Vì đâu ‘mùa cháy’ hàng năm trở thành thảm họa khủng khiếp ở Úc? Đừng chỉ đổ tội cho thiên nhiên, con người cũng là 'thủ phạm'!

07/01/2020 07:48 AM | Xã hội

Hè năm nào Úc cũng có ‘mùa cháy’ nhưng năm nay mới thành thảm họa là vì hàng loạt nguyên nhân từ tự nhiên đến con người.

Nước Úc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông Scott Morrison, Thủ tướng Úc cho biết đến nay, đã có 24 người thiệt mạng sau thảm họa trên.

Các vụ cháy rừng kinh hoàng ở quốc gia này đã hoành hành từ tháng 9 năm ngoái, thiệu rụi 6 triệu hecta đất và phá hủy hơn 1.500 ngôi nhà. Một số khu vực ở Úc đã bị mất điện cũng như liên lạc và người dân được cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra.

Chính quyền tiểu bang và liên bang đã huy động 3.000 người để kìm chế ngọn lửa nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn dù nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước khác như Mỹ, Canada.

Vì đâu ‘mùa cháy’ hàng năm trở thành thảm họa khủng khiếp ở Úc? Đừng chỉ đổ tội cho thiên nhiên, con người cũng là thủ phạm! - Ảnh 1.

Một chiếc máy bay hỗ trợ dập lửa.

Thứ khiến các vụ cháy kéo dài chính là sự tăng nhiệt độ và tình trạng hạn hán dai dẳng. Ngoài ra, người ta còn cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố khiến thảm họa cháy rừng ở Úc càng thêm nghiêm trọng trong năm nay.

Trong một cuộc họp báo trên truyền hình gần đây, ông Morrison phát biểu: "Chúng tôi đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong thời gian qua. Thảm họa này đã leo thang lên một cấp độ hoàn toàn mới".

Hàng năm, cứ đến mùa hè, nước Úc lại trải qua một mùa cháy nơi các khu rừng rất dễ bị bắt lửa và cháy lan rộng. Được biết nguyên nhân chính là do sét đánh trong những khu rừng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Các yếu tố như nhiệt độ cao hơn, độ ẩm thấp hơn trong thời gian vừa qua đã khiến mùa cháy ở Úc kéo dài và khó kiểm soát hơn trước.

3 tháng trở lại đây, nước Úc đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Một đợt nóng vào giữa tháng 12 năm ngoái đã phá vỡ kỷ lục của lịch sử nước Úc với nhiệt độ trung bình trên toàn quốc là 40,9 độ C, theo Cục khí tượng quốc gia. Cùng với nhiệt độ cao là tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Được biết mùa xuân năm ngoái ở Úc đã đạt kỷ lục khô nhất lịch sử.

Một cơ quan của chính phủ Úc cho biết con người cũng là một yếu tố góp phần vào thảm họa cháy rừng. Tháng 11 năm ngoái, chính quyền địa phương ở New South Wales đã bắt giữ một thanh niên 19 tuổi vì nghi ngờ đốt phá và cáo buộc người này cố ý đốt lửa phá hoại trong khoảng thời gian lên tới 6 tuần. Thống kê cho thấy các vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ hoạt động của con người và do sét đánh chiếm khoảng một nửa các vụ cháy hàng năm ở Úc.

Bên cạnh đó, Úc cũng là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất tính theo đầu người trên thế giới. Thủ tướng Morrison từng bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích vì chính sách liên quan đến khí hậu của chính phủ. Một số chuyên gia cho rằng đó cũng là yếu tố góp phần vào một trong những mùa cháy rừng tồi tệ nhất của Úc năm 2009, khi các vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của 173 người ở tiểu bang Victoria.

Vì đâu ‘mùa cháy’ hàng năm trở thành thảm họa khủng khiếp ở Úc? Đừng chỉ đổ tội cho thiên nhiên, con người cũng là thủ phạm! - Ảnh 2.

Hình ảnh một vụ cháy ở Victoria năm 2009.

Thứ 5 tuần trước, New South Wales, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa vừa qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp về nguy cơ cháy rừng. Tháng 11 năm ngoái, 22 cựu giám đốc, bao gồm cựu ủy viên của Sở Cứu hỏa và Cứu hộ của New South Wales đã gửi thư cho Thủ tướng Morrison để cảnh báo về tác động khủng khiếp của khủng hoảng khí hậu ở Úc và yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Để đáp lại, ông Morrison cam kết giảm lượng khí thải carbon để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu nói chung và cháy rừng nói riêng.

Carol Sparks, thị trưởng của thị trấn Glen Innes, người đã tự mình sơ tán để tránh đám cháy cuối tuần qua, đã lên tiếng chỉ trích các chính trị gia liên bang vì không nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa thảm họa cháy rừng với khủng hoảng khí hậu.

Bà chia sẻ: "Đó là do biến đổi khí hậu, không còn nghi ngờ gì nữa! Toàn bộ nước Úc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta cần có cái nhìn nghiêm túc về tương lai của mình".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM