Vì sao 12 năm vải thiều mới sang được Úc, 5 năm để xoài vào Nhật và 8 năm thanh long tái xuất Đài Loan?

08/06/2016 13:37 PM | Kinh doanh

Phải mất 12 năm quả vải Việt mới chính thức được cấp phép sang Úc, 5 năm xoài Cát Chu mới xuất hiện trên kệ hàng ở Nhật Bản, 8 năm quả thanh long mới thuyết phục được Đài Loan mở cửa lại và đã bước sang năm thứ 4 mà vú sữa Việt vẫn chưa chinh phục được những rào cản kiểm dịch của xứ sở kim chi...

Vậy nguyên nhân do đâu?

Chia sẻ với chúng tôi, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Hoàng Trung cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như canh tác còn nhỏ lẻ manh mún, rào cản kỹ thuật khó khăn...

Tuy nhiên, cũng phải kể đến đạo đức kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) thực sự chưa chuẩn mực: "Nhiều khi chúng tôi sang đàm phán với các nước rất xấu hổ khi 3 lô hàng đầu tiên DN đáp ứng rất đúng quy định, nhưng càng lô hàng sau thì càng giảm chất lượng, làm mất uy tín".

Bên cạnh đó, có thể nói, năng lực của DN Việt còn rất yếu (90% là DN vừa và nhỏ), đặc biệt việc tham gia lĩnh vực nông sản càng yếu hơn. Các doanh nghiệp trong nước tham gia vào xuất khẩu trái cây tươi không nhiều.

Mấy năm vừa qua, cơ quan chức năng đã tạo điều kiện nhiều nhất, phục vụ tận tình, hỗ trợ miễn giảm thuế, thậm chí mời gọi các nhà xuất khẩu (chủ yếu ở phía nam) tham gia xúc tiến. Thế nhưng, số lượng nhà đầu tư nhận xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc chưa quá 10 đầu ngón tay.

Trong khi đó, sản xuất của Việt Nam rất nhỏ lẻ, manh mún. Đơn cử như việc cấp mã số cho quả vải sang Úc, Cục phải gom 28 hộ thì mới cấp được 1 mã số với diện tích 10 hecta. Ông Trung cho biết, việc đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu là rất vất vả.

Với khí hậu nhiệt đới ẩm và chủng loại cây trái phong phú, Việt Nam vốn rất có lợi thế về sản xuất trái cây. Thế nhưng, để chinh phục được những thị trường Úc, Mỹ, Nhật, Hàn hay Đài Loan, trái cây Việt phải mất đến 5, 10, 12 năm.

Thực tế, không thể phủ nhận các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Brazil... là những thị trường khó tính. Họ đưa ra những quy định rất chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại quả tươi.

Do đó, để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật, các loại quả tươi ở Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Bên cạnh những rào cản trên thì khó khăn về chi phí vận chuyển cũng "làm khó" cho hoa quả Việt xuất sang nước ngoài.

Tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng lấy dẫn chứng, một trong những khó khăn trong quá trình hoa quả Việt "xuất ngoại" là chi phí vận chuyển lớn.

Ông lấy ví dụ, để xuất 1 kg vải sang châu Âu, sau khi được giảm 20%, "vé bay" rơi vào khoảng gần 3 USD/kg. Nếu để bay 600 tấn vải, các DN sẽ phải chi trả 1,77 triệu USD tiền "vé". Đây là mức giá ưu đãi cho quả vải đi Pháp, còn sang Úc sẽ cao hơn nhiều.

Câu chuyện cạnh tranh cũng làm khó cho trái cây Việt xuất ngoại. Ví như xuất 1 kg thanh long Việt Nam sang Nga đắt hơn 2 USD so với việc xuất từ Thái Lan sang thị trường này.

Và dù doanh nghiệp có "cắn răng" chịu mức phí cao, nhưng với năng lực vận chuyển trái vải ở mức 10 tấn/chuyến bay thì tương đương năng lực của 1 xe vận tải chuyển sang Trung Quốc.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM