Độc đáo trào lưu ‘tăng xin giảm mua’: Cho nước bẩn, bánh ăn dở vẫn ùn ùn người xin, miễn là không phải tiêu tiền, thứ gì cũng có giá trị
Tất cả các món đồ đều có giá trị như nhau, không được phép mua bán bởi chúng được coi như một "món quà".
Vài tháng trước, David Stahl (Mỹ) đăng thông báo cho đi một ít nước dưa chua còn sót lại trong nhà trên nhóm Facebook địa phương mang tên "Buy Nothing" (Tạm dịch: Không mua gì cả). Ban đầu, anh nghĩ rằng việc này không khả thi vì hiếm ai cần nước dưa chua đã qua sử dụng.
Thế nhưng hóa ra trong nhóm này, mọi người sẵn sàng cho và nhận bất cứ thứ gì. Một người đã nhắn tin xin nước dưa chua của David. Một tuần sau, anh nhận được một lọ dầu olive của hàng xóm cũng qua cách này.
"Buy Nothing" là mạng lưới các nhóm trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook), nơi mọi người cho và nhận mọi thứ như những món quà được trân trọng. Các thành viên cũng được khuyến khích cho mượn vật dụng mà ai đó có thể cần trong vài giờ.
Đến nay, đã có 6.700 nhóm "Buy Nothing" trên Facebook tại 44 nước trên thế giới và tạo ra xu hướng không mua gì, tận dụng tối đa mọi thứ được trao đổi qua mạng. Vài tuần tới, ứng dụng cùng tên sẽ được phát hành.
Cho đi những thứ mà mình không cần nữa không phải trào lưu mới. Các tổ chức từ thiện như Salvation Army và Goodwill cũng hoạt động dựa trên hình thức này.
Tuy nhiên, "Buy Nothing" giúp người tham gia có cơ hội gặp gỡ và làm quen bạn bè mới trong khu vực. Các thành viên chỉ được phép tham gia một nhóm ở nơi sinh sống.
Liesl B. Clark, một trong những người sáng lập của "Buy Nothing", cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều thứ được trao đổi trong các nhóm địa phương. Theo ngôn ngữ của ‘Buy Nothing’, mọi thứ chúng ta sở hữu đều có giá trị nếu bạn tìm được người cần nó. Nếu tái sử dụng, tân trang và sửa chữa, sẽ không có gì bị bỏ đi".
Dù vậy, "Buy Nothing" không khuyến khích việc ai đến trước nhận trước. Tất cả các món đồ đều có giá trị như nhau, không được phép mua bán bởi chúng được coi như một "món quà". Người tặng lựa chọn dựa trên lý do mà người nhận đưa ra để thuyết phục thay vì là người phản hồi nhanh nhất. Ví dụ, chủ sở hữu có thể yêu cầu kể một câu chuyện cười hoặc tìm ra người nhận dựa trên con số được chọn. Luật này đôi khi khiến một số người không thoải mái.
"Nhóm này là lý do duy nhất khiến tôi còn dùng Facebook. Không còn nơi gặp gỡ cộng đồng nào nữa ngoài ‘Buy Nothing’. Một thành viên trong nhóm của tôi thậm chí còn tặng một chiếc bánh sinh nhật ăn dở và người nhận vẫn rất vui vẻ", Stahl chia sẻ.
Những thứ được tặng trong nhóm rất đa dạng: đồ nội thất, quần áo, đồ dùng trẻ em, mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã qua sử dụng. Ở Thung lũng Silicon, một thành viên trong nhóm thậm chí đã cho đi một tác phẩm nghệ thuật dường như được mua với giá 10.000 USD, trong khi ở khu Germantown của Philadelphia, các thành viên chia sẻ những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm đóng hộp, pho mát, sữa và đồ dùng y tế.
"Buy Nothing" đòi hỏi người tham gia kiên nhẫn trước khi nhận được món đồ của người khác. "Tôi phải chờ một thời gian khá lâu cho một thứ gì đó. Điều đó khiến tôi mất kiên nhẫn một chút. Hơn nữa, bạn chỉ có 1 món đồ mà có tới 10 người muốn nó. Làm sao để từ chối những người còn lại. Ngoài ra, đôi khi, một số người nhận không đến nơi lấy đồ hoặc hai bên không sắp xếp được thời gian phù hợp", bà Janis Gross (60 tuổi) đến từ New York, chia sẻ.
Tuy nhiên, nhìn chung, hình thức này vẫn giúp mọi người cho đi đồ không cần dùng nữa và nhận những thứ mình cần. Lightman, một nhân viên trong ngành quảng cáo, cho biết cô từng tặng một chiếc bánh taco cá mà mình đặt hàng nhưng không ăn và thậm chí là nước bẩn từ bể cá. Chồng cô cho rằng sẽ chẳng ai cần thứ nước đó nhưng hóa ra vẫn có người liên hệ với cô. Hóa ra, đây lại là một loại "phân bón" tuyệt vời.