn là Chủ tịch DHAC kiêm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - tổ chức có quy mô gồm hơn 9.000 thành viên và 66 chi hội trên khắp quốc gia.

Cụ thể, ba bên đã ra mắt nền tảng cho vay siêu tốc eBIZ, giúp người vay được vay tín chấp trong vòng 48 giờ với giá trị khoản vay lên đến 500 triệu đồng/doanh nghiệp với thời hạn vay 12 tháng.

Việt Nam – ‘Chiến trường’ mới của các fintech 'kỳ lân' đến từ Indonesia và Singapore - Ảnh 13.

Ông Đinh Văn Bình - CEO của Validus tại Việt Nam

Vào tháng 3/2022, Validus, đã chính thức công bố ông Đinh Văn Bình sẽ đảm nhiệm vị trí CEO của Validus tại Việt Nam. Ông Đinh Văn Bình là chuyên gia dịch vụ tài chính dày dạn gần hai mươi năm kinh nghiệm - chuyên môn trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng cho SMEs, ngân hàng thương mại và quản lý tài sản khi từng làm việc tại Techcombank và Sacombank.

Như thế, để đi nhanh cả Funding Societies và Validus đều chọn hợp tác với các đối tác giàu tiềm năng; đồng thời còn thuê về nhưng chuyên gia tài chính dày dạn ở thị trường Việt Nam. Bằng cách đi cả ‘2 chân’, Funding Societies và Validus tiến khá nhanh ở thị trường đầy béo bở như tại Việt Nam.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM