Vì sao Tôn Ngộ Không không tách đoàn đi thỉnh kinh: Bốn bài học lớn cho người làm lãnh đạo
Lãnh đạo tưởng không làm gì nhưng thực ra có tác dụng vô cùng lớn. Hơn thế nữa người lãnh đạo phải đủ cả "ân" và "uy".
Đêm đã về khuya. Tầy trò Đường Tăng trú tạm dưới gốc cây ven đường, nhóm lửa nghỉ ngơi.
Đường đến Tây Trúc thì xa, mà đi mãi chưa biết bao giờ mới tới. Bát Giới và Sa Tăng đã ngủ say, chỉ có Ngộ Không còn thức và Đường Tăng tọa thiền.
Ngộ Không chợt nói với Đường Tăng:
- Sư phụ, con vừa nghĩ ra một chuyện. Đường đến Tây Trúc xa mười vạn tám ngàn dặm. Con lộn một cái cũng vừa đúng mười vạn tám ngàn dặm. Thầy ở đây. Con lộn một vòng đến xin kinh thư ở chỗ Phật tổ. Chúng ta đỡ mất công cực nhọc.
Đường Tăng khẽ mỉm cười:
- Kinh thư là cái đích nhưng rèn luyện trên con đường thỉnh kinh mới là mục tiêu. Con có thể là dùng mẹo để tới đích lần này nhưng thiếu rèn luyện thì những chặng đường sau đó con không thể nào đi nổi. Ở đời vốn không có con đường tắt. Chúng ta chỉ có thể đi đúng hướng, đi hiệu quả để đỡ mệt nhọc. Đừng nghĩ đến việc đi đường ngang ngõ tắt.
Ngộ Không gật gù có vẻ hiểu. Đường Tăng lại hỏi:
- Ta thấy đi cùng ta các con cũng mệt mỏi nhiều. Hay là con cùng các sư đệ tách ra, lập nhóm đi thỉnh kinh riêng đi.
Ngộ Không xua tay:
- Sư phụ cứ đùa. Có bốn điều khiến con không thể làm vậy.
- Bốn điều gì con nói thử ta nghe!
Ngộ Không bình tĩnh phân tích:
1. Danh bất chính, ngôn bất thuận. Sư phụ được Quan Tế Âm Bồ Tát cử đi thỉnh kinh. Có áo cà sa và tích trượng làm bằng. Bây giờ con đi, chức danh thì không có, triện ấn cũng không có thì nói ai nghe.
2. Thỉnh kinh chỉ là nhiệm vụ. Mục đích thực sự là hoành dương phật pháp. Con nếu có thỉnh được kinh về cũng không thể giảng giải, dịch nghĩa, truyền bá phật pháp. Giống như người quản lý chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ chứ không thể thay lãnh đạo hoàn thành sứ mệnh.
3. Lãnh đạo tưởng không làm gì nhưng thực ra có tác dụng vô cùng lớn. Dọc đường thỉnh kinh, khổ ải vô số, yêu quái muôn trùng. Con không thể nào vượt qua tất cả khó khăn hay chiến thắng tất cả yêu ma. Trên đường đi, không biết bao nhiêu lần con đã phải nhờ cậy tới thiên binh thiên tướng, thần tiên trên trời. Họ giúp con chẳng phải sợ con đại náo thiên cung 500 năm trước mà là do nể mặt sư phụ. Kiếp trước, sư phụ là Kim Tiền Tử, đệ tử thứ hai của Phật Tổ Như Lai, lại được đích thân Quan Tế Âm Bồ Tát cử đi thỉnh kinh nên họ không giúp không được.
4. Lãnh đạo phải đủ cả "ân" và "uy". Có lúc, sư phụ dùng "Kim Cô Chú" để phạt con nhưng cũng có lúc lại may áo từ da hổ cho con mặc đỡ lạnh. Người lãnh đạo có đủ "ân" và "uy" thì mới có thể khiến người dưới quy phục, quy tụ đội nhóm. Con chỉ biết dọa nạt Bát Giới và Sa Tăng nên không thể làm lãnh đạo được đâu.
Đường Tăng tỏ vẻ hài lòng:
- Thôi, chúng ta nghỉ sớm để mai tiếp tục theo đuổi sứ mệnh nào!