Vay nợ ngân hàng: Nông dân trên tài đại gia!
Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở mức thấp "đáng mơ ước" đối với mọi ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu “trong mơ”
Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tính đến 31/12/2015 tính chung toàn hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 1,54%, riêng đối với nông dân vay trực tiếp tại Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân, nợ xấu chỉ ở mức 0,32%, một con số rất lý tưởng.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/09/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp nông thôn đã đạt 925 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả dư nợ của ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính vi mô khác, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là khoảng 1.150.000 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của cả nước.
Ông Tú cũng khẳng định, ngoài việc áp dụng lãi suất phổ biến ở mức 6-8%, hệ thống các tổ chức tín dụng đang áp dụng nhiều chương trình tín dụng đặc thù với lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đại diện của Công ty Cà phê Minh Tiến (tỉnh Sơn La), ngành ngân hàng đã có những đột phá lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây trong việc thực hiện các thủ tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống doanh nghiệp để xem xét tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, với mục tiêu doanh nghiệp tiếp cận với đồng vốn nhanh nhất.
Ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội – cho biết, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng, Công ty Ba Huân đã không dám mạnh dạn tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng cần có những ưu đãi hơn nữa cho những doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sạch, bởi lĩnh vực đầu tư này đòi hỏi chi phí lớn hơn rất nhiều so với lĩnh vực đầu tư thông thường.
Cần một hành lang pháp lý đầy đủ
Mặc dù đã có sự bứt phá về tín dụng trong khoảng 5 năm gần đây, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chưa thực sự xứng đáng với đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế. Cụ thể, trong khi lĩnh vực này đóng góp khoảng 15% GDP, nhưng phần vốn của ngân sách nhà nước đang phân bổ cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo ông Trần Văn Tần - Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng trong nông nghiệp còn gặp phải một số khó khăn, trong đó có việc thiếu thị trường giao dịch và cơ sở pháp lý để xác định giá trị các tài sản theo quy định bao gồm giá trị đất nông nghiệp và tài sản trên đất.
“Chẳng hạn, để có một ao nuôi cá tra, doanh nghiệp phải đầu tư một số tiền rất lớn, nhưng rất khó để thế chấp vay ngân hàng vì không thể đối chiếu với quy định cụ thể nào, không có cơ sở pháp lý để đánh giá trị làm tài sản đảm bảo,” ông Trần Văn Tần nói.
Việc thiếu cơ sở pháp lý để đánh giá giá trị tài sản được xem là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp và người nông dân. Theo bà Trịnh Thị Lý, nông dân sản xuất giỏi thuộc xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trước đây gia đình bà mở trang trại chăn nuôi lợn chỉ được tiếp cận từ 50-100 triệu đồng từ ngân hàng, nhưng đến năm 2007 đã có thể vay đến 500 triệu đồng, và tháng 9 vừa qua mở rộng diện tích khu trang trại lên đến 7ha và gia đình bà Lý đã có thể vay ngân hàng đến 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Lý và nhiều hộ nông dân khác vẫn băn khoăn về việc họ không thể vay tín chấp.
“Chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng có điều băn khoăn là ngân hàng nên tạo điều kiện cho các hộ vay tín chấp. Để vay 2,5 tỷ đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng tôi đã phải thế chấp 6 bìa đỏ, trong đó có 5 bìa đỏ có tài sản gắn liền trên đất, ít nhất là nhà 2 tầng kiên cố, tổng diện tích đất là hơn 4.200m2,, bà Trịnh Thị Lý nói.
Chia sẻ của doanh nghiệp và người nông dân, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước – cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc định giá và tài sản thế chấp là từ đất nông nghiệp đầu tư các trang trại chăn nuôi, tài sản xây trên đất nông nghiệp rất khó định giá, ngân hàng có đồng ý thì cơ quan công chứng cũng không xác nhận vì không có đủ cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu chỉ nhìn vào điều kiện thế chấp của người nông dân để đi tìm hướng giải quyết khó khăn trong tiếp cận tín dụng là bất hợp lý. Chúng ta không thể và cũng không có quyền đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải hạ chuẩn cho vay với nông dân, mà tổ chức tín dụng chỉ có thể điều chỉnh thời gian cho vay theo chu kỳ phát triển nông nghiệp và quy định lãi suất vay theo tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực thực tế của tổ chức tín dụng.
“Cần làm rõ điều này để tránh hiểu sai rằng NHNN phải hỗ trợ nông dân vay. Muốn giải quyết được vấn đề tín dụng cho nông dân, cần tập thể hóa trong nông nghiệp, đó là trách nhiệm của Hội Nông dân và chính quyền,” ông Nguyễn Đức Kiên nói. “Chúng ta cần xác định rằng thực hiện công nghiệp hóa nông thôn là đem tư duy công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, chứ không phải cứ mang máy móc vào sản xuất. Chúng ta cần đem quan hệ sản xuất, tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp như vậy mới bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng với người nông dân, mới có tiếng nói bình đẳng, để làm đối trọng với thực thể nhà đầu tư ngân hàng”.