Vì sao quả vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc không giải quyết vấn đề gì?

24/06/2015 10:29 AM | Kinh doanh

Những loại chất lượng cao như vải Hồng Hoa, vải thiều lửa, vải thiều loại 1 phù hợp xuất khẩu thì Trung Quốc luôn thu mua hết. Những loại vải tồn dư mà chúng ta kêu gọi tiêu thụ là vải thiều loại 2, loại 3.

Thông tin quả vải xuất sang Mỹ, Úc hay Pháp có thể bán được với giá hơn 200.000 đồng/kg là minh chứng thuyết phục về chất lượng trái cây Việt Nam đủ sức thỏa mãn những người tiêu dùng khó tính nhất.

Tuy nhiên, đó lại không phải minh chứng cho một đầu ra thuyết phục của quả vải. Theo những người kinh doanh trong ngành nông sản, có quá nhiều lý do để việc xuất vải ra nước ngoài chỉ mang tính hình thức hơn là một giải pháp khả thi.

Xuất khẩu không ăn thua: Sản lượng quá thấp, chi phí quá cao

Dễ thấy nhất là bài toán chi phí cho quả vải xuất khẩu quá lớn. Một doanh nghiệp cho biết, để xuất khẩu vải sang Mỹ, công ty này đã thu mua 15 tấn vải của người nông dân. Tuy nhiên, trong số 15 tấn này, chỉ lọc ra được 3 tấn vải.

Yêu cầu quả vải của thị trường Mỹ rất khắt khe: Mỗi quả vải phải có kích thước dưới 3cm, tỉ lệ đường dưới 20%.

Như vậy, tỉ lệ vải được chọn chỉ chiếm có 1/5 số lượng vải thu mua. 12 tấn còn lại công ty lại phải đem bán ở thị trường trong nước. "Để bán được vải, tỉ lệ chuyên nghiệp hóa phải cao, ít nhất là 80% thu mua đạt yêu cầu mới chấp nhận được", đại diện một công ty chuyên thu mua nông sản cho biết.

Tiếp theo, sau khi chọn lọc được những quả vải chất lượng, số vải này phải mang đi chiếu xạ ở Bình Dương (tất cả đều phải tới Bình Dương vì đây là địa điểm duy nhất có máy chiếu xạ), cộng thêm đóng gói sản phẩm mất khoảng 3 USD/kg vải.

Cuối cùng, vải đóng gói phải mang sang Mỹ mất thêm chi phí vận tải bằng máy bay mất thêm 3,5 USD - 4 USD nữa trên mỗi kg vải

Sau khi cộng tất cả chi phí lại, vải được bán giá khoảng 10 USD/kg, nghĩa là cũng không lời được bao nhiêu.

Quan trọng hơn quả vải muốn sang Mỹ phải thông qua máy bay chở khách của Việt Nam Airlines. Mỗi tháng chỉ có 4 chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ, mỗi lần mang theo tối đa 1 - 2 tấn. Cả mùa vải 1 tháng xuất được có 8 tấn vải, chẳng thấm vào đâu so với sản lượng 250.000 tấn vải mỗi vụ của Việt Nam.

Việt Nam không có máy bay chở hàng riêng, cũng chưa thể xuất đường biển, nên lượng vải tiêu thụ sẽ không thấm vào đâu so với sản lượng 250.000 tấn mỗi vụ.

Nếu muốn tăng sản lượng xuất khẩu, phải đi qua đường biển. Tuy nhiên, đặc thù trái vải phải bảo quản trong các container lạnh, thời gian để không được lâu, chỉ cần bị lưu bãi từ 1 - 2 ngày là có thể phải bỏ cả container hàng đi. Trái vải xuất đi từ Việt Nam cũng không thể đi thẳng tới các quốc gia khác mà phải tập trung tại Singapore trước, vì vậy thời gian càng bị kéo dài, gia tăng rủi ro hỏng hàng.

Tính đi tính lại, việc xuất quả vải đi Mỹ thực chất chưa mang lại lợi ích gì cho loại trái cây này, mà chỉ "lấy cơ cấu" là chủ yếu.

Trong nước mới là nơi cần giải cứu

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, đại diện công ty nông sản Đại Việt, mỗi năm Việt Nam cung cấp sản lượng khoảng 250.000 tấn vải. Một nửa trong số đó là vải chất lượng cao như vải Hồng Hoa, vải thiều lửa hay vải thiều loại I. Những loại chất lượng cao này không cần quảng bá gì mà thị trường Trung Quốc luôn tiêu thụ hết với giá tốt.

Vấn đề nằm ở hơn 100.000 tấn vải chất lượng thấp hơn còn lại, chủ yếu là vải thiều thường loại 2, loại 3. Giá thành của loại vải này dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Như vậy, chúng ta lại tìm đầu ra cho loại sản phẩm luôn có sẵn đầu ra, trong khi thực chất vải ế không phải là loại vải đủ tiêu chuẩn mang đi xuất khẩu.

Từng mang 3.000 tấn dưa hấu về Hà Nội bán từ thiện, ông Quỳnh cho rằng, thay vì tính kế xuất ngoại, chúng ta nên tập trung vào thị trường trong nước. Khả năng tiêu thụ trái cây trong nước hoàn toàn có chứ không thể nói là không được.

Vải thiều loại 2, 3 sau khi thu mua và tính tất cả chi phí, sẽ dao động ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg.

"Việt Nam hiện có 90 triệu dân, giả sử có 60 triệu người ăn được vải thì mỗi người chỉ cần ăn hơn 1kg là tiêu thụ hết", ông Quỳnh nhận định.

Vấn đề là làm sao để sản phẩm này đến tay người dân. Giải quyết đầu ra ngay trong nước mới là điều các nhà chức trách cần phải làm, thay vì mang đi xuất khẩu chiếu lệ.

Chúng tôi đã tính đến nhiều cách, nhưng đi đâu cũng bị vướng chính sách. Chẳng hạn, chúng tôi tính đến việc làm vải khô đóng hộp. Tuy nhiên, một nhà máy xử lý hoa quả cần 5 – 7 giấy phép, như DN muốn có giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng chai thì phải xin từ phòng, sở, toàn quốc, giấy an toàn VSTP,… chi phí quá lớn, không thể làm được.

Cuối cùng, các DN lại phải tự nghĩ ra cách cứu mình. Đơn vị của ông Quỳnh đang chọn giải pháp là thu mua và bán cho các đơn vị sản xuất ở các khu công nghiệp. Đây cũng là cách DN này tìm đầu ra khi thu mua dưa hấu từ thiện và mang lại hiệu quả khá tốt.

"Chỉ cần mỗi bữa ăn các DN này thay trái cây khác bằng 3 quả vải thì chúng tôi đã có thể tiêu thụ rất tốt rồi", ông Quỳnh ước tính.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM