Vì sao các nhà hàng buffet vẫn sống tốt dù thực khách "ăn thùng uống chậu"?
Nếu hình thức kinh doanh "ăn bao nhiêu cũng được" không có lời, chẳng lý gì các nhà hàng buffet lại mọc lên như nấm.
Nhà hàng buffet đã quá quen thuộc với hầu hết trong chúng ta.
Để mà nói, đi ăn buffet được cho là tiết kiệm hơn so với hình thức gọi món vì cho phép "ăn nhòe, ăn bao nhiêu cũng được".
Tuy nhiên, thực khách chỉ phải trả 1 khoản cố định (không tính đồ uống hay thực phẩm ngoài thực đơn buffet) mà được ăn túy lúy - những nơi kinh doanh buffet lời lãi ra sao mà liên tục mọc lên như nấm?
Lịch sử hình thức kinh doanh thực phẩm "all-you-can-eat" hay còn gọi là buffet
Buffet xuất hiện từ những năm 70 - 80s của thế kỷ trước với tên gọi "all-you-can-eat".
Khi đó, phần lớn các nhà hàng kiểu này chuyên phục vụ những cuộc hội họp đông người, ai cũng có thể ăn no mà không mất quá nhiều tiền. Tuy nhiên, dù đầy ắp đồ ăn nhưng rượu không được bán kèm (có lẽ vì rượu kích thích khẩu vị?).
Trên thực tế, các nhà hàng buffet thường chỉ tập trung phát triển từ 1 - 2 phong cách ẩm thực. Có thể là đồ ăn Trung Quốc, chuyên hải sản hoặc có thể là pizza.
Và chuyện thực khách "ăn thùng uống chậu" nhưng các nhà hàng buffet vẫn có lãi như thường
Giảm được nhân công, bố trí món nhanh no và rẻ tiền ra trước
Cái lợi lớn nhất của hình thức kinh doanh này là cắt giảm được rất nhiều nhân viên, tiết kiệm hơn so với cách phục vụ truyền thống (tiếp khách, bưng bê...)
Bên cạnh đó, ít ai nhận ra rằng, những món nhiều carb gây no nhanh, rẻ tiền nhưng bắt mắt thường được trưng ở vị trí đẹp, dễ thu hút thực khách nhất.
Đĩa đựng thức ăn rõ bé nhưng cốc đựng nước ngọt lại to đùng...
Với cái dạ dày đang la hét, chắc chắn bạn đã gặp phải tình huống: Khi tiếp cận được những món ngon nghẻ, đắt tiền thì đĩa của chúng ta đã đầy...
Còn nữa, hầu hết đĩa ăn tại các nhà hàng buffet có kích thước khiêm tốn - trái lại, cốc đựng nước ngọt có gas miễn phí lại rất to.
Kết quả là, chúng ta phải ăn liên tục một lượng thức ăn nhỏ, uống đẫy nước ngọt và nhanh no hơn mình tưởng rất nhiều lần.
Và những chiêu trò khác khi cái miệng của thực khách dần trở nên khôn ngoan hơn
Rõ ràng, chẳng ai bị qua mặt mãi.
Đến khi thực khách dần nhận ra các mánh khóe quen thuộc kể trên, các nhà hàng buffet lại xoay ra chiêu khác.
Lấy ví dụ, vài nhà hàng chuyên hải sản sẽ tung chương trình "buffet hải sản đặc biệt, 100% tôm hùm" trong 2 tháng chẳng hạn. Khi đó, tệp khách hàng tiềm năng sẽ cảm thấy bị hối thúc và kéo nhau đi ăn sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, không phải ai vào nhà hàng buffet cũng "ăn thùng uống chậu", rất nhiều người chỉ ăn tạm đủ no rồi ra về.
Trường hợp phá sản dở khóc dở cười của 1 nhà hàng buffet Trung Quốc
Cách đây hơn 1 năm, một nhà hàng lẩu nổi tiếng ở miền tây nam Trung Quốc đã đệ đơn phá sản trong vòng chưa đầy 2 tuần.
Tất cả do chương trình "siêu khuyến mãi" hơi dại dột một chút: Trả 120 tệ
Cách đây khoảng 10 tháng, một nhà hàng lẩu nổi tiếng ở miền tây nam Trung Quốc đã đệ đơn phá sản trong vòng chưa đầy 2 tuần, sau khi áp dụng một chương trình siêu khuyến mãi: Chỉ phải chi 120 tệ (hơn 400.000 đồng), thực khách được phép tới ăn thỏa thích 1 tháng liền!
Đó là quyết định siêu tai hại của chuỗi lẩu Gia Môn Nhi ở Thành Đô (Trung Quốc)
Trong tài liệu phá sản, Jiamener cho biết sức ăn kinh hoàng của thực khách, cách quản lý yếu kém đã khiến nhà hàng mắc khoản nợ 500.000 tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng).
"Chúng tôi biết nhà hàng sẽ thiệt hại về mặt kinh tế [vì chương trình siêu khuyến mãi]", một trong những đồng sở hữu nhà hàng kể lại. "Dù vậy, chúng tôi muốn có thêm nhiều khách hàng trung thành thông qua chương trình này".
Tuy nhiên, những người điều hành lại không lường trước được hậu quả, chương trình siêu khuyến mãi đã "kéo sập" nhà hàng lẩu nổi tiếng Tứ Xuyên chỉ sau 2 tuần.
Thông báo phá sản của nhà hàng lẩu Jiamener
"Bằng cách nhập hàng với số lượng lớn, chúng tôi có thể hạ giá thành phẩm".
Thế nhưng, từ khi bắt đầu chương trình, mỗi ngày có trung bình 500 thực khách ghé qua, xếp hàng liên tục từ 8h sáng đến khi nhà hàng đóng cửa lúc nửa đêm vẫn chưa hết người ăn.
Một trong số những người đồng sở hữu nhà hàng cho biết, họ gần như "phát điên" trong 2 tuần qua, mỗi ngày chỉ được chợp mắt 2 - 3 tiếng. Chưa kể người làm bếp và nhân viên phục vụ phải hoạt động hết công suất khoảng 10 tiếng mỗi ngày.