Vì sao các quốc gia Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt?

28/08/2017 10:29 AM | Xã hội

Một nghiên cứu của Moody cho biết hệ thống thanh toán điện tử có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, cụ thể là GDP và tiêu dùng. Sử dụng các hệ thống thanh toán điện và các loại hình thẻ thanh toán sẽ tạo ra GDP tương đương 3,18 tỷ USD giai đoạn 2011-2015, tương đương với tạo ra việc làm cho khoảng 75.000 người mỗi năm trên thế giới.

Lợi ích này khiến thanh toán không dùng tiền mặt đang là một mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới và tại Đông Nam Á.

Singapore

Singapore luôn được biết tới với danh hiệu quốc gia thông minh. Mới đây nhất quốc gia này có bước tiền gần hơn tới nền kinh tế không dùng tiền mặt thông qua triển khai hệ thống Pay Now. Đây là hệ thống thanh toán chỉ yêu cầu số điện thoại, số chứng minh nhân dân. Người dùng chỉ cần đồng bộ số điện thoại, số chứng minh nhân dân với tài khoản ngân hàng.

Theo số liệu của MasterCard toàn cầu, Singapore là 1 trong 3 quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới và đang đi trước châu Âu từ 5-10 năm thanh toán điện tử.

Một khảo sát khác của Visa cho thấy 87% người tiêu dùng tại quốc đảo này ưa chuộng thanh toán điện tử thay vì tiền mặt. Hiện chỉ có 11% người Singapore sử dụng tiền mặt và chỉ dùng trong những giao dịch nhỏ, trong khi phần lớn những thanh toán điện tử vẫn được ưa chuộng hơn bởi độ an toàn.

Năm 2017, lượng người dùng thẻ tín dụng tại Singapore tăng 7% và nguyên nhân chủ yếu do sự phổ tiến của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Vì sao các quốc gia Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt? - Ảnh 1.

Malaysia

Trong một khảo sát năm 2016 của VISA cho thấy 74% người Malaysia cho thấy họ đang dần không còn phụ thuộc vào tiền mặt và ưa chuộng các giao dịch điện tử hơn. Ngân hàng trung ương Malaysia đặt tầm nhìn thúc đẩy thành quốc gia 100% không dùng tiền mặt vào năm 2020, tiết kiệm được một khoản tương đương 1% GDP quốc gia.

 Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Malaysia đã đưa ra những biện pháp cụ thể như đơn giản hóa việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, gia tăng các giải pháp thanh toán điện tử, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ.  Malaysia từ lâu đã có chính sách giảm phí cho các giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử.

Khảo sát của Research and Markets năm 2016 cho biết thị trường thẻ thanh toán tại Malaysia có tốc độ tăng trưởng kép là 3,5% giai đoạn 2012-2014. Số giao dịch không dùng tiền mặt tính trên đầu người trung bình tăng từ mức 55 giao dịch năm 2011 lên mức 88 giao dịch năm 2015. Mức độ sử dụng thường xuyên thẻ tín dụng tăng ở mức 3,2% trong giai đoạn 2012-2014 và được dự báo tăng lên 37,6 lần năm 2020.

Thái Lan

Một nhiên cứu giữa đại học Tufts và MasterCard toàn cầu xếp hạng các nước bằng chỉ số tiến bộ số hóa (Digital Evolution Index) cho thấy Singapore đứng đầu trong 50 nước trong khi Thái Lan đứng thứ 35. Mức xếp hạng thấp cho thấy nhu cầu cần cải thiện của Thái Lan bởi một nhiên cứu cho thấy mạng lưới thanh toán điện tử sẽ có tác động tích cực tới GDP.

Để hướng tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt, Chính phủ Thái Lan năm 2016 đã triển khai một hệ thống thanh toán điện tử đồng bộ do Chính phủ hỗ trợ. Kế hoạch này được triển khai 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 áp dụng triển khai chuyển tiền điện tử Drom Pay ở toàn bộ các ngân hàng lớn của Thái Lan. Giai đoạn 2 áp dụng thanh toán điện tử với các hoạt động thương mại dịch vụ từ thuế thu nhập cho tới các dịch vụ phúc lợi khác.

Indonesia

Từ năm 2015, Chính phủ Indonesia đã triển khai tầm nhìn số hóa 2020 để thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Số liệu từ ngân hàng trung ương Indonesia cho thấy số giao dịch điện tử trong năm 2016 đã chiếm 42% tổng số giao dịch trong toàn quốc, tăng đáng kể so với con số 28% của 2015. Tuy nhiên tỷ lệ phổ cập Internet tại Indonesia hiện chỉ ở mức 20% trong khi như ở Malaysia là 70%.

Rất nhiều sáng kiến được đưa ra để thúc đẩy Indonesia thành một xã hội không dùng tiền mặt ví dụ cắt giảm phí khi thanh toán điện tử, hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái thương mại điện tử từ cấp địa phương, tăng cường các nỗ lực an ninh mạng.

Tuy nhiên thói quen sử dụng tiền mặt hàng ngày của người dân hiện là một trong những thách thức đối với các nước Đông Nam Á trong việc đẩy mạnh thanh toán điện tử. Một lý do khác là họ vẫn còn e ngại tới việc bảo mật thông tin cá nhân cũng như độ an toàn của các giao dịch.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM