[Chuyện nghề] Ám ảnh của người bác sĩ trong những ngày Tết

23/02/2015 12:35 PM | Nghề nghiệp

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là bác sĩ, điều dưỡng của khoa Cấp cứu và các khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Chợ rẫy lại nơm nớp lo sợ. Những ngày trực Tết trở thành nỗi kinh hoàng, đến mức mà hầu như họ đều sợ Tết hơn là mong Tết đến.

Tết là ngày nghỉ lễ của cả nước, mọi người đều ngừng lại công việc để tìm kiếm những giây phút nghỉ ngơi, an nhàn bên gia đình.

Tuy nhiên, nghề bác sĩ không thể như vậy. Bác sĩ Võ Xuân Sơn, 56 tuổi, người có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại bệnh viện luôn nhớ như in những nỗi kinh hoàng của bệnh viện ngày Tết. Thay cho việc nghỉ ngơi, Tết lại là những ngày bác sĩ phải làm việc vất vả, dồn dập, quên ăn quên ngủ vì số lượng bệnh nhân gặp tai nạn giao thông tăng lên đột biến.

Không có mâm cỗ, bánh chưng xanh, mà những ca chấn thương nghiêm trọng, người nhà bệnh nhân ngồi thấp thỏm ở ngoài phòng cấp cứu là hình ảnh thường trực, ám ảnh người bác sĩ trong những dịp Tết đến.

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Sơn của công việc của một bác sĩ những ngày đầu năm mới tại bệnh viện Chợ Rẫy.


Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là bác sĩ, điều dưỡng của khoa Cấp cứu và các khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Chợ rẫy lại nơm nớp lo sợ. Những ngày trực Tết trở thành nỗi kinh hoàng, đến mức mà hầu như họ đều sợ Tết hơn là mong Tết đến.

Về sau này, mặc dù thành phố có đến hàng chục khoa Ngoại Thần kinh, tỉnh nào cũng có hoặc là khoa Ngoại Thần kinh, hoặc là bộ phận trực Ngoại Thần kinh, nhưng nỗi kinh hoàng không những không giảm mà còn tăng lên thêm nữa.

Còn nhớ có lần tôi trực vào ngày Mùng 1 Tết. Mới 7 giờ sáng, chúng tôi đã có 3 ca mổ sọ não chờ tại phòng mổ. Phòng Cấp cứu khá vắng vẻ. Đến 9 giờ sáng, trong khi còn chưa mổ xong. Lại có những ca khác cần phải xác định xem còn có thể mổ được hay không, hay phải chuyển qua hồi sức và chờ.

6 giờ tối, vẫn chưa ai trong kíp trực được ăn gì từ sáng sớm. Các bác sĩ cứ như con thoi giữa phòng mổ, cấp cứu, trại bệnh. Phòng cấp cứu như một bãi chiến trường. Đến 9 giờ tối, các bác sĩ của khoa Cấp cứu phải căng sức ra để vật lộn, để không bị “vỡ trận”. Bệnh nhân nằm la liệt. Hàng chục xe cấp cứu xếp hàng dài dọc theo con đường bên hông bệnh viện để chờ đến lượt đẩy bệnh nhân vào phòng cấp cứu.

Sân bệnh viện, cả đằng trước, đằng sau tràn ngập người nhà. Ngày Tết, các bác sĩ, điều dưỡng quen rồi đã đành, nhưng hàng ngàn người khác, phải vào bệnh viện “ăn Tết”. Đó là thân nhân của những người bị tai nạn. Họ thấp thỏm đứng ngồi không yên, vạ vật dưới đất, trên bờ hồ cá… Chẳng thấy ai có được một vẻ mặt hay nụ cười của ngày tết cả.

Cơm Tết của bệnh viện khá tươm tất, nhưng chẳng ai có thể ăn được, bỏ hết bữa trưa đến bữa tối. Đến khuya, đành mỗi người có được phút nào thì tranh thủ ăn miếng bánh tét hay cái lạp xưởng mang theo để có sức mổ, chứ lấy đâu ra thời gian mà chạy xuống nhà ăn.

4 giờ sáng Mùng 2, trong khi vẫn còn 3 phòng đang mổ sọ não do tai nạn giao thông, phòng Cấp cứu lại gọi. Lại phải quyết định mổ. Lần này là người quen của một bác sĩ trong khoa. Người nhà bệnh nhân có vẻ bớt lo lắng khi thấy bác sĩ khám bệnh quan tâm đến việc quen với bác sĩ kia. 4 giờ sáng, bác sĩ trực trong bệnh viện gọi về nhà anh bác sĩ người quen của bệnh nhân, rằng cả kíp trực không còn ai có thể mổ nổi nữa. Thôi thì quen với anh, anh vô mổ giúp giùm đi.

Người bác sĩ kia, trực ngày 30 Tết. Cả đêm giao thừa không được ngủ miếng nào. Sáng Mùng 1 về đến nhà lăn ra ngủ, đến tối mới ngồi dậy nổi, nhưng vẫn không đủ sức đi đâu. 4 giờ sáng Mùng 2, anh lại phải vào bệnh viện, mổ cho người quen của mình. Hết Tết.

Ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng cao. Đã vậy, mọi người lại thường hay chúc tụng nhau bằng bia, rượu. Tai nạn giao thông rất dễ xảy ra. Trên thực tế, TNGT trong những ngày Tết tăng vọt so với ngày thường. Những người không làm việc trong ngành y mà phải ăn Tết trong bệnh viện sẽ không bao giờ có thể quên được cái cảm giác bàng hoàng và ghê sợ.

Để cho cái Tết được vui trọn vẹn, để không phải chứng kiến cái cảnh bàng hoàng và ghê sợ của bệnh viện ngày Tết, mọi người chúng ta hãy cố gắng kềm chế khi uống rượu, bia. Tốt nhất là khi đã uống rượu, bia thì không lái xe, còn khi thấy rằng mình phải lái xe thì dứt khoát không uống rượu, bia.

Rượu, bia có thể mang lại cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, nhưng nó luôn sẵn sàng mang đến cho bạn khổ đau và bất hạnh. Ngày Tết, hãy giữ cho mọi người đều vui vẻ, và nếu có uống rượu, bia, bạn hãy làm sao để chỉ có mình uống nó, còn thì đừng cho nó có cơ hội uống lại mình. Muốn vậy, hãy luôn ghi nhớ: Đã uống rượu, bia thì không lái xe, nếu phải lái xe thì kiên quyết không uống rượu, bia.

>> Chàng trai Việt nặn sushi giữa lòng Hà Nội

Võ Xuân Sơn

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM