Vatican - Quốc gia nhỏ nhất thế giới, "doanh nghiệp" đặc biệt nhất hành tinh - kinh doanh và đầu tư ra sao?
Giáo hội Công giáo ở Vatican là ngôi nhà tâm linh cho hơn 1,1 tỷ người trên toàn thế giới. Đó cũng đồng thời là một "tập đoàn kinh doanh" quy mô hàng tỷ đô la.
Được bao bọc hoàn toàn bởi Rome, Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới với diện tích chỉ khoảng 40,4 ha. Giáo hội Công giáo ở Vatican là ngôi nhà tâm linh cho hơn 1,1 tỷ người trên toàn thế giới. Đó cũng đồng thời là một "tập đoàn kinh doanh" quy mô hàng tỷ đô la.
Bức tranh tài chính của Vatican
Vì mục đích tài chính, Vatican vận hành 2 thực thể bán độc lập với 2 chức năng: hoạt động như một quốc gia và phục vụ các nhiệm vụ hỗ trợ giáo hoàng.
Chính quyền thành phố đảm trách việc quản trị và vận hành các dịch vụ thương mại của Vatican. Nó tương đương với chính quyền một thành phố trung bình. Chính quyền này có một nguồn thu nhập dồi dào vào khoảng 130 triệu USD mỗi năm, từ Bảo tàng Vatican nơi có nhà nguyện Sistine. Mỗi năm, du khách khắp thế giới đến đây chi tiêu khoảng 2,2 triệu EUR chỉ riêng để mua sắm các món quà tặng bán ở Vatican.
Năm 2013, thành phố này chi khoảng 322 triệu USD và thu về 377 triệu USD, lãi khoảng 45 triệu USD. Khoản lãi kiểu này đã tích lũy thặng dư đáng kể sau nhiều năm. Nhưng số tiền đó thường không có sẵn để chi tiêu giải quyết các khó khăn của Vatican. Chính quyền thành phố thường phải sử dụng tiền mặt dôi dư này để tăng cường kế hoạch lương hưu, tích lũy để mở rộng và tân trang bảo tàng cùng các tòa nhà lân cận.
Vấn đề chính nằm ở Tòa thánh. Tòa thánh chi tiêu rất nhiều nhưng thu về rất ít hoặc gần như không có nguồn thu.
Đài phát thanh Vatican, nơi phát sóng các bài diễn thuyết của Giáo hoàng, cũng như cung cấp thông tin về Vatican, có tới 330 nhân viên và tiêu tốn hết 37 triệu USD mỗi năm, trong khi chẳng làm ra nổi 1 triệu USD quảng cáo. Tòa thánh hiện thâm hụt tới hơn một nửa ngân sách. Việc điều hành các "sứ quán" - các sứ tông đồ, ở 113 quốc gia cũng tiêu tốn tới 20 triệu USD.
Vệ binh Thụy Sỹ canh giữ ở tòa thánh Vatican.
Gần 2/3 ngân sách của Tòa thánh được dùng để trả tiền lương, phúc lợi và lương hưu cho 2.886 nhân sự (nếu bao gồm chính quyền thành phố, Vatican sở hữu lực lượng lao động lên tới 4.822 người).
Vatican trả lương tương đối thấp nhưng lại cung cấp các quyền lợi về lương hưu và sức khỏe rất hào phóng cho các nhân sự của mình.
Các hồng y và giám mục tại các hội thánh và hội đồng thường nhận khoảng 46.000 USD mỗi năm, mặc dù nhà cửa của họ đã được trợ giá nhiều. Các thứ hạng thấp hơn như nữ tu và linh mục cũng được trả lương thấp hơn thị trường, nhưng phúc lợi lại rất hậu hĩnh.
Mức lương trung bình cho nhân sự từ cấp thấp tới trung bình vào khoảng 28.000 USD mỗi năm. Con số này thấp hơn 25% so với mức lương bình quân 37.800 của các nhân viên Ý làm trong lĩnh vực tương tự. Nhưng lưu ý rằng nhân viên ở Vatican không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Hiện tại, khoảng 3/4 nhân sự ở Vatican là nhân viên, thấp hơn so với gần 25 năm trước. Và nhân viên Vatican gần như chẳng ai muốn rời sở nhiệm trước khi đến tuổi nghỉ hưu.
Năm 2013, Tòa Thánh công bố mức doanh thu 315 triệu USD và chi phí 348 triệu USD, tạo ra mức thâm hụt 33 triệu USD. Lũy kế từ năm 2007, con số thâm hụt lên tới 56 triệu USD. Các khoản chi tiêu tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu cấp bách trong việc xử lý các khoản nợ hưu trí. Vatican đã lập kế hoạch lương hưu từ đầu những năm 1960 nhưng vẫn không hề có quỹ lương hưu thực sự cho tới 3 thế kỉ sau đó.
Tài sản của Vatican
Vatican thường được cho là có khối tài sản lớn, nhưng nếu nó là một công ty, doanh thu của nó vẫn chưa thể lọt vào nhóm Fortune 500. Tổng ngân sách hoạt động của Vatican vào khoảng 700 triệu USD. Các tài sản quý giá nhất của Vatican - hầu hết là kho tàng nghệ thuật vĩ đại của thế giới - gần như là vô giá và không phải để bán.
Dưới đây là các khoản đầu tư chính:
Đầu tư: Danh mục cổ phiếu, trái phiếu và vàng trị giá 920 triệu USD.
Bất động sản: Nắm giữ lượng bất động sản trị giá khoảng 1,35 tỷ USD, bao gồm 2.000 căn hộ, chủ yếu ở Rome.
Ngân hàng Vatican: Giá trị sổ sách khoảng 972 triệu USD.
Bộ sưu tập nghệ thuật: Giá trị hàng tỷ USD và không thể định giá hết. Bảo tàng Vatican mang về 130 triệu USD doanh thu mỗi năm. Kho báu sưu tập ở Vatican không thể không kể tới các bức bích họa của Michelangelo (trên trần) tại Nhà nguyện Sistine; bức tranh "Saint Jerome in the Wilderness" của Leonardo da Vinci; bức "Deposition From the Cross", một bức tranh của Caravaggio...
Ngày nay, Vatican nắm giữ khoảng 920 triệu USD cổ phiếu, trái phiếu và vàng. Dự trữ vàng của Vatican được kí gửi tại Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED chỉ còn 50 triệu USD. Vatican thường kiếm được từ 15 đến 25 triệu USD trên số chứng khoán mà nó nắm giữ, phần lớn trong số đó được lưu hành trên các thị trường tiền tệ và các trái phiếu chính phủ ngắn hạn.
Khối bất động sản trị giá 1,35 tỷ USD của Vatican gồm khoảng 2.000 căn hộ, chủ yếu ở các vị trí tuyệt đẹp ở Rome, gồm các quận lâu đời quanh Vatican và khu phố Trastevere sang trọng gần đó. Hầu hết số đó được thuê cho các giám mục, linh mục và các nhân viên với mức giá thuê tối thiểu. Vài năm qua, danh mục bất động sản mang về khoản thu trung bình khoảng 33 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, các giáo hội công giáo khắp thế giới mới là các đơn vị thực sự trả cho một phần lớn ngân sách hoạt động của Vatican hơn là các khoản đầu tư chứng khoán và bất động sản. Năm 2013, theo ước tính của tạp chí Fortune, các quỹ đã đóng góp hơn 85 triệu USD cho Tòa Thánh. Các khoản tiền này đến từ hàng chục tổ chức từ thiện. Chẳng hạn một tổ chức gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp Công giáo mang tên Legatus cam kết dành 10% tiền thưởng hàng năm gửi tới Giáo hoàng, trị giá khoảng 500.000 USD.
Để thu lợi nhuận nhất quán cho Vatican, một chế độ mới được dựa trên 2 tổ chức có tiềm năng tăng trưởng lớn về thu nhập là Bảo tàng và Ngân hàng Vatican. "Đó là 2 nguồn thu nhập chính cho tương lai", Zahra, vị cố vấn người Malta cho Vatican cho hay.
Các bảo tàng là các nhánh duy nhất của Vatican được hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ. Năm 2017, bảo tàng Vatican chứng kiến lượng khách viếng thăm khổng lồ - 6 triệu người, gấp hơn 3 lần con số 30 năm trước. Từ năm 2013, lượng du khách đã tăng vọt, phần lớn là do hiệu ứng của Giáo hoàng Francis. Đây là một trong số các bảo tàng được viếng thăm nhiều nhất thế giới, chỉ xếp sau bảo tàng Louvre (Pháp) và Bảo tàng Anh quốc.
Du khách xếp hàng dài chờ vào thăm Bảo tàng Vatican.
Dưới đây là 5 điều sẽ khiến bạn ngạc nhiên trong cách kiếm tiền và chi tiêu của Vatican:
1. Ngân hàng Vatican
Ngân hàng Vatican, có khối tài sản trị giá 8 tỷ USD, thường là trung tâm của scandal và tham nhũng kể từ khi thành lập năm 1942. Từ thời Giáo hoàng Benedict nắm quyền, ông đã bắt tay làm sạch hệ thống ngân hàng và sau đó đến Giáo hoàng Francis cũng tiếp tục công việc này.
Các tài khoản của Ngân hàng Vatican chỉ huy động và giữ tiền từ các công dân của Thành phố Vatican và những người làm việc cho nhà thờ. Nhưng theo Gerald Posner, một học giả ngân hàng Vatican và tác giả cuốn "Ngân hàng của Chúa", cho rằng những tài khoản này thường được các quan chức quyền lực của Ý bí mật sử dụng để cất giấu những khoản tiền trốn thuế.
