[Văn hóa doanh nghiệp] Không những lo cơm ăn, áo mặc, doanh nghiệp niêm yết này đã lo luôn cả chỗ trú thân và hàng nghìn nhân viên kiên trì theo họ dù hoạt động kinh doanh đang xuống dốc
Đạm Phú Mỹ là một trong những doanh nghiệp vừa được vinh danh với nét văn hóa “doanh nghiệp vì người lao động”.
Từ chuyện lao động phổ thông đổi việc như thay áo
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến xuân về là nhiều chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông lại canh cánh lo sợ công nhân nghỉ việc. Cứ mỗi lần công nhân nghỉ việc là một lần doanh nghiệp lao đao vì hoạt động kinh doanh đình trệ.
Ẩn sau câu chuyện công nhân "đổi việc như thay áo" đó là rất nhiều lý do từ chủ quan của người lao động, từ áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp đối thủ nhưng, vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp không lo được cuộc sống bền vững cho người lao động thì người lao động cũng dễ dàng rời bỏ doanh nghiệp mà đi tìm chỗ làm mới.
Đến chuyện bạo hành trẻ em nóng dư luận
Những ngày gần đây, hiện tượng nhiều trường mầm non tư nhân bị phản ánh về việc bạo hành trẻ em đã khiên không ít người dân lo ngại. Gửi con ở những ngôi trường danh tiếng để yên tâm con không phải chịu những cái bạt tai vô lý của những "giáo viên" bất lương tất nhiên là mong mỏi của rất nhiều người. Nhưng, mong mỏi đó khó thành với hầu hết mọi người có thu nhập trung bình, thấp.
Nhiều người đành phải gửi con ở nơi vừa túi tiền và điếng lòng mỗi khi nghe đâu đó có chuyện bạo hành trẻ em. Họ chỉ biết cầu mong con em mình không gặp phải cảnh đó...
Ở đời có ba việc trọng đại mà các cụ thường nhắc con cháu là: Tậu trâu-lấy vợ-làm nhà. Tậu trâu có thể hiểu nôm na là kiếm cho mình công việc nuôi sống bản thân, gia đình; Lấy vợ có thể hiểu nôm na là xây dựng cho mình tổ ấm và Làm nhà chính là kiếm cho gia đình mình chỗ dung thân yên ổn.
Cha ông ta cũng đã từng đúc kết rằng: Phải An cư thì mới Lạc nghiệp. Đối với người lao động, lương và các chế độ phúc lợi xã hội là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, suy cho cùng, ai đi làm, cống hiến rồi cũng mong cho gia đình mình có chốn dung thân yên ổn.
Chuyện lo chốn dung thân cho nhân viên của Đạm Phú Mỹ
Từ những năm 2007, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) đã đầu tư xây dựng khu nhà ở với tổng số gần 300 căn hộ cho CBCNV thuê với giá ưu đãi giúp giải quyết gần 1.000 nhân khẩu là người thân của cán bộ công nhân viên.
Ngoài các căn hộ giá rẻ cho CBCNV thuê, khu nhà còn có đầy đủ tiên ích như trường mầm non, trung tâm thể thao với hồ bơi, phòng tập, công viên, sân chơi… để nhân viên yên tâm gửi con, có chỗ sinh hoạt thể thao làm tăng tinh thần hăng say làm việc, tạo động lực để nhân viên gắn bó lâu dài với công ty.
Nhờ doanh nghiệp chăm lo đời sống công nhân viên, công nhân viên cũng an tâm chăm lo làm việc và gắn bó lâu dài với công ty. Và, Đạm Phú Mỹ đã làm tốt điều này bất chấp kết quả kinh doanh của công ty lao dốc mấy năm gần đây.
Theo báo cáo mới nhất của Đạm Phú Mỹ, doanh thu của công ty đã giảm sâu từ ngưỡng hơn 10.000 tỷ đồng một năm xuống thậm chí chỉ còn hơn một nửa. Thậm chí, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2017 của công ty đã rơi xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong khi 5 năm trước, công ty đạt lợi nhuận gấp hơn 3 lần và là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất sàn chứng khoán.
Doanh thu của Đạm Phú Mỹ đã sụt giảm từ ngưỡng hơn 13.300 tỷ đồng hồi năm 2012 còn chưa đầy 8.000 tỷ đồng năm 2016
Lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ qua các năm
Nhìn vào các số liệu trên có thể thấy, cùng với sự khó khăn chung của ngành thì hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đã giảm rất sâu. Sâu đến mức đủ để nhiều người nản lòng trên con đường đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số liệu cũng từ Đạm Phú Mỹ cho thấy, dù doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm nhưng chi phí nhân công lại tăng đều đặn qua các năm. Cụ thể:
Trong khi doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm sâu thì chi phí nhân công qua các năm của Đạm Phú Mỹ lại tăng vọt. Năm 2016 tăng 30% so với năm 2012
Theo số liệu Đạm Phú Mỹ công bố, ngoài chi phí nhân công liên tục tăng mạnh qua các năm thì số tiền doanh nghiệp bỏ ra để xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên không hề nhỏ, lên đến hơn 36 tỷ đồng.
Ngoài chính sách về nhà ở và chi đậm cho nhân viên thì Đạm Phú Mỹ còn nổi tiếng là một doanh nghiệp có hệ thống đánh giá nhân viên tốt. Theo Đạm Phú Mỹ, tổng công ty đã hoàn thành và đưa vào áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và trả lương theo phương pháp 3P dựa trên kết quả đánh giá năng lực, kết quả thực hiện công việc cá nhân. Theo đó, việc tổ chức, quản lý, sắp xếp nhân sự sẽ đảm bảo tính hợp lý, khoa học, đúng người đúng việc, đo lường được năng lực và kết quả công việc của nhân viên và việc trả lương, thưởng sẽ công bằng và chính xác hơn.
Đổi lại cho những nỗ lực chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, Đạm Phú Mỹ là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất phân bón và hóa chất đã lần thứ 3 được vinh danh trong bảng xếp hạng “doanh nghiệp vì người lao động” và lọt Top 10 doanh nghiệp được nhận bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh – Xã Hội năm 2017.
Và, điều an ủi nhất đối với doanh nghiệp đã mạnh tay chi cho nhân viên là: Số lượng nhân viên làm việc tại Đạm Phú Mỹ tăng khá tốt những năm qua, bất chấp hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể nào quay về 5 năm trước.
Doanh nghiệp hãy nhớ: Càng lên cao càng phải sống dựa vào sức lao động của người khác
Diễn giả Lê Thẩm Dương từng nói: "Càng lên cao càng phải sống dựa vào sức lao động của người khác, như thế mới phát triển mạnh được, thế nên việc tạo động lực cho người khác chính là tạo thành công cho chính mình". Việc các doanh nghiệp chăm lo đời sống CBCNV thì chính doanh nghiệp cũng nhận lại được tinh thần làm việc hăng say, gắn bó với công ty của chính những nhân viên đó.
Có câu danh ngôn rằng "bạn không cần phải đi nhanh hơn hay bằng ai, vì chúng ta đều đang chạy trên con đường riêng của mỗi người. Đích đến là hàng vô số điểm khác nhau không thể đo đếm". Mỗi doanh nghiệp có hướng đi, có con đường riêng để dẫn tới thành công. Nhưng tất cả đều chung một điểm rằng, có cho đi mới có nhận về. Các doanh nghiệp tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên làm việc chắc chắn sẽ nhận về "quả ngọt" từ thành quả, năng suất lao động cao vượt bậc mà nhân viên mang lại.