Vì sao giá trị của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa thường cao hơn nhiều lần trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước?
Trước khi cổ phần hóa, tài sản Nhà nước được tính theo giá trị sổ sách, không được điều chỉnh trong nhiều chục năm. Trong khi đó, những tài sản này được thị trường định giá cao hơn rất nhiều.
Sáng 28/5/2018, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tiếp tục diễn ra với phiên Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ.
Những phương pháp xác định giá trị "đơn điệu"
Giai đoạn 2011-2016 nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn đã được cổ phấn hóa như Petrolimex, BIDV, Vinatex, Viglacera. Là người tham gia nhiều nghiên cứu và khuyến nghị chính sách, ông nhận ra những vấn đề gì trong giai đoạn cổ phần hóa DNNN vừa diễn ra?
Có thể nói rằng, trong từng thời điểm có thể chậm, có thể chưa đạt kỳ vọng mong muốn, nhưng nhìn lại cả quá trình (giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 hiện nay) thì đang đi đúng hướng (xét về số lượng) và đạt được mục tiêu. Phần lớn DNNN sau cổ phần hóa có kết quả kinh doanh tốt hơn so với trước cổ phần hóa. Như vậy, cổ phần hóa thực sự là biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đấy là lý do tại sao người ta vẫn nói cổ phần hóa là giải pháp chủ yếu của tái cơ cấu DNNN.
Trong suốt mấy chục năm cổ phần hóa vừa qua, phần lớn diễn ra theo quy trình minh bạch, công khai. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp để lại dư luận không tốt về việc giao nhận cổ phần nội bộ, quan hệ lợi ích trong việc chuyển nhượng cổ phần. Cụ thể có một số doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, các bên có liên quan,… nhận được nhiều cổ phần hơn, có nhiều lợi ích hơn trong cổ phần hóa. Người ta hay nói về những câu chuyện không minh bạch trong quá trình cổ phàn hóa DNNN.
Về chất lượng cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần nhà nước vẫn còn cao hơn kế hoạch. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thu hút được đủ vốn của các thành phần kinh tế.
Về đánh giá, xử lý tài sản, có một số trường hợp để lại những hậu quả, đánh giá không tốt trong dư luận, gây nên những nghi ngờ, hoài nghi về việc thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt trong vấn đề về đánh giá giá trị tài sản, về xử lý đất đai, các khoản nợ trong quá trình cổ phần hóa. Ví dụ như Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty Giày Sài Gòn,… để lại những điều tiếng, thất thoát tài sản nhà nước trong việc xử lý vấn đề đất đai.
Nhưng ngay cả Kiểm toán nhà nước cũng ghi nhận giá trị của các doanh nghiệp cao hơn nhiều sau khi kiểm toán. Nghị định 126 ban hành vào cuối năm 2017 đã có những thay đổi gì trong việc xác định giá trị DNNN?
Kiểm toán nhà nước xác định giá trị thì đương nhiên tăng lên. Bởi vì, trước khi cổ phần hóa, tài sản và vốn nhà nước được tính theo giá trị sổ sách. Trong rất nhiều chục năm, chúng không được điều chỉnh theo giá thị trường và không phản ánh được hết giá trị thực của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, đương nhiên phải đánh giá giá trị theo giá trị thị trường. Thông thường, thị trường nhìn nhận giá trị tài sản, vốn nhà nước cao hơn giá trị sổ sách. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp tăng lên. Tất nhiên cũng có trường hợp thấp hơn, nhưng phần lớn trường hợp giá trị DNNN cao hơn là chắc chắn. Kiểm toán nhà nước đưa ra nhận xét khách quan nhưng giá trị tăng lên là đúng chứ không phải không.
Trước đây phương pháp định giá hơi đơn điệu, chủ yếu là dùng phương pháp tài sản để định giá. Nghị định 126 đã đa dạng hóa hình thức đánh giá doanh nghiệp, quá trình đánh giá công khai hơn, huy động được các tổ chức định giá độc lập, trung gian để đánh giá đúng hơn giá trị tài sản, khắc phục được một số điểm hạn chế trong quá trình định giá. Mức trần chi phí thuê tư vấn, tìm kiếm nhà đầu từ quốc tế cũng được mở rộng hơn.
Thực hiện thì chưa biết, nhưng ít nhất về mặt quy định thì khá hơn rất nhiều, nâng cao được tính minh bạch.
Nỗi lo cổ đông chiến lược xóa sổ doanh nghiệp
sau cổ phần hóa
Ông vừa nói quy trình cổ phần hóa công khai, minh bạch trong nhiều chục năm và tính minh bạch được nâng cao hơn trong Nghị định 126. Nhưng vì sao vẫn có chuyện DNNN không chọn được nhà đầu tư chiến lược như mong muốn?
Theo quy định, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa đã phải xác định nhà đầu tư chiến lược rồi. Đôi khi, trong thời gian xây dựng phương án, không xác định được hết tất cả các vấn đề để có sự lựa chọn cổ đông chiến lược chính xác nhất.
Tuy nhiên, quy phạm pháp luật là một chuyện, còn có nhiều vấn đề khác, đặc biệt là về sự phù hợp của cổ đông chiến lược. Doanh nghiệp được cổ phần hóa cũng như người phê duyệt phương án cổ phần hóa phải xác định được diện đối tượng được lựa chọn để làm cổ đông chiến lược: phù hợp ngành nghề chuyên môn, hoạt động kinh doanh, tài chính,… chứ không chỉ là cổ đông chiến lược về tài chính.
Thực tế, nếu thu hút cổ đông chiến lược mà chỉ mong muốn người ta đưa tiền vào nhưng lại không phù hợp, hoặc hoàn toàn cách xa với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp thì thật sự sẽ để lại những chuyện rất đáng tiếc. Cổ đông chiến lược là người gắn bó lâu dài. Chỉ tài chính không thì cổ đông chiến lược cũng không thành công và những doanh nghiệp chỉ thu hút cổ đông chiến lược theo nghĩa đầu tư tài chính thường không thành công.
Tiêu biểu trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược theo các tiêu chí tổng hợp nói trên là Vietnam Airlines. Họ đã chọn được ANA (Nhật Bản), doanh nghiệp vừa có tiềm lực tài chính, vừa có ngành nghề kinh doanh hàng không.
Nhưng đã từng có ý kiến lo ngại rằng, chọn nhà đầu tư chiến lược cùng ngành thì họ sẽ lên hạng nhất, đẩy doanh nghiệp sau cổ phần hóa xuống hạng hai?
Đó là sự đánh đổi. Khi chọn cổ đông chiến lược thì phải có phương án để hài hòa giữa lợi ích của cổ đông chiến lược với lợi ích của doanh nghiệp. Thông thường, điều này được thể hiện thông qua các hợp đồng, văn bản ký kết giữa cổ đông chiến lược và doanh nghiệp. Không nên quá nhấn mạnh vấn đề cổ đông chiến lược thâu tóm rồi xóa sổ doanh nghiệp. Việc đó hoàn toàn có thể tránh được với sự tìm hiểu kỹ lưỡng và các cam kết rõ ràng trong hợp đồng.
Không chỉ có văn bản của doanh nghiệp mà còn là thể chế của nhà nước. Để tránh việc đó, hoàn toàn có thể khống chế tỷ lệ đầu tư, sở hữu của nhà đầu tư theo cam kết quốc tế và pháp luật. Khi đã chấp nhận họ vào thì phải chấp nhận việc họ làm đúng pháp luật, theo thỏa ước ký kết. Nhưng việc thay đổi ngành nghề kinh doanh còn được giàng buộc bằng thể chế. Hệ thống pháp luật hiện nay làm được chuyện đó.
Vietnam Airlines - ANA, tiêu biểu trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược theo các tiêu chí tổng hợp.
Ủy bản Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
và hành trình 3 tháng
Ý tưởng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có từ nhiều năm, nhưng tới đầu năm 2018 mới thành lập được. Có những vướng mắc gì?
Ở đây không phải là vướng mắc mà là chuyển đổi, cải cách thể chế. Quá trình thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước diễn ra đồng thời với quá trình đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung, cải cách DNNN nói riêng. Đảng đã có nhiều kết luận và việc thành lập cơ quan quản lý vốn được chính thức đưa ra từ năm 2006. Giai đoạn 2016 đến nay, Chính phủ đã quyết tâm rất lớn, đôn đốc các bộ hoàn thiện đề án và Nghị quyết 09 ngày 3/2/2018 về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là kết quả. Đó là cả một quá trình đã được chuẩn bị trong nhiều năm.
Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu. Hiện nay, các bộ đang quan lý doanh nghiệp nhưng không có bộ máy chuyên nghiệp, lại kiêm nhiệm sử dụng bộ máy của bên quản lý hành chính nhà nước để quản lý lĩnh vực đầu tư.
Người ta cho rằng như vậy không đảm bảo hiệu quả quản lý nên phải hình thành bộ máy chuyên nghiệp hơn, chuyên trách hơn, tránh việc vừa làm chủ, vừa làm quản lý gây nguy cơ phát sinh hành vi ứng xử bất bình đẳng. Và đấy là lý do hình thành nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho ông Nguyễn Hoàng Anh
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của DNNN từ khi Ủy bản Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập?
Thực ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới thành lập từ tháng 2 và mới hoạt động được 3 tháng. Nghị quyết 09 của Chính phủ nêu rất rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc thành lập ủy ban cũng như chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu giữa các bộ với Ủy ban không được phép làm gián đoạn và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Còn về câu hỏi như vừa xong thì chưa có ảnh hưởng. Đã chuyển giao đâu mà ảnh hưởng. Khi nào chuyển giao xong thì mới biết được. Tôi hy vọng là sau khi chuyển giao, hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn.
Xin cám ơn ông!