Vì sao ngành đồ uống có lịch sử 5.000 năm này đang chật vật tồn tại ở Châu Á?
Nói đến trà, người ta chắc chắn phải nhắc đến Châu Á khi khu vực này có đến 7/10 quốc gia là nơi sản xuất trà lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, cơn bão cà phê cùng sự lớn mạnh của những cửa hàng như Starbuck đang cạnh tranh mạnh mẽ và đe dọa đến nền văn hóa uống trà ở Châu Á, khiến giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với trà.
Theo giám đốc điều hành Dilhan C Fernando của Dilaman Tea, cà phê đã tác động đến thị trường giới trẻ ở Châu Á và các hãng bán trà đang phải thay đổi phương thức kinh doanh, tạo nên những dòng sản phẩm hạng sang nhằm cạnh tranh với đối thủ mới.
Tại Châu Á hiện nay, những trung tâm thương mại thường ưu ái cho các cửa hàng cà phê mang phong cách trẻ với hương vị lôi cuốn. Đi kèm với đó, chiến lược kinh doanh của các chuỗi cửa hàng bán cà phê cũng khiến tốc độ phát triển và truyền bá loại hình đồ uống này ngày một nhanh.
Ở Indonesia, hàng loạt những chuỗi cửa hàng bán cà phê như Anomali, Liberica và Tanamera xuất hiện nhan nhản ở thủ đô Jakarta cùng nhiều thành phố khác. Đó là chưa kể đến vô vàn những quán cà phê được các hộ kinh doanh mở riêng với phong cách hiện đại nhằm thu hút giới trẻ.
Lương cà phê tiêu thụ ở các thị trường năm 2015-2016 (triệu túi 60kg)
Thị phần xuất khẩu trà năm 2015 (%)
Trào lưu uống cà phê ở Châu Á nở rộ tới mức nhiều người Indonesia có thói quen uống trà nhưng vẫn đến các quán cà phê để giao lưu hoặc bàn công chuyện.
Trước tình hình này, nhiều hãng trà đang cố gắng tìm kiếm các biện pháp đối phó, như tuyên truyền văn hóa uống trà hay mở những chuỗi cửa hàng trà với phong cách mới lạ để thu hút khách hàng. Tại Ấn Độ, thị trường sản xuất và tiêu thụ trà lớn thứ 2 thế giới, những chuỗi cửa hàng trà như Chai Point bắt đầu mọc lên nhằm cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng cà phê.
Truyền thống 5.000 năm
Năm 2016, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan là 3 nước sản xuất cũng như tiêu thụ trà lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tính bình quân đầu người thì Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Bất chấp những sự cạnh tranh gay gắt từ cà phê, lượng tiêu thụ trà trên thế giới vẫn đang tăng. Số liệu của Euromonitor International cho thấy thị trường toàn cầu tiêu thụ tới 2,9 triệu tấn trà năm 2016, cao hơn nhiều mức 1,6 triệu tấn năm 2002. Theo các dự đoán, con số này có thể đạt 3,1 triệu tấn vào năm 2021.
Thậm chí, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ trà được cho là sẽ vượt cà phê từ nay đến năm 2021. Báo cáo của Euromonitor cho thấy tốc độ tiêu thụ trà trong 5 năm tới sẽ đạt 15%, cao hơn mức 11,3% của cà phê.
Dẫu vậy, phần lớn những sản phẩm trà hiện nay được tiêu thụ dưới hình thức đóng chai hoặc đóng gói dùng sẵn thay vì mở những cửa hàng phục vụ trà như với sản phẩm cà phê. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi nhiều hãng như tập đoàn The Wellbeing Group (TWG) của Singapore đang hướng đến những chuỗi cửa hàng trà cao cấp. Công ty này hiện đã có 64 nhà hàng phục vụ trà cao cấp trên toàn thế giới, tập trung ở những trung tâm thương mại hạng sang.
Sản lượng trà theo quốc gia năm 2015 (triệu kg)
Bên cạnh đó, tư tưởng trà được sử dụng như thứ đồ uống bình dân giá rẻ phục vụ ven đường đang dần được thay đổi khi cà phê được kinh doanh với mức giá cao hơn nhiều. Số liệu của Euromonitor cho thấy doanh số bán cà phê đạt gần 80 tỷ USD năm 2016, cao hơn nhiều so với 42,6 tỷ USD của trà và các hãng sản xuất trà đang muốn thâm nhập vào thị trường xa xỉ nhằm kiếm thêm lợi nhuận.
Việc người dân Châu Á ngày càng giàu lên, đi kèm với nhu cầu chất lượng sản phẩm tăng cao đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của những cửa hàng cà phê hạng sang hoặc các dòng cà phê cao cấp. Tương tự như vậy, những hàng trà đang cố gắng đi theo con đường này để kiếm lối ra cho dòng sản phẩm truyền thống 5.000 năm.
Tuy nhiên, ngành trà vẫn đang khá chật vật khi hình ảnh loại đồ uống này chưa thể xây dựng được thương hiệu cho riêng mình như cà phê. Trong khi đồ uống cà phê được giới trẻ cho là sang chảnh, công sở thì trà vẫn chỉ được coi là thức uống bình dân truyền thống.
Thêm vào đó, các hãng trà vẫn chưa thể thay đổi được chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa dịch vụ. Trong khi cà phê có rất nhiều thể loại với những định hướng thương hiệu, thị trường khác nhau thì các hãng trà vẫn loay hoay tìm kiếm nhóm khách hàng chủ chốt của mình.
Tổng giá trị thị trường cà phê và trà (tỷ USD)
Tại các tiệm cà phê, người tiêu dùng dễ dàng gọi trà để uống thay vì phải đến một quán trà nào đó, và rõ ràng khách hàng sẽ chọn những quán cà phê đẹp với không gian thư giãn hơn là những quán trà ven đường.
“Khoảng 30% doanh số của chúng tôi đến từ trà, đứng thứ 3 sau đồ uống cà phê và chocolate”, Giám đốc marketing Ryo Limijaya của chuỗi nhà hàng cà phê Anomali Coffee nói.
Rõ ràng, ngành trà vẫn còn chặng đường rất dài phải đi để có thể thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khách hàng. Số lượng tiêu thụ của trà có thể lớn hơn cà phê tại Châu Á nhưng rõ ràng doanh số mà chúng đem lại không đạt kỳ vọng của những nhà đầu tư.
Theo giám đốc marketing Emeric Harney của hãng Harney&Sons, ngành rượu vang đã từng có cuộc cách mạng vào thập niên 1970 để nâng tầm chất lượng cũng như hình ảnh của mình trên thị trường và có lẽ đã đến lúc ngành trà cần có một cuộc cách mạng như vậy.
Tập đoàn TWG đang mở những chuỗi nhà hàng trà cao cấp trên khắp thế giới