"Vẫn còn tư duy phải được hỗ trợ, phải được ưu tiên thì hàng Việt mãi mãi không cạnh tranh được"
"Tôi lấy ví dụ một số doanh nghiệp nội phát triển tốt khiến "không ai có thể đẩy đi được" như Vinamilk, Điện Quang, Rạng Đông, Sài Gòn Food", bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ.
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2016 tiếp tục tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2016 đã tăng 7,4%. Bán lẻ vẫn là ngành có tiềm năng phát triển tốt, giúp duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, bà Loan chia sẻ.
Bán lẻ hiện đại vẫn còn khiêm tốn
Tại Triển lãm, bà Loan chỉ ra những yếu tố thuận lợi để phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam như tăng trưởng GDP, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của nhà nước, thị trường mới tiềm năng như dân số đông (hơn 90 triệu người). Bên cạnh đó các yếu tố như tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, thái độ lạc quan của người tiêu dùng cũng là những yếu tố lợi thế của bán lẻ Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam dẫn nguồn của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen rằng, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Việt tiếp tục đạt vị trí cao trong quý I/2016. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu về chỉ số này.
Theo bà, bán lẻ hiện đại là động lực phát triển của ngành công nghệ dịch vụ bán lẻ, nhưng chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Bà đưa ra con số năm 2014, theo Nielsen, bán lẻ hiện đại khoảng 25 - 26%, phát triển chưa mạnh như kỳ vọng. Thị trường còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư. Bộ Công thương kỳ vọng đến năm 2020, bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 40%.
Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, các hiệp định thương mại như TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn mình ra thế giới nhưng cũng phải chấp nhận thực tế rằng các doanh nghiệp ngoại cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Và như vậy, doanh nghiệp nội phải nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm để cạnh tranh.
Doanh nghiệp Việt mạnh, không ai đẩy đi được
Bà Loan trả lời một số câu hỏi về thị trường bán lẻ tại Triển lãm ngày 8/6.
- Tháng 1/2015, tập đoàn TCC của Thái Lan đã mua Metro Việt Nam. Mới đây, Central Group lại mua BigC Việt Nam. Theo bà, sắp tới ở Việt Nam còn các thương vụ M & A nữa không?
- Đầu tiên, tôi phải nói rằng các thương vụ M&A là xu hướng của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Thứ hai, các vụ M&A của Việt Nam diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai năm gần đây, các thương vụ diễn ra ở ngành bán lẻ. Việc TCC của Thái Lan mua Metro Việt Nam và Central Group mua BigC được đánh giá là hiện tượng. Tuy nhiên, đó là hiện tượng bình thường. Người bán phải có người mua, chỉ thay đổi chủ sở hữu mà thôi.
Tuy nhiên, việc hai hệ thống siêu thị lớn về tay người Thái cho thấy họ đã ngắm nghía, nghiên cứu thị trường Việt Nam rất kỹ. Họ đầu tư một cách bài bản và họ muốn mở rộng thị trường bán lẻ ra quốc tế.
Cá nhân tôi cho rằng các thương vụ M&A sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Trong thương vụ BigC, một doanh nghiệp Việt Nam đã vào đến vòng trong cùng, đó là Saigon Coop, thành viên của hiệp hội chúng tôi. Sài Gòn Coop chỉ còn một chút nữa thành công.
Trong thương vụ BigC, một doanh nghiệp Việt Nam đã vào đến vòng trong cùng, đó là Saigon Coop.
- Vì sao Casino hay Metro lại bán siêu thị?
- Có thể họ muốn cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động của công ty. Thứ hai, có thể do, họ đã qua thời kỳ đỉnh cao của kinh doanh. Tại thời điểm Casino bán BigC Việt Nam, BigC vẫn làm ăn tốt. Hoặc họ muốn tập trung vào lĩnh vực làm ăn khác hay đầu tư vào thị trường khác. Một lý do tiềm năng khác là BigC được trả giá quá cao và người sở hữu không cưỡng lại được số tiền lớn.
- Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh thị trường trong nước và nước ngoài? Có thể nói là doanh nghiệp Việt Nam yếu thế ngay trên sân nhà không, thưa bà?
- Chắc chắn là nếu mình có thế mạnh thì không ai có thể đẩy đi đâu được. Chỉ có một con đường là cạnh tranh để phát triển. Hiện tại, nếu chỉ mới đề cập đến có cạnh tranh hay không thì đã quá muộn. Tuy nhiên, theo tôi, quá muộn còn hơn không bao giờ bàn đến. Nếu như vẫn còn tư duy hàng Việt phải được hỗ trợ, phải được ưu tiên thì tôi có thể nói rằng không bao giờ điều đó xảy ra.
Tôi lấy ví dụ một số doanh nghiệp nội phát triển tốt khiến "không ai có thể đẩy đi được" như Vinamilk, Điện Quang, Rạng Đông, Sài Gòn Food. Vinamilk không chỉ có sữa mà họ còn rất sáng tạo khi sản xuất ra các sản phẩm từ sữa. Các sản phẩm của Điện Quang rất được tin dùng. Người ta từng có câu, ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang. Các sản phẩm của Sài Gòn Food cũng vậy. Sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Và nhiều ví dụ khác.
Họ luôn luôn thay đổi và sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất.