Uỷ ban vắc-xin FDA phản đối tiêm liều tăng cường Pfizer cho toàn dân Mỹ

18/09/2021 19:38 PM | Xã hội

Uỷ ban vắc-xin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ không thông qua đề xuất tiêm liều tăng cường vắc-xin Pfizer cho toàn dân.

Uỷ ban tư vấn về vắc-xin của FDA hôm qua, 17/9, đã nhóm họp với các nhà khoa học và đại diện của hãng dược Pfizer để thảo luận về đề xuất tiêm vắc-xin liều ba cho toàn dân Mỹ.

Sau nhiều giờ cân nhắc, uỷ ban bỏ phiếu phản đối đề xuất tiêm tăng cường vắc-xin Pfizer cho toàn dân với số phiếu chống áp đảo. Thay vào đó, uỷ ban chỉ ủng hộ việc tiêm liều vắc-xin Pfizer thứ ba cho những đối tượng cho nguy cơ cao nhiễm virus (nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu, giáo viên…) và những người trên 65 tuổi. Liều ba sẽ được tiêm sáu tháng sau liều thứ hai.

Tuy nhiên theo RT, các quyết định của uỷ ban không mang tính ràng buộc đối với FDA, và cơ quan này vẫn có thể sẽ chấp thuận kế hoạch tiêm tăng cường toàn dân của ông Joe Biden trong vài giờ hoặc vài ngày tới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về kế hoạch phân phối liều tăng cường. CDC cũng cho biết kết quả bỏ phiếu của uỷ ban vắc-xin FDA chỉ là một yếu tố cần cân nhắc, không phải là quyết định đặt dấu chấm hết cho kế hoạch tiêm vắc-xin liều ba cho toàn dân của Nhà Trắng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước đã công bố kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn dân bắt đầu từ ngày 20/9, dù chưa được cơ quan y tế “bật đèn xanh”.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy việc tiêm mũi tăng cường, tại cuộc họp ngày 17/9, Pfizer đã trình lên uỷ ban một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc-xin giảm dần trong những tháng sau khi tiêm. Một nghiên cứu trong đó chỉ rõ hiệu quả vắc-xin giảm từ 93% xuống 53% với biến thể Delta của virus, và từ 97% xuống 67% với các biến thể trước đó.

Pfizer không phải là nhà sản xuất vắc-xin duy nhất thúc đẩy việc tiêm liều thứ ba. Moderna, tập đoàn sản xuất vắc-xin mRNA giống Pfizer, đã công bố một nghiên cứu vào hôm thứ Tư cho thấy vắc-xin của hãng này giảm hiệu quả theo thời gian. Moderna tuyên bố “đây là bằng chứng về lợi ích tiềm năng của liều tăng cường.”

Tuy nhiên, giới khoa học Mỹ nói chung và các chuyên gia FDA nói riêng vẫn đang tranh cãi quyết liệt về sự cần thiết của liều tăng cường . "Chúng tôi cần dữ liệu về tính an toàn của liều tăng cường với nhóm dân số trẻ hơn và chúng tôi cần thực sự biết lợi ích của việc này là gì", Jeremy Faust, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham kiêm giảng viên tại Trường Y Harvard, cho biết hôm thứ Sáu.

Hai quan chức cấp cao về vắc xin của FDA đã bất ngờ từ chức vào đầu tháng này, trong khi bản thân cơ quan này cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với dữ liệu thực tế do Pfizer cung cấp. “Có những thành kiến đã biết và chưa biết” có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các nghiên cứu này, FDA viết trong một tài liệu được công bố trước cuộc họp hôm thứ Sáu. FDA khẳng định “vắc-xin COVID-19 được Mỹ cấp phép hoặc được ủy quyền vẫn đủ khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng và nguy cơ tử vong.”

Minh Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM