CPH Vietnam Airlines: Có thể đặt giả thiết "phân chia quyền lợi"!

03/07/2014 11:12 AM |

VNA đề nghị giữ lại tiền từ CPH không khác gì nhà nước đang tiếp tục đổ tiền vào doanh nghiệp thay vì mục tiêu rút tiền ra khỏi doanh nghiệp?

VNA 2 lần hưởng lợi, rủi ro nhà nước gánh?

PV:- Thưa ông, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án cổ phần hóa của VNA với rất nhiều kiến nghị xin ưu tiên, ưu đãi. Thưa ông, vì sao VNA lại tự tin đưa ra những kiến nghị đó? VNA sẽ được gì từ phương án CPH này?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Thứ nhất, đó là vì tâm lý cứ xin, được thì được, không cũng chẳng mất gì. Nó giống như một cái quyền mà không phải là trách nhiệm thì cớ gì không làm?

Thứ hai, việc này cũng xuất phát từ cơ chế xin – cho vốn dĩ đã cố hữu từ trước đến nay. Phương án CPH của VNA chính là ví dụ điển hình cho cơ chế này.

Trong phương án CPH VNA, có thể thấy rõ ý định trao đổi hay mặc cả quyền lợi, một bên đạt mục tiêu cổ phần hóa đúng lộ trình, một bên có thêm đặc quyền. Điều này cho thấy VNA đang nghĩ rằng, nếu không có sức ép VNA không cần phải CPH gấp gáp, còn nếu bị thúc ép CPH để đạt mục tiêu thì VNA phải được gì.

Vậy ai sẽ được lợi khi VNA CPH? Đầu tiên là VNA mà bản chất chính là các ông chủ tiềm năng của VNA. Nhà nước cũng là một ông chủ của VNA sau CPH, chính vì vậy nhà nước cũng có lợi. Tuy nhiên nhà nước khi đó cũng chỉ được chia 75% cái lợi đó mà thôi.

Hơn nữa, cái lợi đó của nhà nước cũng không chắc sẽ quay về ngân sách mà cuối cùng lại rơi tiếp vào VNA như chính đề xuất giữ lại tiền thu bán CPH của VNA. Tức ở đây như cái vòng luẩn quẩn mà rốt cục thì chính các cổ đông phi nhà nước là người được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo tôi không chỉ hỏi ai có lợi mà phải hỏi ai sẽ bị thiệt nếu VNA tiến hành CPH theo phương cách như vậy?

Thứ nhất, từ một doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, VNA giảm tỉ lệ vốn nhà nước còn 75%, đồng nghĩa, nhà nước đã mất đi 25%, do đó khoản 25% này phải được thu hồi về cho ngân sách. Nếu 25% này không thu về cho ngân sách thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc 25% đó sẽ rơi vào nhóm những cổ đông khác và nhà nước chính là người bị thiệt hại.

Nhà nước ở đây có bản chất là ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân. Số tiền 25% kia nếu không thu về cho ngân sách thì khác nào người dân đang trợ cấp cho các cổ đông tiềm năng của VNA? Vậy 25% cổ đông tiềm năng kia là ai, liệu có phải nhóm đặc quyền không? Câu hỏi này phải được trả lời để người dân nắm rõ.

Nói cách khác, sự phân bổ nguồn lực của nhà nước như vậy có tiềm năng là không hiệu quả, không theo nguyên tắc thị trường, mà nếu không khéo, không rõ ràng và minh bạch thì người dân có quyền lo ngại nó chính là sự chia chác lợi ích, không chỉ lợi ích trước mắt mà còn lợi ích trong tương lai. Rõ ràng điều này đang đi ngược hoàn toàn với mục tiêu và quan điểm CPH của Chính phủ.

Nếu không dứt khoát, chính sách phân bổ nguồn lực của Chính phủ sẽ rất rủi ro, tạo tâm lý ỉ lại cho các DNNN sắp cổ phần khác. Cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào một mớ bòng bong không có lối thoát trong CPH.

PV:- Liệu có thể giải thích đây chỉ là vốn vay của nhà nước và doanh nghiệp hoàn trả dưới hình thức tăng phần vốn của cổ đông nhà nước được không và tại sao? Nếu như vậy thì cơ chế vay -trả sẽ được giải thích thế nào, thưa ông?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Trước tiên phải hiểu được bản chất CPH là gì? CPH là mong muốn thay đổi được cấu trúc sở hữu và từ đó thay đổi cáchquản trị của doanh nghiệp đó. Để làm được như vậy, bắt buộc CPH phải tiến hành một cách thực chất, triệt để. Tức là, nhà nước phải giảm dần tỉ lệ nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp xuống một mức có ý nghĩa, tạo ra một cơ hội rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia vào.

Khi nhà đầu tư tư nhân được tham gia với tỷ lệ sở hữu lớn hơn thì họ sẽ có trách nhiệm hơn với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tương tự, khi nhà nước giảm sở hữu xuống thấp thì nhà đầu tư tư nhân mới thấy rằng họ sẽ có nhiều quyền hơn ở doanh nghiệp thì mới mặn mà tham gia. Còn ngược lại, “nửa nạc nửa mỡ” thì không ai muốn tham gia, hoặc tham gia cũng chỉ để đó để chờ thời, trừ khi có nhóm lợi ích nào đó được ban đặc quyền.

Tuy nhiên, VNA lại muốn nhà nước đổ thêm tiền cho họ sau CPH, điều đó rất mâu thuẫn. Không thể giải thích như kiểu VNA rằng đây chỉ là một khoản công nợ VNA vay của nhà nước, vì sẽ không có nguồn tiền nhàn rỗi nào mà nhà nước có sẵn để cho VNA đi vay, mượn cả. Chưa kể hiện nay ngân sách đang bị thâm hụt và rất cần nguồn bù đắp. Ngoài ra, tiến trình xử lý nợ xấu hiện cũng chưa biết lấy nguồn lực ở đâu cả.

VNA sau cổ phần hóa là một công ty cổ phần thì tự đi vay ngân hàng. Khi đó ngân hàng sẽ đánh giá và giám sát VNA và đây cũng chính là chức năng cơ bản của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Nếu VNA là tốt thì lo gì không vay được ngân hàng, nhưng nếu VNA rủi ro thì cớ gì nhà nước lại cho VNA vay?

Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, bản chất của CPH doanh nghiệp nhà nước hiện nay giảm dần vai trò của nhà nước trong các doanh nghiệp đó, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp mà nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Vậy nên việc VNA đề nghị tiền thu từ CPH được giữ lại khác gì nhà nước đang tiếp tục đổ tiền vào doanh nghiệp thay vì mục tiêu rút tiền ra khỏi doanh nghiệp?

Trên thực tế, nguồn lực VNA đang sử dụng hiện nay cũng là từ tiền đóng thuế của người dân, chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Với đề xuất trên, có thể hiểu, VNA đang xin ưu đãi tới hai lần.

PV: - Ông bình luận như thế nào về đề xuất được Chính phủ bảo lãnh 100% khi vay vốn mua máy bay… Nếu đề xuất này được chấp nhận, trong trường hợp rủi ro, nhà nước có tiếp tục phải bù tiền, gánh nợ cho VNA như Vinashin không, thưa ông?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Điều này là chắc chắn. Hiện nay nợ công của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Mới đây, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận trong bối cảnh nền kinh tế chưa khởi sắc, nhiều khoản nợ trái phiếu phát hành ngắn hạn trước đây đang bị dồn lại và như vậy áp lực trả nợ sẽ rất lớn trong những năm sau.

Chúng ta biết rằng, nợ chính phủ bảo lãnh đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nợ công. Kinh nghiệm cho thấy, nợ tiềm ẩn thường gây ra nhiều rủi ro lớn lên nghĩa vụ nợ của ngân sách Chính phủ. Quản lý nợ công hiện nay cần phải đặt mối quan tâm vào các nghĩa vụ nợ bảo lãnh này.

Với trường hợp của VNA, lý do gì Chính phủ lại có thể chấp nhận cấp bảo lãnh cho VNA vay vốn? Tôi không thấy có một cơ sở kinh tế nào cho thấy có thể chấp nhận những đề xuất của VNA cả.

Tôi nghĩ Chính phủ không nên chấp nhận phương án CPH này, vì như vậy VNA sẽ trở thành hình mẫu không tốt cho các DNNN đang chuẩn bị CPH khác.

Giá vé cắt cổ, VNA bắt khách trong nước gánh lỗ

PV:- Dù được tiếng là loại hình vận tải tân tiến nhất nhưng các hãng hàng không Việt Nam lại phải chật vật để tồn tại ngay trên chính sân nhà. Theo thống kê, năng lực hành khách nội địa của hàng không Việt Nam chỉ đạt 12 triệu trên 90 triệu dân, khoảng 13% - đây là tỷ lệ thấp nhất trong cơ cấu vận tải thế giới.

Ông có niềm tin rằng, với những phương án như vậy, thì chắc chắn khi cổ phẩn sẽ tạo ra động lực thúc đẩy VNA phát triển tốt hơn? Nếu không, theo ông vấn đề thật sự của VNA nằm ở đâu?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Bản chất việc kinh doanh của VNA là không có khả năng cạnh tranh quốc tế nhưng trong nước lại đang nắm độc quyền.

Trên thực tế, với hầu hết các tuyến bay quốc tế, VNA khó có thể cạnh tranh nổi với các hãng hàng không quốc tế. Chính vì vậy, để duy trì những tuyến bay này, VNA có khả năng sẽ phải chịu lỗ hoặc phải bỏ nhiều chi phí để duy trì sức chịu đựng. Nếu như vậy, để bù vào khoản lỗ này VNA sẽ có động cơ áp dụng biện pháp đẩy giá vé trong nước (nơi VNA nắm độc quyền) lên, và như vậy khách nội địa sẽ phải gánh lỗ hay chi phí cho VNA.

Như vậy, vô hình trung, khách nội địa của VNA đang phải chịu một giá vé ngất ngưởng mà thực chất là đang trợ cấp chéo cho khách quốc tế. Đây là một nghịch lý.

Vậy, tại sao VNA làm được như vậy? Là vì VNA là DNNN có vị thế độc quyền. Nếu như phương án CPH của VNA được đồng ý nghĩa là VNA tiếp tục được trợ cấp, bảo hộ và giữ vững vị thế độc quyền này.

Điều này cũng đồng nghĩa, trong tương lai, người dân Việt Nam sẽ còn tiếp tục được đi máy bay giá vé cao hơn nữa.

Tôi nghĩ rằng, dù có nhận được thêm nhiều ưu đãi hơn nữa thì VNA cũng khó có thể cạnh tranh được với các hãng hàng không quốc tế nếu vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị như hiện nay.

Tóm lại, để quyết định về phương án CPH của VNA, Chính phủ cần xác định muốn VNA sẽ là doanh nghiệp thế nào? Chính phủ muốn VNA có khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng không quốc tế hay tiếp tục củng cố tính độc quyền của VNA thông qua những cơ chế đặc quyền như VNA đề xuất?

PV: - Như ông phân tích, VNA CPH mà lại được củng cố thêm vị thế độc quyền, được bảo hộ, trợ cấp nhiều hơn. Như vậy có công bằng không? Nếu vậy, phải hiểu chủ trương CPH của Chính phủ theo VNA như thế nào, thưa ông?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Như tôi đã nói, Chính phủ phải rõ ràng mục tiêu trong CPH các DNNN. Tại sao tôi nói vậy?

Theo kế hoạch trong hai năm 2014 -2015, phải CPH xong 432 DNNN. Như vậy, vô hình đã đặt ra một thách thức rất lớn với quá trình CPH hiện nay. Tại sao chúng ta lại đặt ra một tiến trình CPH quá gấp gáp như vậy trong khi một thời gian dài trước đây chúng ta gần như không chịu làm gì? Đến khi làm thì lại làm quá gấp gáp.

Đầu tiên phải thấy rõ, khi thực hiện quá gấp gáp, vội vàng chắc chắn sẽ dẫn tới những quyết định duy ý chí, không hợp lý, nhằm mục tiêu duy nhất là đạt mục tiêu CPH đủ con số 432 DNNN. Bây giờ thử hình dung đến hết năm 2015 chúng ta đã hoàn thành xong CPH 432 DN vậy thì sau đó thì sao? Các DN sau CPH này liệu có hoạt đột tốt hơn lên hay không?

Thứ hai là sự dùng dằng trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược và tiến trình thu hồi nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Nghĩa là, chúng ta đang cố thiết kế một cấu trúc CPH đa mục tiêu nhưng kết quả thì không có một mục tiêu nào đạt được.

Cuối cùng, việc CPH có nguy cơ đang tạo ra một tình thế lưỡng thể, thiết kế quá nhiều mục tiêu mà không khéo lại trở thành đa lợi ích. Mỗi một mục tiêu lại đại diện cho một lợi ích khác nhau.

Đi vào trường hợp của VNA, Chính phủ muốn gì ở VNA sau CPH? Muốn tiếp tục duy trị vị thế độc quyền của VNA hay muốn nâng tầm năng lực và hiệu quả hoạt động của VNA? Chính phủ có muốn đặt VNA vào trong tổng thể của tái cấu trúc các DNNN nói chung hay muốn xây dựng VNA thành một đề án đặc thù riêng?.

Chỉ khi xác định được rõ mục tiêu, lúc đó mới có thể trả lời được chọn phương án nào để CPH VNA. Nếu chỉ đơn giản là nâng tầm thương hiệu của hãng hàng không quốc gia, chỉ cần bơm thêm tiền, bơm thêm đặc quyền mà không cần CPH. Tất nhiên trong trường hợp đó, sẽ không ai có thể đảm bảo VNA sẽ lớn mạnh vì VNA vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng và sẽ bị thụ động, không muốn cạnh tranh.

Thứ hai, nếu muốn VNA mạnh lên, tăng cường tính cạnh tranh thì phải đặt VNA trong môi trường cạnh tranh chứ không phải là bảo hộ cạnh tranh. Cụ thể, nhà nước phải giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần chi phối, mở cửa cho tư nhân tham gia, đảm bảo họ có đủ quyền lực tham gia điều hành và quyết định các quyết sách quan trọng nào đó của VNA. Có như vậy mới tạo được động lực để tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình CPH.

Tuy nhiên, CPH nhưng nhà nước vẫn duy ý chí, vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối, vẫn giữ nguyên “hệ điều hành cũ”, thì rõ ràng động cơ CPH ở đây phải được hiểu khác.

VNA CPH để phân chia lại quyền lợi?

PV:- Thưa ông, nhiều người nhận định, VNA đang nhận được quá nhiều ưu đãi, tương tự trường hợp của Vinalines và SBIC. Theo ông, điều này này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong cổ phần hóa các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước mà cụ thể là VNA hay không?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Tôi nghĩ việc so sánh với Vinalines hay Vinashin cũng chỉ có một phần ý nghĩa vì đặc quyền nhóm ở từng doanh nghiệp nhà nước cũng có phần đôi chút khác biệt. Vấn đề là Chính phủ nhận dạng đặc quyền nhóm đó thế nào? Chính phủ sẽ có quan điểm thế nào về vai trò chi phối của nhóm đặc quyền đó?

Tôi tin rằng, Chính phủ sẽ không dễ chấp thuận sự tồn tại của những nhóm đặc quyền đó. Bởi một trong những nguyên tắc quan trọng trong nhiệm vụ tái cấu trúc các DNNN hiện nay là: Thu hồi đặc quyền và hợp lý hóa các hình thức bảo hộ, trợ cấp.

Trong đó, hợp lý hóa các hình thức bảo hộ, trợ cấp phải dựa trên cơ sở phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế của VN và phải phù hợp với mong muốn cải cách thể chế của chúng ta.

PV: - Thưa ông, cổ phần hóa chỉ là một công cụ của tái cấu trúc nhưng tại sao tới nay, việc tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ nhắm tới mục tiêu cổ phần hóa. Điều này phải được hiểu như thế nào, thưa ông? Và nếu duy trì tình trạng như trên thì hậu quả sẽ thế nào?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Cần phải hiểu rằng, bản chất của tái cấu trúc kinh tế là phân bổ lại nguồn lực thông qua một cơ chế mới. Cái cơ chế phân bổ nguồn lực cũ đã không phù hợp nữa rồi thì phải thay cái khác.

Tuy nhiên cái khó là nó đụng chạm đến lợi ích của người này người nọ. Nếu đặt giải thiết đó, có thể giải thích được việc chậm tái cấu trúc vì những người liên quan không chắc sẽ được lợi hơn sau khi tái cấu trúc. Điều này đồng nghĩa, tái cấu trúc thì dậm chân tại chỗ, còn CPH thì phải thúc ép, buộc phải làm.

Đó chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để việc tái cấu trúc kinh tế được thực hiện thì cần phải thiết kế lại chính sách theo hướng sao cho đạt được lợi ích chung nhìn ở quan điểm lợi ích riêng cá nhân thay vì chính sách của chúng ta hiện nay là mọi người phải hy sinh cho cái chung.

Triết lý mọi người phải hy sinh cho cái chung là triết lý tốt đẹp nhưng nó chỉ có ý nghĩa kêu gọi hơn là thực tiễn và thường là thất bại. Như vậy, thay vì làm cho người khác có cảm nhận rằng tái cấu trúc sẽ lấy đi lợi ích của họ thì phải thiết kế sao cho họ thấy rằng họ sẽ được lợi ích gì hơn khi thực hiện tái cấu trúc mà không phải là rủi ro tăng thêm.

PV: Xin cảm ơng ông!

>>>Vietnam Airlines xin ưu ái Cổ phần hóa: Thành quả lớn nhất là... độc quyền!

Theo Vũ Lan

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM