Vì sao các dòng ô tô lắp ráp trong nước đua nhau ‘rớt’ giá?

11/09/2017 09:09 AM | Xã hội

Việc các hãng ô tô tại Việt Nam liên tiếp giảm giá "sốc” cho các dòng xe lắp ráp trong nước trong thời gian vừa qua đều có chủ đích.

Sau khi công bố giảm hàng trăm triệu đồng cho dòng xe CR-V của hãng ô tô Honda , chỉ trong vòng vài ngày, các đại lý ô tô của Honda đã đón nhận một lượng khách đặt xe khá lớn và hầu như không còn xe để bán.

Theo đó, sau lần giảm giá đến gần 170 triệu đồng hồi đầu tháng 8, dòng SUV Honda CR-V tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh lần nữa vào đầu tháng 9. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, bản cao cấp CR-V 2.4 AT TG đã giảm 280 triệu đồng, bản CR-V 2.4 A.T giảm 330 triệu đồng và bản CR-V 2.0 A.T giảm 220 triệu đồng.

Vì sao các dòng ô tô lắp ráp trong nước đua nhau ‘rớt’ giá? - Ảnh 1.

Honda CR-V đã gây "sốc" thị trường khi liên tiếp giảm giá đến vài trăm triệu trong vòng 1 tháng qua.

Trước đó, Trường Hải cũng đã công bố giảm giá dòng xe Mazda CX-5 xuống dưới 800 triệu đồng, giảm khoảng 200 triệu đồng/xe so với trước đó vài tháng.

Tiếp tục, các hãng ô tô khác như Nissan, Toyota, Chevrolet… cũng công bố giảm từ vài chục đến gần 100 triệu đồng cho nhiều dòng xe lắp ráp trong nước.

Không phải tự nhiên các hãng xe đồng loạt công bố giảm giá sâu một số dòng xe lắp ráp trong nước gây “sốc” cho người tiêu dùng. Theo tiết lộ của một số đại lý, động thái này một mặt là để “đẩy” hàng tồn kho, một mặt để tăng doanh số bán hàng và một mặt để “dọn đường” cho dòng xe cùng phiên bản mới nhập khẩu chuẩn bị về.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tiêu thụ ô tô các tháng gần đây liên tục giảm mạnh và đạt tỷ lệ thấp hơn cùng kì năm 2016. Theo đó, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 6/2017 giảm 6% so với cùng kì năm ngoái; trong đó xe ô tô du lịch giảm 2%, xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 18%.

Bên cạnh đó, mức tiêu thụ các dòng xe lắp ráp trong nước đang giảm mạnh trước “áp lực” thông tin thuế tiêu thụ đặc biệt xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN về mức 0% vào đầu năm 2018 đã dẫn đến tâm lý chờ đợi của khách hàng. Cùng tâm lý chờ giảm giá, tâm lý “chuộng” xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước (dù cùng như nhau) của người tiêu dùng Việt đã khiến các xe lắp ráp trong nước từ cuối năm 2016 - 2017 hiện nay rất khó tiêu thụ.

Điều này có thể thấy, dòng xe Fortuner và Yaris của Toyota hay một số dòng ô tô của Hyundai nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc đều không được giảm giá trong thời gian qua. Hơn nữa, theo báo cáo của VAMA, tính đến hết tháng 7/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kì.

Vì sao các dòng ô tô lắp ráp trong nước đua nhau ‘rớt’ giá? - Ảnh 2.

Dòng xe Fortuner của Toyota hiện nay không còn lắp ráp trong nước nên hầu như ít khi giảm giá.

Còn theo Trường Hải Auto (THACO), năm 2017, THACO đặt mục tiêu bán ra 112.020 xe, tương đương năm 2016, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 5.063 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2016 (trong đó xe du lịch là 58.384 xe, giảm 8% so với 2016). Nguyên nhân số lượng xe bán ra tương đương nhưng lợi nhuận giảm mạnh của THACO cho thấy THACO đã đánh giá được thị trường 2017 khá khó khăn và quyết “cắt lãi” để tăng sản lượng từ những cú hích giảm giá. Cụ thể, THACO đặt mục tiêu giảm giá thành sản phẩm trung bình 5%/năm và lũy kế đến năm 2018 là 15%.

Không chỉ thế, việc các hãng ô tô chuẩn bị “ra ràng” phiên bản mới (nhập khẩu nguyên chiếc) cũng làm “ngán đường” cho các xe phiên bản cũ (lắp ráp trong nước) khó tiêu thụ và thậm chí không thể tiêu thụ nếu giá chênh nhau không nhiều. Đây cũng là lý do tại sao Honda CR-V giảm giá sốc đến vài trăm triệu đồng cho phiên bản xe lắp ráp trong nước chỉ trong một tháng, bởi Honda chuẩn bị tung ra dòng CR-V mới 7 chỗ, nhập khẩu nguyên chiếc với mức giá gần như tương đương với dòng CR-V lắp ráp trong nước khi chưa giảm giá (khoảng 1,1 tỷ đồng).

Theo nhận định của những chuyên gia lĩnh vực này, động thái giảm giá sâu của các hãng ô tô tại Việt Nam ở thời điểm này là khá hợp lý, khi tâm lý chờ giảm giá từ lộ trình hội nhập AFTA đang cận kề cộng với áp lực tồn kho, khó tiêu thụ cho dòng xe lắp ráp trong nước đã khiến các hãng quyết định cắt giảm lợi nhuận, “kích” cầu sức mua người tiêu dùng.

Một khi số lượng xe lắp ráp trong nước còn tồn của năm 2017 đã hết, giá xe ô tô có thể sẽ tăng trở lại và nếu có giảm (do thuế nhập khẩu giảm) thì cũng chưa chắc có thể giảm nhiều như hiện nay.

Theo MT

Cùng chuyên mục
XEM