“Venezuela hiện tại là một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào”
Tổ chức IMF dự đoán lạm phát tại Venezuela sẽ tăng 700% trong năm nay trước khi đạt mức kỷ lục 2.200% vào năm 2017.
Theo hãng tin CNBC, chính phủ Venezuela đang trên bờ vực đổ vỡ và các nhà lãnh đạo của nước này đang phải vật lộn để giữ sự ổn định của đất nước.
Tình trạng giá dầu thô giảm mạnh, lạm phát tăng phi mã và đồng nội tệ mất giá đã khiến quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ này không có nhiều sự lựa chọn để có thể thoát khỏi tình hình biến động cả về chính trị lẫn xã hội hiện nay.
Những nhà chính trị đối lập mới đây đã phản đối quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tháng của Tổng thống Nicolás Maduro khi nhà lãnh đạo này tuyên bố tình trạng bất ổn của đất nước hiện nay là âm mưu của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Venezuela.
Hiện nay, nền kinh tế Venezuela đang rơi tự do, nhiều người dân đói bụng đã phải đi ăn trộm hay cướp các siêu thị, nguồn điện và nước đều đang thiếu hụt và các bệnh viện không đủ điều kiện chăm sóc cho những đứa trẻ sơ sinh chào đời.
Dự đoán tăng trưởng kinh tế của Venezuela theo IMF. Kinh tế Venezuela đang tụt dốc không phanh.
Tình hình bất ổn tại Venezuela đã bắt đầu trong vài năm trở lại đây, nhưng dấu hiệu khủng hoảng chỉ thực sự trầm trọng trong những tuần gần đây khi hàng loạt các vụ trộm cắp, cướp giật lương thực, quần áo diễn ra do thiếu hụt nhu yếu phẩm.
Trong tuần trước, quân đội đã phải bắn hơi cay giải tán đoàn người biểu tình đòi Tổng thống Maduro từ chức.
Trước những lời chỉ trích, Tổng thống Maduro cho biết ông sẽ tiếp tục đương nhiệm cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2019 và cho rằng các đối thủ chính trị đang thực hiện những âm mưu nhằm lật đổ chính quyền hiện tại.
Trong buổi phóng vấn mới đây với hãng tin Reuters, Phó Tổng thống Miguel Perez nói rằng nước này đang chuẩn bị để trả các khoản nợ đáo hạn thời gian tới nhằm trấn an các nhà đầu tư. Hiện Venezuela đã vay 50 tỷ USD từ Trung Quốc để có thời gian tìm biện pháp giải quyết khi kinh tế nước này đang chịu tổn thương nặng từ giá dầu.
Tỷ giá đồng Bolivar so với đồng USD theo ngân hàng nhà nước (lam) và theo giá chợ đen (cam).
Ông Perez cũng cho biết nước này đang có kế hoạch hạn chế nhập khẩu để tiết kiệm ngoại tệ và dự đoán kinh tế Venezuela sẽ còn suy giảm cho đến cuối năm 2017.
Mặc dù giá dầu thời gian gần đây đã tăng nhẹ, nhưng kể cả khi giá dầu hồi phục thì Venezuela vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể bình ổn chính trị và xã hội trong nước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế nước này sẽ suy giảm 8% trong năm nay và 4% năm 2017.
Trong khi đó, đồng tiền mất giá đã khiến tỷ lệ lạm phát tại Venezuela tăng phi mã. Tổ chức IMF dự đoán lạm phát tại Venezuela sẽ tăng 700% trong năm nay trước khi đạt mức kỷ lục 2.200% vào năm 2017.
Lạm phát tại Venezuela dự kiến sẽ đạt 2.200% vào năm 2017.
Tổng thống Maduro hiện đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng tăng khi mức lương cho các nhân viên chính phủ và dịch vụ công đang bị cắt giảm. Nguồn điện hiện nay trên toàn quốc chỉ được cung cấp theo thời gian nhất định, tình trạng tội phạm gia tăng, các nguồn cung nhu yếu phẩm như nước sạch và y tế đều thiếu.
Trong cuộc bầu cử tháng 12/2015, sự bất bình của người dân đã khiến cử tri bầu các chính trị gia đối lập và giúp họ kiểm soát Nghị viện. Tuy nhiên việc tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống Maduro đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ.
Sự bết tắc trong việc tìm kiếm giải pháp và tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm đã khiến nhiều cuộc biểu tình cũng như bắt bớ diễn ra trong thời gian gần đây. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức.
Chính trị gia đã hai lần tham dự bầu cử Tổng thống, ông Henrique Capriles nói với hãng tin Reuters rằng nếu tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn thì có thể điều tồi tệ nhất cũng sẽ xảy ra ở Venezuela.
“Venezuela hiện tại là một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào”, ông Capriles nói.