Ngân hàng này đã phải đóng hơn 4.000 tài khoản để xóa nạn tham nhũng và hiện tại có tổng cộng 33.400 tài khoản.
Ngân hàng Vatican, tên chính thức là Viện công trình Tôn giáo, đã có những tiến bộ, nhưng vẫn sẽ còn cả chặng đường dài để trở nên minh bạch hơn.
2. Bảng cân đối kế toán của Vatican: để lọt hơn 1 tỷ USD
Khi công bố báo cáo tài chính năm 2014 vào tháng 7/2015, Vatican cho biết họ có hơn 1,1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD - tỷ giá năm 2015) tài sản mà trước đó chưa ghi nhận trên bảng cân đối kế toán.
Như đã nói, Vatican có hai thực thể chính: Tòa Thánh, nơi điều hành Giáo hội Công giáo và Nhà nước Thành phố Vatican, nơi điều hành thành phố Vatican.
Tòa Thánh từng báo cáo thâm hụt 25,6 triệu EUR (27,9 triệu USD) vào năm 2014, mặc dù đã nhận được hơn 50 triệu EUR từ Ngân hàng Vatican. Chi phí lớn nhất của Tòa Thánh là trả lương cho 2.880 nhân viên, tổng cộng lên tới 126,6 triệu EUR.
Nhà nước Thành phố Vatican chịu trách nhiệm điều hành Bảo tàng Vatican và trong năm 2014 có thặng dư 63,5 triệu USD, gần gấp đôi so với năm trước đó.
3. Nhà nguyện Sistine cũng từng được cho thuê - 1 kiểu như vậy
Tháng 10-2014, Nhà nguyện Sistine đã được cho thuê lần đầu tiên cho nhà sản xuất ô tô Porsche.
Các bức bích họa tuyệt đẹp của Michelangelo vẽ trên trần nhà nguyện Sistine.
40 fan hâm mộ của Porsche đã trả 5.900 USD để tham dự một buổi gala bên dưới bức tranh tường nổi tiếng của Michelangelo như một phần trong dự án Nghệ thuật vì từ thiện của Giáo hoàng Francis.
Trong khi các khách hàng bình thường chỉ được phép ở lại nhà nguyện trong khoảng thời gian ngắn, vì lo ngại các bức bích họa bị hư hại, thì các vị khách Porsche lại được đối xử theo cách đặc biệt, được dự buổi hòa nhạc và một bữa tối riêng bên trong khu triển lãm.
Mặc dù tiền đã trao tay nhưng Vatican vẫn cho rằng họ không cho thuê nhà nguyện."Nhà nguyện Sistine không bao giờ bị đem cho thuê vì đó không phải là địa điểm thương mại", Monsignor Paolo Nicolini - người phát ngôn của Vatican khẳng định.
Thay vào đó, vị này cho biết họ "có thể xem xét" cho các nhóm tư nhân.
Nhưng đừng cố tìm cách thuê nhà nguyện để mở tiệc sinh nhật hay tiệc cưới của bạn. Các sự kiện tổ chức tại đây được giới hạn trong các chức năng liên quan đến nghệ thuật.
4. Tốn bao nhiêu tiền để được phong Thánh?
Tốn không ít tiền của để một linh mục được phong thánh. Nhà thờ và Thánh đường Our Lady of Victory National ở Lackawanna, New York đã từng quyên góp hơn 250 ngàn USD trong một nỗ lực phong thánh linh mục của họ, đức cha Nelson Baker.
Ngân quỹ này được dùng cho việc xuất bản các tài liệu về cha Baker, thẻ cầu nguyện, thông tin liên lạc giữ nhà thờ với Vatican, chi phí cho các chuyến viếng thăm qua lại tới Rome và các lệ phí trả cho người phụ trách luật lệ của Giáo hội.
Chi phí dành cho việc phong thánh có thể thay đổi nhiều phụ thuộc vào thời lượng của quá trình này dài hay ngắn và các bằng chứng cụ thể cần thiết để chứng minh một ứng viên có đủ điều kiện được phong thánh.
5. Khách du lịch tham quan thành phố Vatican đã tăng gấp 3 lần dưới thời Giáo hoàng Francis
Du lịch dưới thời Giáo hoàng Francis đã tăng gần gấp 3 lần kể từ khi ông lên thay Giáo hoàng Benedict vào tháng 3/2013.
Hơn 12 triệu du khách đã đổ xô đến Vatican tại các sự kiện có mặt Giáo hoàng Francis. Và con số này thậm chí không bao gồm các sự kiện Giáo hoàng tổ chức bên ngoài Vatican - thu hút thêm gần 13 triệu du khách khác nữa.
Dưới thời Giáo hoàng Benedict, có khoảng 20,5 triệu lượt du khách đến thăm quan trong nhiệm kì của ông từ 2005-2013.
Năm 2017, du khách thăm quan bảo tàng Vatican cán mốc kỷ lục với 6 triệu lượt người.
Bên trong bảo tàng Vatican.