Vì sao Việt Nam phải trả lương 700 triệu đồng/tháng cho chuyên gia Nhật Bản, cao hơn 20% mức bình quân trong các dự án ODA?

20/08/2018 16:14 PM | Xã hội

Đi kèm các các khoản vay ODA, phía Nhật Bản đưa ra các quy định theo hướng tăng chi phí dự án và quy mô khoản vay; trong đó có các quy định về mức lương tư vấn quốc tế và trong nước, mức dự phòng trượt giá,…

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng bản báo cáo về việc chuẩn bị thẩm định các dự án vay Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.

Hiện tại, Nhật Bản là đối tác phát triển cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tính đến 30/6/2018, tổng vốn ký vay Nhật Bản là khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ. Dư nợ vốn vay Nhật Bản khoảng 14,64 tỷ USD, chiếm 30,35% dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ.

Trung bình trong các năm gần đây, Việt Nam ký vay Nhật Bản 1,5-1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 37% tổng trị giá ký kết vay nước ngoài hàng năm của Chính phủ.

Từ ngày 01/10/2017, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh giảm mức ưu đãi, tăng lãi suất cho vay đối với Chính phủ Việt Nam, cụ thể: lãi suất vay thông thường tăng từ 1,2% lên 1,5%; lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục y tế, dạy nghề, môi trường, biến đổi khí hậu tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.

Dù giảm tính ưu đãi, phía Nhật Bản vẫn đặt ra các điều kiện khắt khe khi cho vay, như: quy định về chính sách thuế đối với nhà thầu, tư vấn Nhật Bản; quy định về ràng buộc xuất xứ nhà thầu, phương thức mua sắm. Theo Bộ Tài chính, điều này nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu, công ty Nhật Bản và "không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam".

Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định khoản vay, phía Nhật Bản còn đưa ra các quy định theo hướng tăng chi phí dự án và quy mô khoản vay, như: quy định về mức lương tư vấn quốc tế và trong nước, mức dự phòng trượt giá,…

Mức lương phía Nhật Bản yêu cầu để lập dự toán các dự án vay vốn trong năm tài khóa 2018 là khoảng trên 30.000 USD/tháng/người (+/-10%), chưa kể các khoản phụ cấp. Theo tỷ giá hiện tại, mức lương này lên đến 700 triệu đồng/tháng/người. Con số này cao hơn khoảng 20-25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và gấp đôi so với thu nhập kê khai nộp thuế bình quân của người có quốc tịch Nhật Bản làm việc tại Việt Nam năm 2016.

Bộ Tài chính cho rằng, Nhật Bản cũng thu được lợi ích từ việc Việt Nam huy động vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng: xuất khẩu được nguồn vốn có lãi suất cao hơn lãi suất Chính phủ Nhật Bản huy động trên thị trường nước này; xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ "với mức giá không rẻ", tạo nhiều cơ hội cho các nhà thầu, tư vấn Nhật tham gia thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM