Vietnam Airlines xin ưu ái CPH: Người Việt Nam sẽ hưởng lợi?

11/07/2014 07:49 AM |

Dựa vào ý kiến tham mưu của các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Phương án xin CPH của VNA đang gây nhiều tranh cãi, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng phản đối cho rằng đó là phương án làm sai lệch bản chất CPH, không thể được chấp nhận.

Có chuyên gia lại phân tích, với phương án này VNA như "hổ mọc thêm cánh", tăng tính độc quyền, được bao bọc, ưu ái nhiều hơn. Thậm chí có chuyên gia còn đặt giả thiết có sự phân chia quyền lợi.

Nhưng vì sao một phương án CPH được cho là bất hợp lý vẫn được Bộ GTVT đồng ý và trình Thủ tướng, chúng tôi đã có trao đổi làm rõ vấn đề này.

Vietnam Airlines CPH đúng lộ trình

PV: - Thưa ông, bình luận về phương án cổ phần hóa do VNA đề xuất, các vị chuyên gia kinh tế đã nói thẳng, đề xuất của Vietnam Airlines làm sai lệch bản chất cổ phần hóa. Bởi lẽ, thứ nhất, cổ phần hóa để thay đổi cách quản trị, cổ phần hóa để bắt buộc doanh nghiệp áp dụng cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với phương án của VNA, không những không thay đổi những nguyên tắc quản trị như yêu cầu mà còn xin thêm ưu tiên, ưu đãi, được bao bọc nhiều hơn.

Thứ hai, tiền của nhà nước lại đem cho không những cổ đông góp vốn mua cổ phần. Trên thực tế, nguồn lực VNA đang sử dụng hiện nay cũng là từ tiền đóng thuế của người dân, chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Với đề xuất trên, có thể hiểu, VNA đang xin ưu đãi tới hai lần.

Xin ông cho biết, Bộ đã ghi nhận những ý kiến này thế nào? Khi đồng ý với đề xuất này, những vấn đề trên đã được Bộ cân nhắc, tính toán ra sao, thưa ông?

TT Nguyễn Hồng Trường: Việc cổ phần hóa Vietnam Airlines đã được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định hiện hành, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Toàn bộ quy trình triển khai cổ phần hóa Vietnam Airlines đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Đồng thời, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã nghiên cứu kỹ phương án cổ phần hóa của các doanh nghiệp lớn, kế thừa có chọn lọc các giải pháp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Vietnam Airlines, ngày 20/6/2014, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định phương án cổ phần hóa VietnamAirlines.

Theo đó, cổ phần hóa VietnamAirlines theo phương thức giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 14.101, 84 tỷ đồng, tương đương 1.410.184.000 cổ phần (trong đó, nhà nước nắm giữ 1.057.638.000 cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động, đấu giá công khai và bán cho cổ đông chiến lược là 352.546.000 cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ).

Thực hiện kế hoạch phát triển đội bay của VietnamAirlines đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007 và văn bản số 1567/TTg-CN ngày 22/9/2008, VietnamAirlines đã xây dựng phương án sản xất kinh doanh của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa, theo đó, giai đoạn 2014 - 2018 tổng giá trị đầu tư là 69.994 tỷ đồng, trong đó, đầu tư tàu bay 63.297 tỷ đồng.

Để đáp ứng kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, dự kiến VietnamAirlines sẽ tăng dần vốn điều lệ từ 14.101, 84 tỷ đồng năm 2014 đến cuối năm 2018 là 26.320 tỷ đồng. Lộ trình tăng vốn của Vietnam Airlines đã được tính toán kỹ, được chia 02 giai đoạn, năm 2016 và năm 2018 và được xây dựng trong chiến lược, kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đến năm 2020.

Nguồn vốn để tăng vốn điều lệ từ phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc cho các cổ đông hiện hữu, theo phương án này, để đảm bảo duy trì tỷ lệ nhà nước nắm giữ vốn ở mức 75% khi cổ phần và giảm dần xuống tỷ lệ nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ.

VietnamAirlines đề xuất giữ lại phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với phần vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổng số thặng dư vốn đề xuất giữ lại theo phương án và trong trường hợp bán thành công toàn bộ 25% vốn điều lệ với giá khởi điểm 22.300đ/cổ phiếu khoảng 3.129 tỷ đồng. Khi thực hiện tăng vốn điều lệ, khoản thặng dư này sẽ hạch toán tăng vốn chủ sở hữu nhà nước. Trước khi thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần, phần thặng dư giữ lại sẽ được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, nguyên tắc quản trị của doanh nghiệp được thay đổi cơ bản, doanh nghiệp đang thuộc chủ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu mà tổ chức có quyền quyết định cao nhất thuộc về Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền đề cử, ứng cử tham gia Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Mọi hoạt động điều hành của doanh nghiệp được giám sát bởi Đại hội đồng cổ đông.

Nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải nói riêng, trong đó, phát triển lĩnh vực hàng không là một mắt xích quan trọng trong các phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, kết nối nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế thế giới, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành đã thống nhất thẩm định phương án cổ phần hóa VietnamAirlines và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các nội dung trên.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo VietnamAirlines tiếp tục thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa để chính thức chuyển VietnamAirlines hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần.

PV: - Liệu có thể hiểu vì là đơn vị đi tiên phong trong cổ phần hóa, nên Bộ có phần ưu ái mà đồng ý đề xuất của VNA... hay không?

TT Nguyễn Hồng Trường: Trong năm 2014, Bộ GTVT triển khai thực hiện cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn (bao gồm cả VietnamAirlines). Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong công tác cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các giải pháp này đã được Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan và các doanh nghiệp tại Hội nghị của Chính phủ về tổng kết 03 năm công tác sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa các doanh nghiệp. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, giải quyết theo đúng thẩm quyền và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Đến nay, 10 Công ty mẹ - Tổng công ty đã thực hiện xong công tác cổ phần hóa. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã cơ bản phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, công tác quản trị doanh nghiệp được chú trọng, thay đổi theo hướng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh được từng bước phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho nền kinh tế. Đây chính là mục tiêu, kết quả của công tác cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đối với Vietnam Airlines, phương án cổ phần hóa đang được thực hiện theo đúng lộ trình, Vietnam Airlines có trách nhiệm kế thừa các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng quy định, tiếp tục thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành và các mục tiêu kinh tế xã hội.

Xã hội được lợi?

PV: - Các chuyên gia cũng chỉ rõ, bản chất của VNA vốn đã là doanh nghiệp độc quyền, giờ cổ phần chỉ nhằm mục đích tăng vốn mà không thay đổi bản chất quản trị thì không khác nào "hổ mọc thêm cánh" củng cố thêm vị trí độc quyền của VNA. Cuối cùng, chính những khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không (cũng là những người đóng thuế để tạo ưu đãi cho VNA nếu phương án trên được thông qua) chịu thiệt.

Xin ông cho biết, với đề xuất này Bộ GTVT muốn VNA sẽ là doanh nghiệp thế nào? Muốn VNA có khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng không quốc tế hay tiếp tục củng cố tính độc quyền của VNA thông qua những cơ chế đặc quyền như VNA đề xuất?

TT Nguyễn Hồng Trường: Đối với thị trường trong nước: Sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ đã tạo ra thị trường có tính cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, thị phần của Vietnam Airlines trên thị trường nội địa đã giảm xuống dưới mức 60% và xu hướng còn tiếp tục bị giảm do việc gia tăng cạnh tranh trên thị trường giữa các hãng hàng không hiện tại và các hãng hàng không tham gia thị trường trong tương lai.

Đối với thị trường nước ngoài: Bên cạnh sự cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước, Vietnam Airlines còn phải cạnh tranh quyết liệt với các Hãng Hàng không hàng đầu thế giới và khu vực Singapore Airlines, Thai Airways, Cathay Pacific, Air France…. Trên các đường bay quốc tế.

Theo phương án sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, dự kiến đến năm 2018, Vietnam Airlines đạt thị phần vận chuyển hành khách 44,8% (trong đó, thị phần vận chuyển khách quốc tế đạt 39,9%, thị phần vận chuyển khách nội địa đạt 49,9%)

Do vậy, ngoài mục tiêu huy động các nguồn lực về tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực, thị trường, thì một mục tiêu rất quan trọng là sau cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh cải cách quản trị doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đảm bảo điều kiện hòa nhập với các hãng hàng không lớn trên thế giới, tạo thêm sự hấp dẫn của thị trường để thu hút các nhà đầu tư tham gia cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.

Máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp
Máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp

Như vậy, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường, để tồn tại, phát triển bền vững, VietnamAirlines phải tự khẳng định vị trí của doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện để cung ứng cho thị trường, người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, có như vậy khách hàng mới lựa chọn dịch vụ của VietnamAirlines.

PV: - Và trong trường hợp đó sẽ phải hiểu thế nào về một doanh nghiệp cổ phần lớn mạnh nhờ những ưu tiên, ưu đãi của nhà nước (thực chất là tiền thuế của dân), thưa ông? Nếu có những trường hợp tương tự như VNA Bộ GTVT sẽ tính toán như thế nào? Bộ có đồng ý không?

TT Nguyễn Hồng Trường: Trong điều kiện thị trường có nhiều biến động bất lợi, nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng khó khăn, để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định, phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô để hỗ trợ thị trường (bao gồm: miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi xuất, chính sách tín dụng cho các thị trường nông nghiệp, xuất nhập khẩu, bất động sản…).

Các giải pháp này đã hỗ trợ kịp thời, tích cực và có hiệu quả cho các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đã phục hồi, ổn định và phát triển tạo thêm việc làm, thu nhập và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đây chính là mục tiêu của các giải pháp, khi nền kinh tế ổn định, phát triển bền vững thì quyền lợi của quốc gia, dân tộc và toàn xã hội được thụ hưởng một cách hợp pháp.

Đang lấy ý kiến

PV: - Dư luận cho rằng, phương án CPH của VNA đang đi ngược chủ trương CPH của Chính phủ, và nếu không rõ ràng và minh bạch thì người dân có quyền lo ngại nó chính là sự chia chác lợi ích, không chỉ lợi ích trước mắt mà còn lợi ích trong tương lai. Rõ ràng điều này đang đi ngược hoàn toàn với mục tiêu và quan điểm CPH của Chính phủ. Bộ đã khẳng định không có vấn đề lợi ích trong việc chấp nhận đề xuất của VNA, vậy nhưng băn khoăn có cơ sở của dư luận phải được hiểu thế nào, thưa ông?

TT Nguyễn Hồng Trường: Như đã trao đổi tại phần trên, Phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, thực hiện đúng chiến lược, kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải cũng như mục tiêu phát triển kinh kế - xã hội của đất nước.

Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines tiếp tục là Hãng hàng không quốc gia, Nhà nước với vai trò là cổ đông lớn tiếp tục chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng quản trị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của quốc gia và toàn xã hội. Đồng thời, với vai trò là cổ đông, nhà nước sẽ được thụ hưởng các lợi ích của doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại doanh nghiệp.

PV: - Và câu hỏi cuối thưa ông, Bộ GTVT có kỳ vọng Chính phủ sẽ chấp nhận phương án CPH này, vì sao?

TT Nguyễn Hồng Trường: Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện đúng nhiệm vụ và thẩm quyền quy định trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines. Trong quá trình thẩm định, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chiến lược, kế hoạch phát triển Vietnam Airlines trong tương lai, Bộ GTVT và các Bộ có liên quan đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã gửi phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi quyết định. Căn cứ các quy định hiện hành, ý kiến tham mưu của các Bộ, đề xuất của doanh nghiệp và định hướng phát triển ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Vietnam Airlines thực hiện quy trình cổ phần hóa sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM