Vào Việt Nam chưa đầy 3 năm, công ty sở hữu thương hiệu Zara đã kiếm doanh thu ngang ngửa toàn bộ mảng thời trang thuộc tập đoàn của "Vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn
Mức doanh thu này đến từ chỉ 2 cửa hàng Zara và vài ba cửa hàng "anh em" Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti.
Zara vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Inditex, một trong những tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha. Tại Việt Nam, Zara Việt Nam thuộc chuỗi nhượng quyền của Mitra Adiperkasa (Indonesia) tại Việt Nam. Các cửa hàng Zara tại Việt Nam lại do đối tác của Inditex tại Indonesia là Mitra Adiperkasa (MAP) vận hành. Bên cạnh công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh Zara, MAP đồng thời lập 3 pháp nhân khác để kinh doanh các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.
Tăng trưởng ngoạn mục
Cách đây gần 3 năm, ngày 8/9/2016, Zara - thương hiệu thời trang nhanh đến từ Tây Ban Nha chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam sau nhiều thông báo đánh tiếng từ trước.
Với diện tích 2.400 m2, cửa hàng đầu tiên của Zara trải rộng ở hai tầng trong không gian sang trọng của TTTM Vincom Center Đồng Khởi, Q.1, một trong những trung tâm mua sắm sầm uất đắc địa nhất TPHCM. Với mặt tiền sáng choang từ các cửa sổ lớn bọc khung lưới kim loại, Zara thu hút mạnh mẽ sự chú ý của người dân Sài thành và ghi nhận doanh số lên tới 5,5 tỷ đồng ngay trong ngày ra mắt đầu tiên.
"Sự kiện ra mắt của Zara tại TPHCM hoàn toàn vượt ngoài mong đợi của chúng tôi", Trưởng bộ phận truyền thông của nhãn hàng Zara tại Việt Nam từng tự hào trước báo giới.
Kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng, Zara Việt Nam ghi nhận doanh thu 321 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bình quân ngày 2,8 tỷ đồng và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỷ đồng, theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC). Đây là điều hiếm thấy bởi không nhiều các thương hiệu bán lẻ quốc tế thu được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh.
Sau màn ra mắt cực kỳ thành công tại TP.HCM, hơn 1 năm sau, vào ngày 9/11/2017, Zara chính thức "Bắc tiến" ra Hà Nội.
Cửa hàng Zara tại Hà Nội trong ngày khai trương.
Cửa hàng thứ hai của Zara ở Việt Nam tọa lạc bên trong TTTM Vincom Center Bà Triệu, quy mô gần gấp đôi cửa hàng tại TPHCM với 4.500 m2 sàn, 31 phòng thử đồ cho nữ và 17 phòng cho nam, trải trên 3 tầng lầu cùng hệ thống thang máy dành riêng cho khách mua hàng, đây được nhận định là một trong những cửa hàng Zara lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Dù khai trương vào giữa tuần và trời mưa lạnh, cửa hàng Zara tại Hà Nội vẫn kẹt cứng khách hàng đến tham quan mua sắm.
Cũng trong năm 2017, công ty mẹ của Zara mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trong tháng 9. Cho tới hiện tại, thương hiệu Zara vẫn chỉ có 2 cửa hàng tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM. Dù vậy, kết quả kinh doanh thu về tại thị trường Việt Nam vẫn cực kỳ ấn tượng.
Năm 2017, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng - theo số liệu do tập đoàn này công bố.
Năm 2018, theo báo cáo của Mitra Adiperkasa, doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó riêng thương hiệu Zara tăng trưởng gấp rưỡi lên gần 1.700 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bình quân ngày khoảng 4,6 tỷ đồng.
Với kết quả đó, doanh thu của Mitra Adiperkasa Việt Nam đã gần tương đương với đế chế hàng hiệu IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bỏ xa các tập đoàn bán lẻ thời trang và hàng xa xỉ lớn khác như Tam Sơn Fashion (Hermes, Bottega Veneta, Boss...) của OpenAsia Group hay MaiSon International Retail (Mango, Topshop Topman, Charles & Keith...).
Thậm chí so sánh với đối thủ trực tiếp là H&M - gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017, với số lượng cửa hàng nhiều hơn hẳn (7 cửa hàng), doanh thu và lợi nhuận của Zara đều cao hơn vượt trội. Nhìn lại các thương hiệu thời trang trong nước, các con số tương ứng trở nên quá nhỏ để đặt lên so sánh.
Sáng tạo liên tục, không marketing, coi trọng trải nghiệm khách hàng
Trên thực tế, trước Zara, các thương hiệu thời trang quốc tế ở Việt Nam không thiếu, cao cấp có Gucci, Dior, Versace… hay trung cấp có Mango, GAP… Nhưng chỉ đến khi Zara xuất hiện, và sau đó là H&M, xuất hiện một cơn sốt hiếm thấy trong thị trường thời trang Việt Nam. Điều gì ở các thương hiệu này lại khiến khách hàng Việt yêu thích đến vậy?
Một trong những lý do khiến Zara hay H&M trở nên rất phổ biến bởi đây là thương hiệu thời trang quốc tế có mức giá tầm trung. Trước đó, để sở hữu được một món đồ Zara, khách hàng Việt luôn phải tìm nhiều cách như order (đặt mua) thông qua trung gian từ web Tây Ban Nha, nhờ người thân ở nước ngoài mua hộ hay thậm chí sang các quốc gia lân cận Thái Lan và Singapore để mua sắm. Có mặt tại thị trường Việt Nam, Zara đã đánh trúng tâm lý của người trẻ thành thị, đó là yêu thích sản phẩm thời trang thương hiệu quốc tế, với mức giá dao động từ 300 ngàn - 2 triệu đồng, có thể coi là "dễ chịu" với thu nhập của tầng lớp trung lưu người thành thị.
Điểm mạnh thứ hai của Zara chính là tốc độ quay vòng sản phẩm hay tốc độ sáng tạo sản phẩm rất nhanh, khiến sản phẩm của hãng này luôn rất "trending" (bắt nhanh xu hướng thời trang). Khách hàng khi tìm đến Zara luôn có tâm lý sẽ được trải nghiệm những xu hướng mới nhất, bộ sưu tập mới nhất với những thiết kế mới nhất. Zara liên tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thông tin của họ sẽ là chìa khóa cho các thiết kế tiếp theo, điều mà đại diện Zara gọi mô hình của mình là ‘thời trang đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng’.
Trong khi những thương hiệu của đối thủ ra đời 2.000-4.000 mẫu/năm, Zara trình làng mới khoảng 11.000 mẫu/năm.
Để làm được điều đó, công ty mẹ của Zara chủ trương tự thực hiện từ thiết kế, sản xuất đến phân phối để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Hơn 50% sản phẩm của Zara được sản xuất ở nhà máy tại La Coruna, Tây Ban Nha, giúp tốc độ đẩy hàng đến điểm bán sẽ sớm hơn và vì thế đồng nghĩa với lợi nhuận mang về nhanh, nhiều hơn, rút ngắn vòng quay sản phẩm. Nhờ vậy, tốc độ sáng tạo sản phẩm mới của Zara luôn dẫn đầu. Trong khi những thương hiệu của đối thủ ra đời 2.000-4.000 mẫu/năm, Zara trình làng mới khoảng 11.000 mẫu/năm. 2-3 tuần là thời gian để một thiết kế mới của Zara được lên mẫu và sẵn sàng để bán, so với tốc độ trung bình 6 tháng của ngành công nghiệp thời trang.
Không chủ trương chi tiền cho quảng cáo, Zara sử dụng ngân sách này để mở cửa hàng ở những vị trí đắc địa hoặc gần những thương hiệu cao cấp để khẳng định tên tuổi và đem đến “cảm giác thượng lưu” cho khách hàng khi mua sắm tại những mặt bằng đẹp, lớn nhất ở những trung tâm mua sắm xa xỉ nhất. Tại Việt Nam, điều này càng thể hiện rõ qua vị trí đắc địa và quy mô khổng lồ của 2 cửa hàng Zara tại 2 TTTM Vincom Center.
Về thiết kế nội thất, Zara kiên định với mô hình thiết kế nêu bật sự tương tác trực tiếp với người mua, thông qua cách trưng bày sản phẩm trong một không gian thoáng đãng và bắt mắt. Bề mặt trần được phủ sơn trắng với hệ thống chiếu sáng giải phóng mọi giới hạn của không gian bên trong cửa hàng. Hình ảnh thương hiệu mới của Zara nhắm đến việc làm nổi bật các bộ sưu tập thời trang bằng cách tối giản mọi chi tiết trang trí và sắp đặt vật dụng. Không gian mời gọi các tín đồ đến tận hưởng những trải nghiệm chưa từng có về cảm giác, xúc giác, thị giác qua các mặt hàng mới nhất tại đây.
Về ứng dụng công nghệ, tại các cửa hàng ở Việt Nam, công nghệ mới nhất của tập đoàn mẹ Inditex cũng được áp dụng triệt để, gồm công nghệ nhận dạng bằng tần sóng vô tuyến (Radio Frequency Indentification Technology – RFID) giúp theo dõi vị trí của sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của Zara hay H&M tại Việt Nam đang là "hồi còi báo động" cho ngành công nghiệp thời trang trong nước, thậm chí sẽ đem đến những thay đổi mạnh trong cục diện ngành thời trang vốn đã không nằm trong tay doanh nghiệp nội từ trước đến nay.