Chuyên gia Ngô Trí Long: "Số phận của các nhà máy sản xuất xăng E5 gần như đã chấm hết"
Có thể nói, số phận của các nhà máy ethanol gần như đã chấm hết. Cùng với biện pháp tuyên truyền và chính sách giá xăng E5 rẻ hơn xăng truyền thống hơn 2.000 đồng/lít thì may ra mới hấp dẫn được thị trường Việt Nam.
Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài Chính) - Ngô Trí Long đã có những chia sẻ rất sát sườn về vấn đề này:
- Năm 2014, Việt Nam có 7 nhà máy sản xuất xăng sinh học E5 nhưng tới nay, 5/7 nhà máy đã tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
- Chính phủ và Bộ, ngành đã có rất nhiều chủ trương kích thích sử dụng xăng sinh học E5 như một giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và cam kết cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, lộ trình và số phận của xăng E5 vẫn rất trắc trở. Có thể nói, số phận của các nhà máy sản xuất xăng E5 gần như đã chấm hết.
- Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Nguyên nhân cơ bản là do sản phẩm của các đơn vị tiêu thụ rất chậm, làm ăn không có lãi nên buộc họ phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa xác định được thị trường, tâm lý người tiêu dùng khi đưa vào sản phẩm mới. Hiện tại, người tiêu dùng chưa đặt niềm tin tuyệt đối vào sản phẩm.
Hiện nay, Chính phủ đang “kêu gọi” tiêu thụ sản phẩm E5 trong cả nước. Nhưng các chiến dịch tiếp thị xăng E5 chưa thực sự rộng rãi với người tiêu dùng. Phần lớn họ còn hồ nghi và chưa biết đến hiệu quả khi sử dụng sản phẩm này.
- Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, 4 nhà máy lớn sản xuất xăng E5 đóng cửa đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Liệu đây có phải là một phần nguyên nhân?
- Về việc này, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, kiểm tra toàn bộ quy trình. Sau đó kiểm nghiệm sản phẩm có đúng, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng xăng cho người tiêu dùng hay chưa.
Một khi chưa rõ sự việc, chúng ta không thể nghe một cách chung chung và đưa ra kết luận không chính xác.
- Được biết, các nước phát triển như Brazil, Mỹ, hay ngay như Thái Lan, Philippines, xăng sinh học E5 được sử dụng rộng rãi và được người dân đón nhận. Tại sao Việt Nam lại chưa làm được?
- Chúng ta chưa có hỗ trợ trong sản xuất. Các nhà máy liên tục làm ăn thua lỗ do sản phẩm không bán được, trục trặc kỹ thuật hoặc chất lượng chưa đảm bảo.
Ngoài ra, ngay bản thân người tiêu dùng Việt cũng ít ai dám dùng vì chưa nắm rõ tác dụng sản phẩm cũng như lợi ích khi sử dụng.
Sản phẩm đã tốt với môi trường, song thực sự có tốt với thiết bị của người dùng, có mang lợi ích kinh tế cho người dùng không là câu trả lời chưa được làm rõ.
Hơn nữa, nếu chỉ giảm 100-500 đồng thì không nghĩa lý gì cả. Khi chưa giải quyết được vấn đề này thì việc đầu tư cho các nhà máy là quá lãng phí.
- Hiện giá xăng E5 rẻ hơn 530 đồng/lít so với xăng truyền thống. Theo ông, mức giá này đã đủ thu hút người tiêu dùng?
- Nếu cứ khuyến khích người tiêu dùng với mức giá chỉ chênh nhau 300-500 đồng/lít, trong khi máy móc khi sử dụng sản phẩm E5 chưa biết tốt xấu như thế nào thì khó người tiêu dùng nào đặt niềm tin vào nó.
Cơ quan chức năng nên khuyến khích thông qua cơ chế về giá, đánh vào lợi ích kinh tế. Việc hạn chế nhập xăng từ nước ngoài và sử dụng nguồn nhiên liệu trong nước là điều tốt. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp đặt người tiêu dùng sử dụng một mặt hàng nào đó.
- Mặc dù 5/7 nhà máy sản xuất E5 đã ngừng hoạt động vì thua lỗ và không bán được sản phẩm. Trong khi đó, mới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố phấn đấu đến ngày 01/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Theo chuyên gia, dự án này có khả thi?
- Theo tôi, việc này là không khả thi. Hơn nữa, không bao giờ có thể bỏ được xăng Ron 92, mà phải tồn tại song song. Còn nếu như chỉ đơn thuần là yêu cầu bắt buộc mà chưa tuyên truyền, chưa có chính sách tốt thì không thể thu hút được người dân.
Chúng ta phải có biện pháp thực tế, khuyến khích người dân thực hiện. Nếu cứ hô hào mà giá không hợp lý, thông tin về chất lượng sản phẩm chưa được làm rõ, người dân chưa thấy lợi ích về mặt kinh tế thì họ sẽ chắc chắn sẽ không dám sử dụng.
Biện pháp tốt nhất là tuyên truyền. Nếu tuyên truyền mãi không được thì phải đưa ra những lợi ích đối với người tiêu dùng bằng cách giảm giá thành đi khoảng 1.000-2.000 đồng/lít. Bây giờ giá xăng E5 cứ giảm đi 2.000 đồng/lít thử hỏi người tiêu dùng có sử dụng hay không?
Ngoài ra, vấn đề thứ hai là phải có minh chứng cụ thể cho người dùng thấy sử dụng sản phẩm E5 có làm hại máy móc, hao tổn như nhiều thông tin đưa ra hay không. Việc này phải kiểm nghiệm bằng thực tế.
- Liệu E5 có cơ hội sống sót ở Việt Nam, thưa ông?
- Việc E5 có sống sót được ở Việt Nam hay không là dựa vào việc làm cũng như chính sách của các cơ quan chức năng.
E5 được biết là rất tốt với môi trường song có tốt đối với thiết bị của người dùng hay không, mức giá như thế nào là phù hợp, chất lượng được kiểm nghiệm ra sao là những câu hỏi cần có lời đáp.
Các cơ quan chức năng cần phải có cuộc cách mạng bàn về vấn đề này một cách nghiêm túc, có bài bản về vấn đề này.