Vì sao Starbucks phát triển “khiêm tốn” tại Việt Nam?

09/01/2020 15:23 PM | Kinh doanh

Chia sẻ với DĐDN, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam khẳng định việc phát triển các cửa hàng nhanh hay chậm là do chiến lược của doanh nghiệp.

Báo cáo của Euromonitor được công bố mới đây cho biết 5 chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam chiếm 15,3% thị phần. Trong đó, Starbucks chiếm gần 3% thị phần còn Highlands Coffee nắm hơn 7%. Chia sẻ với DĐDN, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam khẳng định việc phát triển các cửa hàng nhanh hay chậm là do chiến lược của mỗi doanh nghiệp.

Vì sao Starbucks phát triển “khiêm tốn” tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Thống kê về doanh thu của VIRAC và số lượng quán cà phê năm 2018

-Thưa bà, sự phát triển chuỗi cửa hàng của Starbucks tại Việt Nam đang bị đánh giá là “khiêm tốn” so với các thị trường khác mà Starbucks đã có mặt?

Chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2013, sau 7 năm phát triển, thương hiệu cà phê toàn cầu Starbucks hiện chiếm 2,9% thị phần cà phê Việt với 62 cửa hàng. Tính trong tương quan so với các thị trường khác, nếu như ở Malaysia, cứ 104.982 dân có 1 cửa hàng Starbucks; ở Thái Lan cứ 175.040 người có 1 cửa hàng Starbucks; ở Campuchia cứ 913.862 người có 1 cửa hàng Starbucks thì tại Việt Nam gần 1,7 triệu người Việt sẽ có một cửa hàng Starbucks.

Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra tốc độ phát triển chuỗi các cửa hàng dựa trên đặc tính của từng thị trường, không thể đánh đồng nhu cầu ở mỗi nước.

-Cùng với đó, dù là thương hiệu cà phê toàn cầu nhưng có vẻ Starbucks đang “lép vế” so với các chuỗi cà phê trong nước, thưa bà?

Không có gì phải so sánh khi các chuỗi cà phê đều có kế hoạch riêng. Họ có chiến lược kinh doanh mạnh mẽ. Starbucks cũng có thể khác với các chuỗi khác về triết lý, chiến lược mở rộng vì mỗi công ty đều khác biệt với nhau. Trong hơn 6 năm ở đây, tôi hạnh phúc và không thể than vãn về điều gì cả.

Tuy nhiên, với Starbucks, chúng tôi vui mừng vì số lượng cửa hàng này. Bởi chúng tôi không lựa chọn phát triển nhanh. Mỗi tỉnh thành phố mà chúng tôi lựa chọn, chúng tôi sẽ mở không chỉ là một mà phải ít nhất 3-5 cửa hàng, do đó, hiện chúng tôi chọn phát triển tại 4 thành phố lớn tại Việt Nam, đây là chiến lược của doanh nghiệp.

Tốc độ mở rộng thị trường được đánh giá hoàn toàn theo nhu cầu của thị trường và căn cứ trên những thách thức về bài toán kinh doanh.

-Cụ thể thách thức mà bà đang nói đến là gì?

Chi phí logistics là một thách thức với đơn vị vận hành theo chuỗi như chúng tôi khi mọi nguyên liệu củ Starbucks đều được nhập khẩu. Ví dụ nguyên liệu nhập về sẽ được phân phối cố định vào mỗi sáng đầu tuần tại một kho tại TP HCM, sau đó mới chuyển tới từng cửa hàng.

Cùng với đó, đơn vị cung cấp bánh và sữa đạt tiêu chuẩn cũng là thách thức với doanh nghiệp khi phát triển tại một tỉnh, thành phố mới. Chúng tôi phải đảm bảo rằng mọi sản phẩm được khách hàng sử dụng sẽ có hương vị, chất lượng giống nhau tại mọi cửa hàng của Starbucks trên toàn thế giới.

-Tuy nhiên các sản phẩm của Starbucks vẫn được xem là đắt đỏ hơn và có tính quốc tế nhiều hơn, chưa có nhiều "màu sắc" của Việt Nam mặc dù đã có tới 7 năm phát triển tại thị trường này, thưa bà?

Chúng tôi có triết lý kinh doanh của riêng mình, theo đó, menu đồ uống của mọi cửa hàng Starbucks tại Việt Nam hay Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào sẽ đều đảm bảo giống nhau, cốc cà phê khách hàng sử dụng tại Mỹ cũng phải có hương vị như ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng có kế hoạch mở thêm những cửa hàng mới không chỉ ở các thị trường hiện tại mà còn tại một số thành phố mới. Đặc biệt, ghi dấu 7 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ cho ra mắt cà phê phin truyền thống tại các cửa hàng trên cả nước. Lấy cảm hứng từ văn hóa cà phê Việt Nam, bộ phin pha cà phê Việt Nam hay còn được gọi là phin, được tái thiết kế từ chiếc phin truyền thống với cải tiến mới về thiết kế lẫn công năng.

Thậm chí, nếu những thị trường khác cảm thấy hứng thú với cà phê phin, có thể chúng tôi sẽ mang mang cà phê phin của Việt Nam đến hệ thống Starbucks ở các quốc gia khác. Chúng tôi cũng ra mắt thẻ Starbucks thiết kế độc quyền tại Việt Nam, khắc họa vẻ đẹp thanh cao của quốc hoa Việt Nam - hoa sen.

Thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD theo đánh giá của Euromonitor.

- Xin cảm ơn bà!

Người Việt Nam sử dụng loại đồ uống được ủ bằng hạt cà phê robusta. Với hàm lượng caffeine từ 2-4%, cà phê robusta có vị đắng và gắt hơn so với hạt cà phê arabica. Đây là loại cà phê thường được trồng ở những vùng có độ cao thấp, khoảng 1.000m so với mực nước biển ở Việt Nam trong khi cà phê arabica được trồng phổ biến tại nơi khác. Phương Tây chủ yếu dùng hạt cà phê arabica.

Thị trường Việt Nam được đánh giá là tiềm năng cho các chuỗi cà phê toàn cầu. Đó cũng là lý do nhiều hãng muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đặc tính sử dụng cà phê của người Việt đang trở thành trở ngại lớn đối với các chuỗi cà phê nước ngoài nói chung và Starbucks nói riêng.

Theo Thy Hằng

Cùng chuyên mục
XEM