Vì sao những người thành công luôn tôn trọng người khác: Người càng ở “tầng cao”, càng hiểu thế nào là đồng cảm
Cá nhân tôi từng cho rằng, người khác tôn trọng tôi, đó là vì tôi ưu tú. Dần dần sau này tôi hiểu ra, người khác tôn trọng tôi, vì người khác ưu tú, bởi lẽ càng là người giỏi giang, họ càng biết tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác là đang tôn trọng chính mình.
01
Rất nhiều người luôn nói rằng mình phải trở thành một người ưu tú, nhưng một người ra sao mới được xem là người ưu tú?
Cá nhân tôi cho rằng, người khác tôn trọng tôi, đó là vì tôi ưu tú. Dần dần sau này tôi hiểu ra, người khác tôn trọng tôi, vì người khác ưu tú, bởi lẽ càng là người giỏi giang, họ càng biết tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác là đang tôn trọng chính mình.
Người càng ở "tầng cao", càng hiểu thế nào là đồng cảm và biết cách đổi lập trường suy nghĩ, họ biết rằng ai cũng có chỗ khó của mình, tôn trọng họ là thái độ cơ bản nhất.
Danh họa người Ý Marco Melgrati từng vẽ ra một bức họa rất nổi tiếng mang tên "Bạn không bao giờ biết mình đang chơi với ai!"
Chú mèo trong tranh tưởng đuôi rắn là đuôi chuột, không sợ hãi gì mà vờn đuổi nó.
Ý nghĩa của bức họa này chính là: bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được người mình chơi là ai, hãy tôn trọng mỗi một người mà bạn gặp, và cũng đừng xem thường hay đánh giá thấp bất kì một ai. Thứ bạn nhìn thấy chỉ là một phần, trong khi người khác sớm đã trông thấy hết mọi thứ của bạn, chỉ là họ đang nghĩ xem có nên động tới bạn hay không mà thôi.
Tôn trọng người khác, thực ra là đang cho chính mình sự tôn nghiêm.
Sự tôn trọng thực sự thực ra là một kiểu bình đẳng, không tự cao cũng không coi thường, không tự tin cũng chẳng hống hách. Người ở tầng càng cao, càng hiểu được rằng tôn trọng là bình đẳng, là giá trị, là đạo đức, và thậm chí là bản lĩnh. Trong khi người ở tầng thấp lại thường rất ích kỉ, tầm nhìn ngắn hạn, luôn cho mình là đúng, không xem ai ra gì.
02
Nhà văn nổi tiếng người Nga, Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky cũng từng nói: "Người không tôn trọng người khác, trước hết là người không tôn trọng chính mình."
Một người quen là quản lý cấp cao của một khách sạn từng chia sẻ với tôi về câu chuyện phỏng vấn của anh ấy như này:
Lần đó, anh ấy đi phỏng vấn cho vị trí trợ lý tổng giám đốc khách sạn, trải qua vài vòng phỏng vấn, cuối cùng còn lại anh ấy và một cô gái khác, hai người được trực tiếp phỏng vấn với giám đốc.
Ngày hôm đó, hai người được gọi tới văn phòng của tổng giám đốc, trên đường lên phòng thì gặp một bác lao công đang lau kính, xe của bác đặt ngay bên cạnh, khi quay xe không may va vào cô gái kia khiến nước ở trong xô văng vào hai người. Quần áo và giày của hai người đều bị dính nước.
Cô gái kia tức giận nói: "Bác ơi, bác có nhìn không vậy, rõ ràng biết là phía sau có người, hay là bác cố ý vậy? Lát tôi còn đi phỏng vấn, bác xem tôi như này đi gặp người ta, nếu chẳng may có trượt thì bác có chịu được trách nhiệm hay không? Đúng là đen đủi!
Nói xong, cô quay sang nói với người anh của tôi: "Anh đợi tôi một tý nhé, tôi đi chỉnh lại quần áo một chút rồi mình cùng đi, một mình đi thì cũng không hay đúng không!" Nói xong, còn chưa đợi đối phương trả lời đã ngay lập tức đi về phía nhà vệ sinh.
Người anh nghe cô gái nói xong liền mất hết thiện cảm, trong lúc đợi cô ấy, anh ấy nói chuyện với bác lao công, thậm chí còn giúp bác ấy lau những chỗ kính ở trên cao.
Cuối cùng, khi cả hai vừa đặt chân vào phòng làm việc của tổng giám đốc, vị tổng giám đốc liền đưa tay ra bắt tay với người anh của tôi và nói: "Chúc mừng, cậu đã được nhận rồi."
Thì ra, sự việc với bác lao công chính là thử thách cuối cùng dành cho hai người.
Vị tổng giám đốc nói: "Chúng ta làm trong ngành dịch vụ, trong lòng phải có người khác, biết cách tôn trọng người khác là điều vô cùng quan trọng."
Vậy mới nói, tôn trọng người khác chính là biểu hiện quan trọng của một người có đạo đức, hiểu lý lẽ; để tâm tới cảm nhận của người khác, biết đổi lập trường để suy nghĩ, bạn mới chiến thắng được sự tin tưởng và ủng hộ của người khác.
03
Đẳng cấp của một người có thể được nhìn thấy thông qua những hành động nhỏ nhặt nhất.
Trước đó tôi từng xem được một video, ở hành lang công ty, vì mùa đông lại mưa nên đồ ăn được giao có bị trễ hơn một chút, vị khách nữ vừa nhìn thấy anh shipper liền cáu, hất đổ cả hộp đồ ăn xuống đất, còn nói ra những lời không hay ho, trách anh shipper giao hàng trễ, để đồ ăn bị nguội mất.
Vị khách nữ ấy tức giận với anh shipper có lẽ không chỉ vì anh giao hàng trễ, mà quan trọng hơn đó là vì cô ta xem thường những người làm nghề này. Nếu đổi lại người đi giao hàng là chồng cô ấy, liệu cô ấy có đổ cả hộp đồ ăn ra sàn như vậy không?
Tầm đạo đức của một người thường không được thể hiện ở thái độ của họ với cấp trên, bạn bè hay đồng nghiệp, mà là ở chỗ liệu họ có tôn trọng "những người địa vị thấp kém hơn mình" hay không.
Giữa người với người, giữa nghề này với nghề kia, không có cái gọi là phân cao thấp, chúng ta đều bình đẳng như nhau. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình.
04
Đẳng cấp của một người không liên quan tới học thức, của cải hay địa vị xã hội, mà nó liên quan tới thái độ, đạo đức và tầm nhìn của họ.
Người càng ở tầng cao càng có EQ cao, và cũng càng biết tôn trọng người khác. Tương tự, một người biết tôn trọng người khác, cũng thường là người "ưu tú".
Họ có sự trải nghiệm, có tầm nhìn xa vời, họ chín chắn và trầm ổn, họ không cần phải đạp người khác xuống để nâng giá trị của mình lên, ngược lại, họ càng biết đồng cảm và đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ, họ tôn trọng những nỗ lực và cả sự không dễ dàng của người khác.
3 tầng cảnh giới của sự tôn trọng
Trước một cửa hàng bánh sinh nhật nổi tiếng, một người ăn xin rách rưới bốc mùi đang đứng ở đó. Những người đứng bên cạnh ai cũng đều nhăn mũi, tỏ vẻ khinh khỉnh. Nhân viên bán hàng trông thấy liền quát "mau đi ra chỗ khác đi cho người ta còn bán hàng". Người ăn xin lấy ra mấy đồng tiền nhàu nhĩ rồi nói với nhân viên bán hàng: "Tôi tới mua bánh sinh nhật, cái nhỏ nhất ấy."
Chủ cửa hàng trông thấy vậy ngay lập tức nhiệt tình chạy ra tủ bánh lấy chiếc bánh sinh nhật size nhỏ đẹp nhất đưa cho người ăn xin, rồi rất xởi lởi cúi người cung kính nói với người ăn xin: "Hoan nghênh quý khách lại tới!". Người ăn xin rất kinh ngạc, trả tiền rồi rời đi, cả đời anh chưa bao giờ được người ta tôn trọng tới như vậy.
Người cháu của ông chủ không hiểu, hỏi: "Ông ơi, sao ông lại nhiệt tình với người ăn xin như vậy?"
Ông chủ giải thích: "Dù là ăn xin, nhưng họ cũng là khách hàng. Họ vì muốn ăn bánh của chúng ta mà không tiếc tiêu đi những đồng tiền mà họ phải vất vả xin trong một thời gian dài, quả thực rất hiếm có, ông không tự mình phục vụ, há chẳng phải sẽ rất phụ tấm lòng yêu mến của họ ư?"
Người cháu lại hỏi: "Nếu đã vậy thì sao ông còn lấy tiền của họ?"
Ông chủ đáp: "Người ăn xin ngày hôm nay tới không phải tới để xin ăn, chúng ta tất nhiên phải tôn trọng họ rồi. Không lấy tiền của họ, há chẳng phải là đang coi thường họ ư? Phải nhớ rằng, chúng ta phải tôn trọng từng khách hàng, dù người đó có là một người ăn mày đi chăng nữa, bởi lẽ chính khách hàng là người thành toàn nên chúng ta."
Cháu trai nghe xong gật đầu ghi nhớ.
Ông chủ của tiệm bánh sinh nhật đó chính là ông nội của Yoshiaki Tsutsumi, một doanh nhân Nhật Bản có tiếng (Trong thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản, Forbes đã liệt kê Tsutsumi là người giàu nhất thế giới trong giai đoạn 1987–1994 do các khoản đầu tư bất động sản lớn của ông thông qua Tập đoàn Seibu do ông điều hành). Yoshiaki Tsutsumi từng chia sẻ rằng, hành động năm đó của ông nội khiến ông khắc cốt ghi tâm, sau này, ông cũng thường chia sẻ câu chuyện này ở các buổi thuyết giảng, và yêu cầu nhân viên của mình luôn đặt tôn chỉ tôn trọng khách hàng lên hàng đầu.
Có thể thấy, sự "tôn trọng" ở đây, nó không phải là cái phép lịch sự trong xã giao nơi thương trường, mà nó là sự cảm thông, sự lương thiện, sự quan tâm và kính trọng xuất phát từ sâu thẳm bên trong trái tim của một người tử tế, sự tôn trọng ấy nó không mang chút màu sắc nào của danh lợi, cũng không chịu ảnh hưởng của thân phận hay địa vị; sự tôn trọng ấy là sự tôn trọng đơn thuần nhất, chân thành nhất và đáng được hồi đáp lại nhất.
Tôn trọng người khác, có thể được chia ra làm 3 tầng cảnh giới:
Thứ nhất: tôn trọng người thân.
Thứ hai: tôn trọng những người xung quanh, dù là những người qua đường, không quen biết.
Thứ ba: tôn trọng chính đối thủ của mình.
Khi chúng ta tôn trọng đối thủ của mình, là khi ấy chúng ta thực ra đã không còn đối thủ nữa, và cũng chính khi ấy, chúng ta mới là nhà vô địch.
Tôn trọng lãnh đạo là thiên chức, tôn trọng đồng nghiệp là bổn phận, tôn trọng cấp dưới là mỹ đức, tôn trọng khách hàng là thường thức, tôn trọng đối thủ là rộng lượng, tôn trọng tất cả mọi người là trí tuệ, là bản lĩnh và là sự giáo dưỡng của một người.
Không ai là thập toàn thập mỹ, chúng ta không có tư cách để nhìn người khác với con mắt ngạo mạn, cũng không đủ tư cách để dùng ánh mắt khinh khỉnh của mình đi làm tổn thương tới lòng tự tôn của họ, giả sử bản thân ở một phương diện nào đó không bằng người khác, cũng đừng dùng sự tự ti hay đố kị đi thay thế sự tôn trọng mà ta vốn dĩ nên dành cho người khác. Chỉ khi học được cách tôn trọng người khác, chúng ta mới có lại được sự tôn trọng của họ. Tôn trọng người khác, là tôn trọng chính mình.
Tâm rộng một thước, đường rộng một trượng, dùng sự độ lượng đi đối xử với tất cả mọi người. Bất kể đó là người bạn thích hay không thích, là bạn bè hay kẻ địch, hãy tôn trọng họ, đó là dũng khí, là đạo đức, và cũng là một kiểu trí tuệ!