Vé tàu đắt đỏ, cha mẹ 'nhanh trí' gửi con qua đường bưu điện, chỉ tốn vài chục xu, 'bưu kiện' đến nơi không sứt mẻ chút nào

26/10/2021 09:43 AM | Xã hội

Một cô bé 6 tuổi từng được bố mẹ gửi đến nhà ông bà cách đó hơn 110 km với chi phí mua tem chỉ 53 xu.

Vào tháng 1/1913, một cặp vợ chồng ở Ohio (Mỹ), đã tận dụng dịch vụ giao bưu kiện mới của Bưu điện Mỹ để gửi "món hàng" vô cùng đặc biệt: cậu con trai sơ sinh của họ!

Vợ chồng nhà Beague mua tem với giá 15 xu và trả một khoản tiền không xác định để "đảm bảo" cho "món hàng". Nếu cậu bé gặp bất trắc, họ sẽ nhận được 50 USD tiền bảo hiểm. Sau đó, họ giao con trai cho người đưa thư. Người này thả cậu bé xuống nhà bà ngoại ở cách đó khoảng 1,6 km, kết thúc chuyến hàng đặc biệt.

Khi các bưu điện ở Mỹ bắt đầu nhận chuyển bưu kiện nặng hơn 1,8 kg vào ngày 1/1/1913. Mọi người ngay lập tức gửi đi rất nhiều thứ như trứng gà, gạch, rắn và nhiều món hàng kỳ cục khác. Tuy nhiên, có lẽ "mặt hàng" độc đáo vẫn là một đứa trẻ bởi không có quy định chính thống nào cấm điều đó. Chỉ là bưu điện Mỹ không ngờ rằng người dân sẽ làm như vậy. Do bưu phí rẻ hơn vé tàu, một số bậc phụ huynh đã "tranh thủ" cách này để tiết kiệm chi phí di chuyển.

Nancy Pope, người phụ trách lịch sử tại Bảo tàng Bưu chính Quốc gia Mỹ cho biết: "Những năm đầu tiên của dịch vụ bưu kiện khá lộn xộn. Từ năm 1913 đến năm 1915, có 7 đứa trẻ được gửi qua đường bưu điện, bắt đầu từ em bé nhà Beague. Các ‘bưu kiện’ đặc biệt này tất nhiên không được gói bằng giấy hay túi chống sốc mà được bưu tá địu trên người, bế, hoặc đèo phía sau xe nếu là chuyến đi ngắn".

Ngoài ra, những người gửi con qua đường bưu điện không giao chúng cho người lạ. Ở nhiều vùng, các gia đình đều biết rõ người đưa thư. Theo Pope, em bé nổi tiếng nhất được gửi qua đường bưu điện là May Pierstorff. Cô bé 6 tuổi được bố mẹ gửi đến nhà ông bà cách đó hơn 110 km vào tháng 2/1914. Họ đã trả tổng cộng 53 xu cho những con tem dán lên áo khoác của May. Nhân viên bưu điện đi cùng cô bé là một người họ hàng của em.

Vé tàu đắt đỏ, cha mẹ nhanh trí gửi con qua đường bưu điện, chỉ tốn vài chục xu, bưu kiện đến nơi không sứt mẻ chút nào - Ảnh 1.

Pope cho biết Bảo tàng Bưu chính Quốc gia Mỹ có ảnh của May nhưng không lưu lại vật dụng nào từ chuyến đi đặc biệt đó. "Chúng tôi rất muốn có chiếc áo khoác dán tem mà cô bé đã mặc", bà nói.

Sau khi biết về chuyến đi của May, quy định chấm dứt hoạt động "chuyển phát người" đã được đưa ra. Tuy nhiên, nó không ngăn được mọi người dừng gửi con qua đường bưu điện.

1 năm sau, một phụ nữ đã gửi con gái 6 tuổi từ Florida đến nhà cha của mình ở Virginia bằng 15 xu tiền mua tem. Tháng 8 năm đó, Maud Smith (3 tuổi) đã trở thành đứa trẻ cuối cùng được gửi đi bằng đường bưu điện. Ông bà đã gửi Maud trong hành trình dài 64 km để thăm người mẹ bị bệnh của bé ở Cincinnati.

Khi báo đài đưa tin về trường hợp này, giám đốc dịch vụ thư tín đường sắt của Cincinnati đã mở một cuộc điều tra đối với người quản lý bưu điện đã cho cô bé lên tàu theo hình thức đó.

Sau vụ việc này, vẫn có một số phụ huynh tiếp tục cố gắng gửi con bằng cách này nhưng thất bại. Kể từ đó, hình thức "chuyển phát người" chính thức chấm dứt tại Mỹ.

Một câu chuyện chuyển phát khác nổi tiếng không kém là một ngân hàng ở Vernal (bang Utah, Mỹ). Một ngân hàng hai tầng bằng gạch đã được… gửi qua đường bưu điện từ thành phố Salt Lake. Đó thực ra chỉ là cách nói ví von, đùa vui của mọi người. Thực tế là Coltharp - người phụ trách xây dựng tòa nhà làm văn phòng cho ngân hàng đã gửi gạch số lượng lớn qua bưu điện đến Vernal.

Vé tàu đắt đỏ, cha mẹ nhanh trí gửi con qua đường bưu điện, chỉ tốn vài chục xu, bưu kiện đến nơi không sứt mẻ chút nào - Ảnh 2.

Lý do của pha xử lý có phần "cồng kềnh" này rất đơn giản: Tiết kiệm chi phí! Công ty sản xuất gạch mà Coltharp đặt hàng cách nơi xây tòa nhà hơn 100 km. Chi phí chở gạch bằng xe cao gấp 4 lần giá mua gạch trong khi giá vận chuyển qua bưu điện chỉ bằng một nửa con số đó. Vì vậy, Coltharp đã nghĩ ra cách xếp các viên gạch thành những bưu kiện nặng 22 kg và gửi theo đường bưu điện.

Ước tính, có tới 80.000 viên gạch đã được vận chuyển thành công và dùng để xây dựng phần bên ngoài của tòa nhà. Ước tính, số gạch này lên tới hàng chục tấn. Tất cả những viên gạch đều còn nguyên vẹn, không bị vỡ nứt khi đến nơi. Tòa nhà đặc biệt này hiện là một chi nhánh của Ngân hàng Zions.

Nguồn: History

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM