Vạch trần góc khuất về nạn buôn người ở Trung Quốc: Từ những năm 80 có gần 50.000 phụ nữ bị bắt cóc và chịu cảnh áp bức dã man

26/03/2022 20:29 PM | Xã hội

Bị xích, bị hành hạ, thậm chí cơ thể không còn nguyên vẹn. Đó là những gì nạn buôn người tại Trung Quốc kéo dài hàng chục năm qua gây ra cho những người phụ nữ vô tội.

Gần đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với một vụ bê bối khiến dư luận tập trung sự chú ý về vấn đề gây nhức nhối biết bao năm qua, đó là hoạt động buôn bán người tràn lan vào những năm 1980 và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, xuất hiện nhiều báo cáo về vụ việc một người phụ nữ bị xích trong túp lều ở một vùng nông thôn phía đông Trung Quốc. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy người phụ nữ có tên là Xiao Huamei, đã bị bắt cóc bởi những kẻ buôn người vùng Tây Nam của Trung Quốc vào cuối những năm 90, sau đó bị bán cho một người đàn ông ở bờ đông. Kể từ đó, người đàn ông đã có tám đứa con với cô.

Vạch trần góc khuất về nạn buôn người ở Trung Quốc: Từ những năm 80 có gần 50.000 phụ nữ bị bắt cóc và chịu cảnh áp bức dã man - Ảnh 1.

Người phụ nữ bị xích trong túp lều.

Những con số biết nói

Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận và kêu gọi điều tra rộng rãi hơn về lịch sử buôn bán người ở Trung Quốc.

Xiao không phải là nạn nhân duy nhất. Từ năm 2017 đến 2020, các tòa án Trung Quốc đã xử lý nhiều vụ án liên quan đến ít nhất 1.250 phụ nữ từng là nạn nhân của nạn buôn người. Những tội ác này thường diễn ra theo một mô hình nhất định: Những kẻ buôn người bắt cóc, lợi dụng những phụ nữ yếu đuối để bán làm vợ cho đàn ông ở các vùng khác của Trung Quốc.

Vẫn còn nhiều trường hợp khác chưa bị phát giác và đang nằm ngoài vòng pháp luật. Một phân tích của Sixth Tone về các dữ liệu điều tra dân số tại khu vực nơi Xiao bị giam giữ cho thấy, một loạt các trường hợp di cư khả nghi, với lượng lớn phụ nữ trẻ từ các tỉnh có thu nhập thấp ở tây nam Trung Quốc chuyển đến phía đông để kết hôn.

Các cuộc hôn nhân thường tập trung ở những vùng có tiền sử về tình trạng nạo phá thai chọn lọc giới tính, điều này gây ra mất cân bằng lớn giữa nam và nữ. Mặc dù không thể chắc chắn có bao nhiêu cặp đôi trong số đó là bất hợp pháp, nhưng cư dân địa phương cho biết một số người phụ nữ di cư về đây đã bị ép buộc kết hôn.

Những kết quả tìm kiếm đáng báo động đòi hỏi một cuộc điều tra diện rộng trên toàn quốc về tình trạng buôn người kéo dài trong lịch sử. Sau làn sóng lên tiếng kịch liệt của công chúng đối với trường hợp của Xiao, Trung Quốc thông báo họ đã tiến hành một cuộc truy vết kéo dài 10 tháng đối với hoạt động buôn bán này vì “vẫn còn tồn đọng các vụ việc chưa được giải quyết”.

Vụ việc "người phụ nữ bị xích" cũng gây chấn động lớn tại huyện Feng, một vùng nông thôn hẻo lánh thuộc thành phố Từ Châu nằm ở phía Bắc tỉnh Giang Tô, tiếp giáp với Thượng Hải. Đây là một khu vực tương đối màu mỡ nhưng lại bị mất cân bằng dân số trầm trọng.

Nguyên nhân chính đằng sau sự mất cân bằng này chính là do văn hóa “trọng nam” trong khu vực, dẫn đến nhiều ca nạo phá thai nhằm lựa chọn giới tính để sinh ra bé trai. Một cuộc điều tra năm 1998 của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc cho thấy phụ nữ mang thai ở vùng nông thôn tỉnh Giang Tô thường xuyên siêu âm để xác định giới tính thai nhi (một hủ tục sau này bị coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc) và phá thai nếu đó là bé gái.

Các gia đình có con trai thường không coi trọng những gia đình không có con trai. Điều này rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Quyền lực gia đình rất quan trọng. Gia đình có con trai thì ai dám gây lộn với?”, một phụ nữ 60 tuổi sống trong vùng chia sẻ.

Vạch trần góc khuất về nạn buôn người ở Trung Quốc: Từ những năm 80 có gần 50.000 phụ nữ bị bắt cóc và chịu cảnh áp bức dã man - Ảnh 2.

Một nghiên cứu được phát hiện vào năm 2021 cho thấy việc Trung Quốc nới lỏng “chính sách một con” những năm gần đây đã phần nào làm giảm số ca nạo phá thai do lựa chọn giới tính. Dẫu vậy, sở thích ưu ái sinh con trai vẫn tồn tại ở những phụ nữ sinh con thứ hai hoặc thứ ba.

Sự mất cân bằng dân số ở Từ Châu thường chỉ tồn tại ở trẻ vị thành niên. Từ 15 tuổi trở đi, tỷ lệ nam nữ giảm đáng kể. Điều này xảy ra khi có hai trường hợp: một là lượng lớn nam giới đến tuổi trưởng thành thường sẽ rời khỏi thành phố hoặc hai là có một lượng lớn phụ nữ chuyển đến.

Trường hợp tại Từ Châu rơi vào khả năng thứ hai vì dữ liệu điều tra dân số ghi nhận không hề có sự sụt giảm đáng kể nào về số lượng nam giới từ năm 2000 đến 2010. Thế nhưng lại ghi nhận hơn 60.000 nữ di cư từ bên ngoài tỉnh Giang Tô đăng ký cư trú tại Từ Châu, 4.400 trong số đó sống ở huyện Feng.

Dữ liệu điều tra dân số cũng cho thấy nhiều phụ nữ trẻ di cư tìm đến các vùng nông thôn phía bắc Giang Tô. Năm 2010, hơn 80% những người di cư đến huyện Feng từ bên ngoài tỉnh Giang Tô là phụ nữ. Hầu hết các quận trong khu vực đều có xu hướng tương tự.

Thực tế đáng lo ngại

Nhiều phụ nữ đến từ các tỉnh lân cận Giang Tô, chẳng hạn như An Huy và Sơn Đông nhưng phần lớn phụ nữ trẻ di cư đến Từ Châu là từ các vùng xa xôi về phía tây nam của Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.

Phụ nữ từ các khu vực phía tây nam nơi có thống kê là khu vực nghèo nhất ở Trung Quốc, có nhiều khả năng di cư đến các vùng nông thôn của Từ Châu. Trong khi đó, phụ nữ từ miền đông Trung Quốc lại có xu hướng di chuyển đến trung tâm đô thị của thành phố.

Tại sao có nhiều phụ nữ chuyển đến miền bắc tỉnh Giang Tô đến vậy? Theo số liệu điều tra dân số, khoảng 80% phụ nữ di cư đến các vùng nông thôn ở phía bắc Giang Tô từ tỉnh ngoài để kết hôn.

Không rõ có bao nhiêu cuộc hôn nhân trong đó liên quan đến nạn buôn người. Tuy nhiên, hoàn toàn trái ngược với tình hình ở các khu vực khác, 80% phụ nữ di cư đến phía nam tỉnh Giang Tô là để làm việc.

Viễn cảnh được vẽ ra là một thị trường hôn nhân xuyên quốc gia có quy mô lớn, gán ghép phụ nữ từ các vùng nghèo khó ở tây nam Trung Quốc với đàn ông độc thân từ các vùng nông thôn của tỉnh Giang Tô với tỷ lệ thiếu hụt nữ giới lớn. Các nghiên cứu và nguồn tin trực tiếp từ người dân địa phương ở phía bắc Giang Tô cho thấy các giao dịch như vậy thực sự có tồn tại.

Trong nhiều trường hợp, các giao dịch này được sắp xếp mà không hề có sự đồng ý của cô dâu. Theo một nghiên cứu năm 2003 của các học giả tại Đại học Vân Nam, nhiều gia đình ở miền bắc Giang Tô thậm chí còn đầu tư số tiền lớn để “săn” vợ cho con trai của họ. Điều này đặc biệt phổ biến trong các gia đình có con trai có vấn đề về sức khỏe, khuyết tật hoặc rối loạn tâm thần.

Các cuộc hôn nhân thường được sắp đặt thông qua người mai mối. Họ tìm kiếm những người phụ nữ đang trong độ tuổi kết hôn ở các vùng nông thôn ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, và đưa ra “giá làm dâu” cho gia đình nhà trai. Sau đó, họ đưa người phụ nữ trẻ đến ra mắt với gia đình chú rể để đổi lấy “phần thưởng”.

Vạch trần góc khuất về nạn buôn người ở Trung Quốc: Từ những năm 80 có gần 50.000 phụ nữ bị bắt cóc và chịu cảnh áp bức dã man - Ảnh 3.

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc "săn vợ" cho những người đàn ông.

Nghiên cứu năm 2019 tại Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh cho thấy các cuộc hôn nhân đa phần đều mang tính chất như một cuộc giao dịch. Các gia đình ở tây nam Trung Quốc, những người sống ở nơi nghèo khó, sẽ cần phải trả phí của hồi môn. Còn các gia đình ở miền đông Trung Quốc thì cần một người phụ nữ kết hôn với con trai của họ và sinh con đẻ cái.

Nghiên cứu cũng cho biết, cảm xúc hay sự tự nguyện của cô dâu thường không phải là yếu tố được coi trọng trong những cuộc hôn nhân này. Không thể thống kê có bao nhiêu cuộc hôn nhân dàn xếp một cách cưỡng bức, nhưng nạn buôn người tràn lan ở miền bắc Giang Tô đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Trong cuốn sách “Đại tội cổ đại” năm 1989, các tác giả Trung Quốc Xie Zhihong và Jia Lusheng ước tính rằng có 48.100 phụ nữ đã bị buôn bán đến Từ Châu trong những năm 80.

Fan Hui, 24 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện Feng, chia sẻ rằng cô quen biết ba phụ nữ đến từ tây nam Trung Quốc, họ bị bắt cóc và đưa về làng của cô. Theo Fan, việc những người phụ nữ này là nạn nhân của nạn buôn người đã được mọi người biết đến từ lâu, nhưng không ai báo cáo với chính quyền. Điều này là do hầu hết người dân địa phương không coi buôn bán người là tội phạm, ranh giới giữa hôn nhân sắp đặt và buôn bán người rất mong manh.

Fan biết rằng hai người phụ nữ bị bắt cóc từ những ngôi làng lân cận, trong đó có một người là mẹ của bạn học cô. Fan nhớ lại khi đến thăm nhà bạn mình để ăn tối hồi học lớp 2 và nhìn thấy người phụ nữ ấy đang loay hoay làm bánh bao với một cánh tay bị đứt lìa. Khi Fan hỏi về điều đó, người phụ nữ nói rằng những kẻ buôn người đã chặt tay bà như một hình phạt khi cố gắng trốn thoát nhưng bị bắt.

Fan nói: “Bà ấy im lặng và buồn bã sau khi chia sẻ về điều đó. Những phụ nữ bị bắt cóc đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Họ không có bạn bè hay người thân, người dân địa phương thì lại phân biệt đối xử với người ngoài, gọi họ là những kẻ man rợ”.

Sau vụ việc của Xiao Huamei thu hút sự chú ý lớn của dư luận, các nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực điều tra thêm nhiều các vụ án buôn người trong lịch sử. Hy vọng rằng, nếu các cuộc điều tra được thực hiện một cách kỹ lưỡng, những nạn nhân có thể lấy lại được công lý.

Theo: Sixth Tone 

Theo Trang Thái

Từ khóa:  trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM