Vì sao hàng loạt dự án bãi xe ngầm ở Hà Nội chết yểu?

06/12/2018 10:16 AM | Xã hội

Để giải quyết tình trạng người dân “khát” chỗ đỗ xe, gần 10 năm qua, thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng gấp 7 bãi đỗ xe ngầm. Đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý được tham gia, tuy nhiên đến nay hầu hết các bãi xe này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Bãi xe ngầm thành bãi xe lậu

Là dự án được chuyển đổi từ dự án khách sạn cao tầng sang bãi đỗ xe ngầm từ năm 2009, tuy nhiên sau gần 10 năm triển khai, khu đất rộng hơn 10.000m2 trong Công viên Thống Nhất có cổng ra vào tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) vẫn nằm bất động.

Ghi nhận của PV Tiền Phong, toàn bộ khu đất được quây rào tôn 4 xung quanh, bên trong là các điểm trông ô tô tự phát. Nhìn từ trên cao, khu đất rộng mênh mông, cỏ và cây dại mọc um tùm, với phần diện tích giáp đường Lê Duẩn và đường nội bộ trong công viên được san phẳng làm bãi trông xe tự phát.

Do không được cấp phép, giám sát của chính quyền địa phương nên hiện nay giá trông xe tại đây được người dân phản ánh cao ngất ngưởng, trung bình mỗi ô tô dưới 9 chỗ vào đây gửi đều bị thu mức 1,5 triệu đồng/xe ngoài trời và 2 triệu đồng/xe trong mái che. Anh Quân, một người dân sống tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (địa bàn có khu đất 295 Lê Duẩn) cho biết, đường vào nhà là ngõ hẹp, ô tô không thể vào được nên anh thường phải gửi xe bên ngoài. “Do khu vực phường Lê Đại Hành không gần bãi xe công cộng nào nên anh buộc phải vào bãi xe tự phát tại số 295 Lê Duẩn. Ngoài giá cao, gửi tại đây còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ nhưng do thiếu chỗ đỗ công cộng nên gia đình tôi buộc phải vào gửi”, anh Quân nói.

Ngoài dự án bãi đỗ xe trên, từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố Hà Nội cũng đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm khác, gồm: tại Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, đến nay tất cả các dự án này vẫn nằm trên giấy, trong khi nhu cầu đỗ xe ngày càng lớn.

Chết yểu vì vướng cơ chế

Đại diện các sở ngành có liên quan cho biết, khi UBND thành phố đưa ra chủ trương trên, tất cả các dự án bãi đỗ xe ngầm đều có nhà đầu tư đặt vấn đề muốn triển khai. Tuy nhiên do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn nên chưa có dự án nào triển khai, hoàn thành. Để tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời tạo tiền đề để triển khai các dự án khác, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội thống nhất giao cho một đơn vị công ích thành phố là Cty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) thực hiện dự án bãi đỗ xe ngầm tại 295 Lê Duẩn (Công viên Thống Nhất).

Sau khi được giao, Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã lập thiết kế, bắt tay triển khai dự án. Theo thiết kế được lập, toàn bộ khu đất tại số 295 Lê Duẩn sẽ xây dựng thành 3 tầng ngầm phục vụ đỗ ô tô, mỗi tầng có diện tích hơn 5.600 m2, công suất 3 tầng đỗ được 390 ô tô. Với phần mặt đất sẽ xây một nhà điều hành kèm công trình phụ trợ, gồm: sân, đường giao thông, cây xanh… Tổng mức đầu tư dự án được dự toán khoảng 100 tỷ đồng. Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội sẵn sàng huy động được vốn từ vay ngân hàng nhưng cơ chế để hoàn vốn trả nợ lại chỉ phụ thuộc vào việc thu phí trông giữ xe, khiến đơn vị trên không dám liều vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án.

Với dự án bãi đỗ xe ngầm tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô và trong Công viên Thủ Lệ, năm 2017 đã có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Him Lam quan tâm, muốn đầu tư. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách thu hồi vốn bằng nguồn thu phí trông giữ xe nên đến nay, các dự án trên vẫn chưa được triển khai. Lý giải cho việc còn băn khoăn khi triển khai các dự án trên, đại diện một số nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án bãi đỗ xe ngầm Hà Nội cho biết, với tổng mức đầu tư với bãi đỗ xe tại 295 Lê Duẩn khoảng 100 tỷ đồng, bãi đỗ xe ngầm tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu thu hồi vốn chỉ qua mức giá trông giữ xe do thành phố ban hành hiện nay thì phải mất cả 100 năm cũng chưa chắc đã thu hồi được. “Hầu hết nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp đi vay ngân hàng, với thời gian thu hồi vốn kéo dài là một bất lợi lớn. Một mặt không có ngân hàng nào dám cho vay, mặt khác có cho vay thì nhà đầu tư chỉ việc trả lãi cũng đủ gian khổ”, đại diện một nhà đầu tư nêu thực tế.

Cho ý kiến về các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy các dự án bãi xe ngầm đang bị chậm, đại diện Sở GTVT và Sở KH&ĐT vừa cho cho biết, liên sở vừa tham mưu cho UBND thành phố có tờ trình về cơ chế chính sách kèm đồ án Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố Hà Nội để trình kỳ họp HĐND. Theo đó, sau khi được HĐND thành phố thông qua, thời gian tới ngoài phí, giá, thành phố đã có chủ trương sẽ dành một phần diện tích bãi đỗ xe ngầm để nhà đầu tư tự kinh doanh, sớm thu hồi vốn.

Thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe Hà Nội

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, sáng 5/12 HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua đồ án Quy hoạch bãi, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Với hệ thống bến xe, quy hoạch nêu rõ: trong 5 đến 10 năm tới, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh hiện có gồm 4 bến: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm tạm thời được giữ lại. Trong giai đoạn trung hạn thành phố xây dựng bến xe khách Yên Sở với diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ các bến xe hiện có. Về dài hạn, quy hoạch mới 7 bến xe nằm ngoài Vành đai 3 phục vụ đô thị trung tâm. Với mạng lưới bãi đỗ xe, trên toàn thành phố sẽ phát triển 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng.

Theo Anh Trọng

Cùng chuyên mục
XEM