Vì sao các hãng bánh Trung thu lớn "ngại" tiết lộ thông tin xử lý hàng tồn?

17/09/2016 16:01 PM | Kinh doanh

Vì sao các hãng sản xuất, cung ứng bánh Trung thu lớn tại Việt Nam như Kinh Đô, Hữu Nghị lại phong tỏa thông tin xử lý bánh tồn sau Trung thu? Đây là câu hỏi được đặt ra sau mùa bánh Trung thu ảm đạm, lượng bánh dư thừa lớn.

Khác với mọi năm, mỗi khi vụ bánh chuẩn bị cho Trung thu vào mùa thì vỉa hè Hà Nội “rợp bóng” các cửa hàng bán bánh của các hãng lớn như Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị…, năm nay số lượng cửa hàng này ít hẳn.

Cùng với đó là việc mua bán cũng giảm nhiệt rõ rệt. Đến cuối giờ chiều ngày 15/9, rất nhiều cửa hàng bánh Trung thu di động của các hãng lớn đều còn rất nhiều hàng nhưng người mua thưa thớt.

Khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội trên các tuyến phố có nhiều cửa hàng bánh Trung thu cho thấy, đến giữa chiều ngày 15/9, nhiều hãng đã cho nhân viên đến để kiểm kê và nhận hàng, di chuyển ra khỏi quầy.

Trước thực trạng này, không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi, số bánh dư này sẽ được các hãng xử lý như thế nào? Bán đại hạ giá theo kiểu mua một tặng một như mọi năm hay đưa về để xử lý, tiêu hủy?

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chiều ngày 15/9, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ tới hai hãng bánh có số lượng quầy bán áp đảo trên các tuyến phố Hà Nội là Kinh Đô và Hữu Nghị.

Sau nhiều lần kết nối qua các số máy điện thoại của cả hai công ty này, phóng viên chỉ nhận được câu trả lời là sẽ liên hệ lại nhưng cuối cùng vẫn bặt vô âm tín.

Cụ thể, khi PV liện hệ tới số điện thoại đăng ký của hãng Kinh Đô thì được giới thiệu và kết nối gặp phòng Marketing. Nhân viên của phòng này cho biết bà Hiền, người phụ trách truyền thông của hãng này sẽ liên hệ lại với PV để tiếp nhận thông tin và có câu trả lời.

Tuy nhiên, đến nay PV vẫn không hề nhận được bất kỳ sự liên hệ và trả lời nào của hãng này trước câu hỏi hãng sẽ xử lý số bánh thừa như thế nào?

Tương tự, khi PV liên hệ tới hãng bánh Hữu Nghị thì được nhân viên tên Điệp phòng Marketing cho biết, bà Hòa phó phòng này sẽ liên hệ với phóng viên để có câu trả lời cho vấn đề nêu trên.

Kết quả của lời hứa này là sự im lặng và không hề có bất cứ phản hồi nào từ hãng Hữu Nghị.

Trước động thái “lạ” của các hãng cung ứng bánh Trung thu lớn nêu trên, người dân đặt câu hỏi tại sao các hãng này phải “ém” thông tin xử lý bánh thừa với dư luận?

Số bánh nêu trên sẽ được tiêu hủy hay tái chế sang các dạng sản phẩm khác? Nếu tái chế thì hạn sử dụng không còn được bao lâu vậy chất lượng sản phẩm tái chế liệu có ổn?

Một chuyên gia làm bánh cổ truyền lâu năm ở Hà Nội cho biết, các hãng lớn nếu có bánh tồn kho thì họ có thể có nhiều cách để xử lý và tuy nhiên tận dụng là xu hướng khó tránh khỏi. Khi thu bánh về họ có thể bóc vỏ, lấy nhân để làm các loại bánh khác.

Khi nói về hướng xử lý bánh tồn của các hãng lớn, nghệ nhân này quả quyết sẽ khó có hãng nào dám công bố chính xác việc họ sẽ làm.

Cũng liên quan đến bánh Trung thu, cách đây không lâu, Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải bài viết phản ánh tình trạng bánh để quá hạn gần 1 năm vẫn tươi như mới ra lò.

Nghi vấn về việc sử dụng quá nhiều chất bảo quản đã được đặt ra nhưng kết quả cuối cùng thì người dân và dư luận vẫn không có được câu trả lời thuyết phục.

Người dân sở hữu số bánh “bất tử” này đặt ra nghi vấn về việc nếu với sự tồn tại vượt thời gian này của bánh thì chỉ cần một năm sau, khi gần đến mùa bánh Trung thu nhà sản xuất có thể lột vỏ cũ, thay vỏ mới với hạn sử dụng mới thì hoàn toàn có thể đánh lừa được thị giác của người tiêu dùng vì bánh mới cứng như vừa ra lò.

Cùng chuyên mục
XEM