Lãnh đạo thuế, hải quan TPHCM bất lực, Bí thư Thăng nói "đừng đẩy" cho Thủ tướng
Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với các nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Lắng nghe và trao đổi” ngày 16/3, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự bất lực của lãnh đạo thuế, hải quan TPHCM về kiến nghị của doanh nghiệp cũng như việc đùn đẩy lên cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tục hải quan vẫn là vấn đề bức xúc của nhiều doanh nghiệp bởi còn nhiều bất cập và nhiêu khê. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trong các KCX-KCN TPHCM, cho rằng mặc dù các quy định hiện hành của Nhà nước bắt buộc nhiều địa phương phải "dẹp" các loại giấy phép con, một cửa cho doanh nghiệp nhưng việc này vẫn còn tồn tại rất nhiều nơi, gây phiền hà cho nhà đầu tư khi muốn thực hiện một dự án hoặc thông quan ở cửa khẩu bởi hàng loạt quy định mới, giấy phép con, cơ chế xin cho…
Như về thủ tục hải quan, theo ông Bé, dù đã liên thông một cửa nhưng lại có quá nhiều cửa khác ở các khâu khác để thông quan hàng hóa.
“Hải quan ba năm qua thông quan điện tử, nhưng do chuyện ban hành văn bản mới dưới luật, một cửa liên thông nhưng có đến 9 bộ ngành tham gia”, ông Bé nói và đưa ra ví dụ việc nhập khẩu thép đòi hỏi phải có giấy kiểm định, xin quota, cắt thép từng miếng để đem thẩm định… hay nhập hóa chất phải có giấy kiểm định của Bộ Công Thương chỉ với mục đích biết về số lượng cho công tác làm thống kê...
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp giải thích, do Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu rộng nên việc thay đổi luật là cần thiết, và Cục đã thường xuyên tổ chức tham vấn, tập huấn cho doanh nghiệp.
Bí thư Thăng chất vấn Cục Hải quan TPHCM: “Doanh nghiệp phản ánh là quy định 1 cửa mà giờ phát sinh nhiều cửa thì giải quyết thế nào?”
Ông Nghiệp cho biết hệ thống một cửa quốc gia của hải quan thực tế đến giờ mới chỉ có 6 bộ ngành tham gia. Doanh nghiệp chỉ đến làm việc với hải quan một lần nhưng để nhập khẩu một lô hàng thì cần đến làm việc trước với các bộ, ngành khác.
Ông Nghiệp lý giải: "Trong thông quan hàng hóa, chỉ 28% lượng thời gian thông quan có liên quan đến hải quan và 72% còn lại liên quan đến chính sách của các bộ, ngành. Như nhập khẩu thép, doanh nghiệp chỉ đến hải quan một lần nhưng muốn nhập khẩu thì phải được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ kiểm định đủ chất lượng. Tại Bộ Công Thương cũng chỉ có một số cơ quan được kiểm định chất lượng liên quan đến sản phẩm…”
Bí thư Thăng tiếp tục đặt câu hỏi rằng: các doanh nghiệp nói có máy kiểm định cầm tay, vậy sao Hải quan không kiểm định trực tiếp tại cửa khẩu, lại bắt doanh nghiệp phải cắt miếng sắt đem đi kiểm định?
Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, sẽ xử lý ngay những việc thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị lên bộ, ngành để tháo gỡ tiếp vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Cục Hải quan Thành phố trong vòng một tuần phải giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, vướng đến đâu gỡ đến đó chứ không phải chờ tổng hợp ý kiến rồi mới giải quyết một lần.
Theo phản ánh của một nhà đầu tư Hàn Quốc, doanh nghiệp đã được cấp phép ưu đãi thuế tại Khu công nghiệp ở Cần Thơ, nhưng Cục thuế TPHCM vẫn áp dụng mức thu thuế theo luật thuế.
Trả lời vấn đề này, bà Trần Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục thuế TPHCM cho rằng: việc Cần Thơ cấp giấy chứng nhận ưu đãi là đúng, nhưng ghi trên giấy phép ưu đãi thuế là không đúng bởi ưu đãi thuế phải tùy theo luật thuế.
Bà Nga nói: “Ưu đãi thuế cũng phải theo quy định của luật thuế. Cục thuế TP.HCM cũng đã hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đều cho rằng ưu đãi cũng phải theo luật thuế. Thế nhưng DN không đồng ý. Chúng tôi đang chờ hỏi ý kiến Thủ tướng Chính phủ với trường hợp này…”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói ngay: “Vấn đề là không nên vì những vướng mắc mà ảnh hưởng đến DN, môi trường đầu tư. Ngành thuế phải giải quyết dứt điểm việc này, không làm ảnh hưởng đến tài chính của DN. Đề xuất hỏi ý kiến cấp trên nhưng phải có hướng giải quyết. Các bộ ngành phải chủ động chứ không phải cái gì cũng “đẩy” cho Thủ tướng được”.
Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm, có hiệu lực từ ngày 1/7, thay thế Thông tư 20 của quy định trước đây là 5 năm, nhưng vẫn bị các nhà đầu tư phản ứng nhiều nhất.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng chính Thông tư này đang làm nhiều nhà đầu tư có vốn FDI "chùn chân", thay đổi chiến lược hoặc thậm chí bỏ cuộc không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Cả AmCham Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) đều phản ứng về quy định này.
Ông Herb Cochran - đại diện Amcham Việt Nam cho rằng thiết bị sản xuất và máy móc cho chất bán dẫn, ô tô… có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa do chúng thường xuyên được bảo trì và tân trang lại.
Ông Cochran cho rằng Thông tư mới này còn vi phạm Hiệp định Rào cản Kỹ thuật tới thương mại (TBT) của WTO do thiết lập sự hạn chế một cách tùy tiện và không dựa trên khoa học về nhập khẩu. Theo ông Cochran, cơ quan quản lý cần sử dụng một chiến lược ‘quản lý rủi ro’ để giải quyết vấn đề cụ thể hơn là cấm việc nhập khẩu tất cả các máy móc và thiết bị có tuổi đời lớn hơn 10 năm.
Mặc dù vậy, Thông tư 23 cũng có “đường mở” cho nhà đầu tư là trong trường hợp đặc biệt, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi đời quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì căn cứ hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định.
Và đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng) nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định nói trên.
Ông Nakagawa - đại diện JBAH đặt câu hỏi “Liệu quy định các tiêu chí đặc biệt của Thông tư này có được thực thi”? Đại diện cả hai hiệp hội trên đều kiến nghị hủy bỏ Thông tư 23.