Vì sao Parkson liên tục thua lỗ tại Việt Nam và châu Á?

21/11/2016 13:38 PM | Kinh doanh

Sự sụt giảm lợi nhuận kinh doanh của Parkson chính là một minh chứng rõ nét cho thấy những gã khổng lồ trong ngành bán lẻ có thể sẽ không còn kiếm ra tiền nếu họ không chịu thay đổi.

Câu chuyện thành công lớn nhất của Lion Group chính là Parkson khi chuỗi cửa hàng bán lẻ này xâm nhập thị trường Trung Quốc từ những năm 1990. Bắt đầu từ Bắc Kinh, hoạt động của Parkson không ngừng mở rộng và là một thành công lớn trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của nó liên tục giảm và Parkson Retail Group Ltd (PRG) liên tục báo lỗ. Theo công ty này, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí phát sinh từ việc dàn xếp một vụ kiện.

Có điều, xu hướng sụt giảm lợi nhuận ở PRG không phải xuất phát từ đó. 5 năm trước, lãi suất kinh doanh của Parkson là 9%. Đến năm 2014, con số này chỉ còn lại gần 2%.

Lý do chủ yếu cho sự sụt giảm lợi nhuận chính là sự xuất hiện của các trang web thương mại điện tử (như Alibaba), đối tượng đang làm mưa làm gió ở thị trường Trung Quốc hiện nay.

Trước đây Parkson, có mặt tại 34 thành phố và mở đến 59 cửa hàng lớn, được coi là hãng bán lẻ tận dụng thành công nhất sức mạnh tiêu dùng đang ngày càng lớn của khách hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên giờ đây điều đó không còn nữa. Cũng như nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống khác, nó không thể tìm được câu trả lời cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Ngoài Alibaba, còn có rất nhiều trang web khác phục vụ khách hàng trực tuyến với dịch vụ cực kỳ xuất sắc.

5 năm trước, viễn cảnh đặt ra vẫn là công nghệ không thể thay thế những cửa hàng thực sự. Trải nghiệm "chạm vào được" là điều không thể thay thế và có thể đứng vững trước các cơn địa chấn mà mua sắm qua mạng tạo ra.

Tuy nhiên dần dần có nhiều yếu tố khác phát sinh và tác động đến doanh số của các cửa hàng bán lẻ, và chúng ngày một tỏ ra chiếm ưu thế hơn so với hiệu ứng "chạm vào được".

Trước hết, yếu tố giá cả hàng hóa rẻ đi khi mua qua mạng là điều dễ thấy. Bên cạnh đó, các mức chiết khấu trên các trang web rất linh hoạt và hấp dẫn. Các mức giá thay đổi liên tục và người tiêu dùng như bị hút vào những con số giảm đi rồi lại tăng lên theo từng dịp đến chóng mặt.

Thứ hai, các mức chiết khấu trên mạng thường cao hơn so với các cửa hàng (nếu có). Theo một khách hàng rất ưa chuộng một thương hiệu giày của Mỹ, mức chiết khấu mà cô nhận được trên mạng có thể lên đến 70%. Trong khi ở các cửa hàng, mức cao nhất có thể chỉ là 50%.

Thứ ba, hệ thống giao hàng ngày càng được cải thiện. Giờ đây người ta không phải chờ cả tháng để nhận các món hàng mình mua qua mạng. Khung thời gian giao hàng đã giảm xuống còn dưới 2 tuần. Một số trang web còn chấp nhận hình thức COD (nhận tiền khi giao hàng – Cash on Delivery). Ngoài ra còn có bảo đảm "hoàn lại tiền" nếu khách hàng không hài long với sản phẩm họ mua trên mạng.

Và cuối cùng, mua sắm trên mạng không tốn nhiều thời gian. Nhất là những người trẻ năng động, họ cần thời gian để làm việc khác, do đó mua sắm qua mạng là lựa chọn tối ưu.

Vậy điều này dẫn đến những hệ quả gì cho các cửa hàng bán lẻ truyền thống như Parkson?

Chi phí hoạt động của các cửa hàng truyền thống cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp online. Vì thế, dù có đưa ra mức chiết khấu cao cũng không giải quyết được vấn đề duy trì lợi nhuận của họ.

Có lẽ sự sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ là xu hướng sẽ diễn ra trong tương lai. Nghĩa là số lượng các cửa hàng sẽ ít hơn, nhưng bán nhiều loại quần áo, giày dép hơn và (thậm chí cả mỹ phẩm nữa).

Thú vui mua sắm tiện thể đi chơi ở các cửa hàng bán lẻ không hẳn đã chết. Nhưng ngành bán lẻ cần phải được củng cố lại. Hiện tượng này đã diễn ra ở phương Tây 2 năm trước và giờ đây đã lan đến châu Á.

Những thay đổi về công nghệ hiện vẫn đang diễn ra chậm chạp. Nhưng một khi nó diễn ra, tốc độ tăng trưởng của nó rất nhanh, thậm chí bùng nổ. Và trong tương lai chậm chí còn ra đời một loại hình nghề nghiệp mới là "chuyên viên mua sắm cá nhân", tức những người được trả tiền để mua sắm hộ người khác.

Những người này sẽ có vai trò như một vật trung gian để kết nối khách hàng cá nhân với các trang web ở nhiều nước khác nhau. Họ nhận đơn đặt hàng (yêu cầu), đảm bảo một mức giá và nguồn sản phẩm phù hợp ở nước ngoài. Sau đó họ lo liệu việc nhận hàng từ nước bán sản phẩm và giao đến tay khách hàng.

Hiện nay, những người nổi tiếng nhìn chung đều sử dụng dịch vụ này khi muốn mua sắm quần áo. Gần đây, dịch vụ "chuyên viên mua sắm cá nhân" còn kết nạp cả các chuyên gia và những nghệ sĩ nổi tiếng để có được mức giá hời nhất từ Internet.

Bộ mặt của ngành bán lẻ đang thay đổi chóng mặt, và nó thay đổi nhanh đến nỗi thậm chí còn lâm vào khủng hoảng. Sự sụt giảm lợi nhuận kinh doanh của Parkson chính là một minh chứng rõ nét cho thấy những gã khổng lồ trong ngành bán lẻ có thể sẽ không còn kiếm ra tiền nếu họ không chịu thay đổi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM