Vì sao nhà máy sản xuất xăng sinh học nghìn tỷ thất bại?
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho một nhà máy sản xuất xăng sinh học, cho rằng đây là chiến lược “đi trước đón đầu” nhưng có nhà máy thậm chí chưa vận hành thương mại đã phải “đắp chiếu”.
Lỗi chính sách hay chủ đầu tư?
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, cả nước có 7 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học (ethanol), nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vốn đầu tư 2.219 tỷ đồng, nhà máy ethanol Bình Phước vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) vốn đầu tư (tạm tính) 2.484 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đại Tân (Quảng Nam) vốn đầu tư 575 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đại Việt (Đăk Nông) vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đăk Tô (Kon Tum), nhà máy ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai) vốn đầu tư 928 tỷ đồng.
Như vậy, nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy ethanol Bình Phước và ethanol Phú Thọ là 3 nhà máy do các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN ) đầu tư có vốn đầu tư lớn nhất.
Từ các báo cáo trước đó cho thấy, năm 2008, PVN đã chỉ đạo các đơn vị gồm Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (sau sáp nhập thành Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil), Công ty Dung dịch khoan và Hóa chất Dầu khí (DMC) nghiên cứu khả năng đầu tư các dự án sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học tại 3 vùng, miền trong cả nước.
PVN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học do đích thân Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN làm Trưởng ban và ban hành Kế hoạch, chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN đến năm 2015.
Thời điểm năm 2012, PVN cũng xác định phối hợp với các bộ ngành và địa phương triển khai xây dựng 3 nhà máy trong đó PV Oil trực tiếp là chủ đầu tư của 2 nhà máy tại Phú Thọ và Bình Phước, và PVN trực tiếp làm chủ đầu tư nhà máy Dung Quất (Quảng Ngãi).
Ngoài ra, PVN cũng nghiên cứu để lập báo cáo đầu tư cho dự án sản xuất Biodiesel công suất 100.000 tấn/năm từ cây hạt dầu Jatropha tại miền Bắc và miền Trung cũng như nghiên cứu sản xuất biodiesel từ các nguồn nguyên liệu khác.
Với thực trạng hiện tại, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lần lượt đóng cửa, ngừng hoạt động, một số chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân xuất phát từ “lỗi chính sách”, việc triển khai của chủ đầu tư và việc chưa đánh giá đúng thị trường.
Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” tại Việt Nam với mục tiêu tổng quát là Phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo đó một số chỉ tiêu cụ thể được đề ra như đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô 100.000 tấn xăng sinh học E5 và 50.000 tấn dầu sinh học B5/năm, bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước….
Từ chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam, đến chiến lược phát triển nhiên liệu của PVN, PV Oil cũng tự đề ra chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là sự yếu kém trong việc triển khai dự án từ chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
PVN từng thừa nhận, các tổng thầu EPC còn thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án, không kiểm soát được chi phí nên không thực hiện được đúng bản chất hợp đồng EPC.
Trong quá trình thiết kế một số hạng mục thiết bị chưa tính toán đúng, đủ công suất làm kéo dài thời gian thực hiện, phải tiến hành cải hoán, góp phần kéo dài thời gian triển khai và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án…
Chủ đầu tư cũng không lường trước thị trường khi báo cáo khả thi dự án đưa ra giá nguyên liệu trung bình cả đời dự án khoảng 1.800 đồng/kg sắn và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Tuy nhiên, năm 2012-2013 giá sắn đã lên đến 5.000 đồng/kg trong khi giá bán ethanol là 13.000 đồng/kg do vậy các nhà máy đã phải hoạt động cầm chừng.
Thị trường chưa mặn mà
Nguyên nhân cuối cùng được chỉ ra là mặc dù đã có những đơn vị phân phối xăng dầu như nhưng chỉ tiêu thụ được lượng ethanol thấp.
Theo báo cáo của các đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện nay có 5 doanh nghiệp tổ chức sản xuất, pha chế xăng sinh học E5 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S, Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.
Tại Hà Nội, mặc dù lộ trình đặt ra đến 1/1/2016, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu trên địa bàn có triển khai bán xăng E5 song do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí để cải tạo bồn chứa xăng cao, bản quản xăng khó khăn, hao hụt lớn dẫn đến chi phí kinh doanh cao nên “lỡ hẹn” mục tiêu kể trên.
Tại TP.HCM, sau một năm triển khai đưa xăng E5 vào thị trường cũng chỉ đạt hơn 50% theo yêu cầu Chính phủ đề ra. Sản lượng cung ứng chiếm 4,2% tổng sản lượng xăng tiêu thụ toàn thành phố.
Nguyên nhân do xăng E5 có mức giá chênh lệch với xăng khoáng không nhiều nên không thu hút người dùng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu không cao khiến doanh nghiệp không mặn mà với mặt hàng này.