Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với biện pháp phòng vệ thương mại?

10/07/2016 12:59 PM | Kinh doanh

Mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại còn khá hạn chế hoặc không đủ năng lực để sử dụng công cụ hữu hiệu này.

Nếu như ở các nước trên thế giới, phòng vệ thương mại được coi là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hàng hóa trong nước, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài thì ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với công cụ này.


Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí để theo đuổi vụ kiện phòng vệ thương mại rất tốn kém. (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí để theo đuổi vụ kiện phòng vệ thương mại rất tốn kém. (Ảnh minh họa: KT)

Kết quả điều tra năm 2015 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong số 1.000 doanh nghiệp, có đến 15% số doanh nghiệp không biết đến công cụ phòng vệ thương mại, hơn 63% số doanh nghiệp có nghe nói nhưng không hiểu sâu và chỉ có gần 2% số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kĩ.

Kết quả này phản ánh mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại còn khá hạn chế và rất ít doanh nghiệp mặn mà với công cụ này để tự vệ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp e ngại sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thời gian và chi phí để theo đuổi vụ kiện phòng vệ thương mại rất tốn kém.

“Áp dụng phòng vệ thương mại rất khó, rất tốn thời gian, nhân lực và chi phí. Bởi vì để hoàn thiện một bộ hồ sơ thì số liệu phải được thu thập trong nhiều năm, đồng thời phải chứng minh được chuyện bán phá giá của đối tác nước ngoài, chứng minh được thiệt hại… Những số liệu đó phải rõ ràng minh bạch theo yêu cầu của Cục quản lý cạnh tranh”, ông Thanh cho biết.

Sau hơn 10 năm ban hành các văn bản pháp luật về những biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam hiện mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá. Trong khi đó, đã có khoảng 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Theo bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), bên cạnh hạn chế về năng lực, tài chính, nhận thức và chưa quan tâm thỏa đáng tới phòng vệ thương mại, thì ý thức cộng đồng của các doanh nghiệp còn yếu cũng là rào cản trong thực thi.

“Tâm lý e ngại tham gia kiện tụng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chưa tin tưởng vào hiệu quả của hàng rào phòng vệ thương mại, cũng như họ sợ sử dụng hàng rào này sẽ lộ ra rất nhiều thông tin, số liệu của họ mà họ không mong muốn”, bà Giang chỉ rõ.

Thời gian tới, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức tương đối hiện hữu liên quan đến phòng vệ thương mại, như: sắt, thép, phân bón, sợi, giấy, hay đường ăn…

Vì vậy, theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), để việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam được hiệu quả, vấn đề phòng vệ thương mại rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp.

Trong tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt, cũng như nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

“Trước tiên phải hoàn thiện các văn bản pháp luật, phải nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó cụ thể lĩnh vực này chính là Cục Quản lý cạnh tranh. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có đồng lòng hưởng ứng và nâng cao trình độ, mặc dù nhiệm vụ không phải của họ nhưng họ cũng cần phải có kiến thức. Cộng đồng doanh nghiệp, mà cụ thể là Hiệp hội Doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp cũng phải nâng cao kiến thức và nhận thức trong lĩnh vực này”, ông Nam đề xuất.

Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần nắm bắt và sử dụng tốt hơn nữa công cụ này thông qua việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Theo Ngọc Luân

Cùng chuyên mục
XEM