Ngân hàng bao giờ hết khó?

29/10/2016 16:50 PM | Kinh doanh

Nhiều ngân hàng đang báo cáo kết quả kinh doanh quý III, theo đó vẫn duy trì tăng trưởng huy động vốn và tín dụng, cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, hoạt động của ngành ngân hàng được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, khi nợ xấu, trích lập dự phòng và tăng vốn vẫn chưa được giải quyết.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đến tháng 9/2016 khoảng 2,62%/tổng dư nợ, nhưng nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang công ty VAMC thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 4,8%. Tuy nhiên, nếu bao gồm luôn cả các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu lớn hơn rất nhiều.

Trong 313.742 tỷ đồng nợ xấu đã được các tổ chức tín dụng tự xử lý thì không biết đã có bao nhiêu % là từ tái cấu trúc các khoản vay. Nhưng với dư nợ trung và dài hạn tại các ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua thì không khó để thấy rằng nợ đã cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng đã tăng đáng kể và vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nợ xấu xử lý đã chậm mà còn tiếp tục tăng lên trong năm nay tại nhiều ngân hàng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng như báo cáo quý III/2016 của các ngân hàng, thì tỷ lệ nợ xấu dù vẫn duy trì dưới 3% nhưng chủ yếu do quy mô dư nợ tăng lên, còn số nợ xấu tuyệt đối thực tế vẫn tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn.

Lợi nhuận bị ảnh hưởng

Với nợ xấu phát sinh thêm, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng cụ thể cho khoản vay ngoài việc trích lập dự phòng cho các trái phiếu đặc biệt của VAMC theo định kỳ hằng năm.

Với số dư nợ bán cho VAMC lớn trong thời gian qua, dẫn đến các ngân hàng phải trích lập số dư dự phòng khá lớn và có thể dẫn đến lợi nhuận bị âm tại một số ngân hàng, do đó NHNN phải ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được giãn thời gian trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt lên 10 năm nhằm hỗ trợ kinh doanh, tránh rơi vào trường hợp lỗ do phải trích lập dự phòng.

Đơn cử như trường hợp của BIDV, với số dư trái phiếu đặc biệt đang nắm giữ hơn 20.500 tỷ đồng, theo quy định trích mỗi năm là 20% thì hằng năm ngân hàng phải trích dự phòng hơn 4.000 tỷ đồng cho khoản trái phiếu này, chưa kể phần phải trích cho các khoản nợ xấu mới chuyển nhóm cũng như phát sinh thêm.

Như vậy, việc trích lập dự phòng là một áp lực rất lớn đối với các tổ chức tín dụng trong thời gian tới và ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận của các ngân hàng.

Với định hướng của NHNN thể hiện xuyên suốt trong thời gian qua là giảm dần lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế thì các ngân hàng khó có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận. Từ đầu năm nay đến nay các tổ chức tín dụng cũng đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN, đợt 1 vào tháng 4 - 5/2016 và đợt 2 là giữa tháng 10 vừa qua, sau khi các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động.

Tăng vốn ì ạch

Các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong lộ trình tăng vốn điều lệ. Trong số 17 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2016 thì chỉ có 2 ngân hàng hoàn thành kế hoạch này. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cổ phiếu ngành ngân hàng cũng giảm sức hấp dẫn so với giai đoạn trước đây, gây khó cho lộ trình tăng vốn.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải chi trả cố tức theo yêu cầu của cổ đông khiến phần lợi nhuận giữ lại cho mục đích tăng vốn trong giai đoạn tới càng thêm khó khăn. Cụ thể như BIDV vừa qua đã phải thông qua quyết định chi trả cổ tức 8,5% bằng tiền mặt cho cổ đông theo yêu cầu của Bộ Tài chính, sau một thời gian tranh cãi quyết liệt.

Việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn dễ dàng như thời gian trước đây. Ngoài vấn đề room bị hạn chế, giới đầu tư nước ngoài cũng không thực sự quan tâm các cơ hội đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam.

Gần đây Vietcombank dù công bố đã có những thỏa thuận ghi nhớ bán 7,73% cổ phần cho Quỹ GIC của Singapore nhưng kế hoạch tăng vốn của ngân hàng này vẫn phải chờ phê duyệt và có thể không thành nếu thời gian chờ phê duyệt quá lâu làm nản lòng đối tác.

Với vốn tăng chậm, các ngân hàng sẽ gặp nhiều áp lực để đáp ứng tiêu chí theo chuẩn mực Basel II, dự kiến thí điểm vào tháng 2/2017. Nếu không tăng được vốn, hệ số CAR ở mức thấp thì các ngân hàng cũng khó có thể mở rộng kinh doanh và tăng trưởng tín dụng. Điều này lại càng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Hiện tại có khá nhiều quy định giới hạn hoạt động của tổ chức tín dụng liên quan đến vốn, như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 9%, giới hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có và một nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng, giới hạn tỷ lệ góp vốn mua cổ phần không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng.

Việc mở rộng mạng lưới, đầu tư vào tài sản cố định cũng phải đáp ứng được yêu cầu về vốn. Do đó, nếu không thể tăng vốn thì hoạt động của ngân hàng sẽ bị hạn chế và làm giảm năng lực cạnh tranh, nhất là trong thời điểm hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Theo ANH LÊ

Cùng chuyên mục
XEM