Ưu đãi cho ngành nội dung số: Mỹ, Trung Quốc miễn thuế, Việt Nam thu 15-20%
Ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp đề xuất, Chính phủ xem xét lại tư tưởng đánh thuế cho nhóm doanh nghiệp công nghệ sáng tạo. Trong đó cần phải làm rõ tư duy đánh thuế để thu thật nhiều, hay đánh thuế để ngành này phát triển.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (Make in Vietnam) ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp đề xuất Chính phủ xem xét lại tư tưởng đánh thuế cho nhóm doanh nghiệp công nghệ sáng tạo.
“Cần phải làm rõ tư duy đánh thuế để thu thật nhiều, hay đánh thuế để ngành này phát triển”, ông Tân phát biểu.
Lấy ví dụ về chính sách ưu đãi thuế của hai cường quốc công nghệ là Trung Quốc và Mỹ, ông Tân cho hay, ở Trung Quốc, các doanh nghiệp như Alibaba, Baidu, Tencent được ưu đãi bảo hộ, hưởng mức thuế âm. Ở Mỹ, Amazon, Google, Microsoft thuộc nhóm thiên đường ưu đãi thuế, Amazon lợi nhuận 11 tỷ USD nhưng được miễn thuế.
Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp nội dung số, phải nộp 15-20% thuế trong tổng doanh thu, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp. Dịch vụ nội dung số còn bị trói chân, trói tay bởi những quy định, chính sách tư duy quản lý cũ như: Chỉ được làm những dịch vụ trong giấy phép, nhưng lại chưa có quy định cụ thể chi tiết, hoặc cung cấp dịch vụ mới nhưng buộc phải theo quy định cũ, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang bị ràng buộc bởi tư duy cũ.
Ngành nội dung số trong nước được cho là có tiềm năng rất lớn, chiếm 80% nội dung sản xuất, chiếm 60-70% độc giả, có thể đạt doanh số 500 triệu – 1 tỷ USD, ngành nội dung số sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa nếu có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển. Công nghệ tuy kém hơn so với Google, Facebook nhưng các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam cũng nằm trong Top đầu thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nga.
Ngành nội dung số trong nước có khoảng 50.000 lao động, với khoảng hàng trăm ngàn lập trình viên đang làm việc cho Microsoft đang nằm chờ các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra các sản phẩm để họ quay về làm việc trong nước. Lực lượng nhân lực công nghệ của Việt Nam không thua kém gì thế giới, nhưng giá trị sử dụng nhân lực công nghệ trong các công ty sáng tạo ở Việt Nam ưu đãi kém nhất, thu thuế nhiều nhất.
Ông Nguyễn Thế Tân cũng đề xuất về quan điểm quản lý, đó là: Phát triển nhóm các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo, coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm. Chính sách thuế cũng phải làm rõ đánh thuế để phát triển ngành quan trọng hơn hay đánh thuế để thu thật nhiều. Nhà nước cũng thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam. Coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế.
Trong những phát biểu ở các hội nghị trước đây, ông Nguyễn Thế Tân đã nhiều lần nhắc đến việc doanh nghiệp nội dung số trong nước đang bị đối xử bất bình đẳng so với các doanh nghiệp xuyên biên giới, cơ chế bảo hộ ngược trong một thời gian dài đang ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Ví dụ, Google, Facebook không phải nộp thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nộp đủ 4 loại thuế, phí liên quan doanh nghiệp.
Google, FaceBook không cần giấy phép. Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam buộc phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo cách quy định được ban hành và xây dựng cách đây 10 năm.
Mọi người, mọi công ty, mọi tổ chức từ cá nhân, tới báo, tới các tổ chức chính phủ, các công ty và đài truyền hình đều có thể sản xuất và đăng thông tin lên Google và Facebook. Trong khi đó các trang, các đơn vị sản xuất nội dung của Việt Nam không được hợp tác sản xuất và đăng thông tin lên nhau.
"Chính sách phải áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, yêu cầu mạng xã hội Việt thực hiện thế nào thì cũng phải yêu cầu Facebook, Google thực hiện đúng như thế. Phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một sân chơi, còn nếu khắt khe với doanh nghiệp Việt nhưng lại dễ dãi với doanh nghiệp nước ngoài là bảo hộ ngược", ông Tân phát biểu.