TGĐ VCCorp Nguyễn Thế Tân: Việt Nam có hàng trăm nghìn lập trình viên outsource đang chờ một bài toán lớn, một doanh nghiệp Việt lớn để làm việc

09/05/2019 14:17 PM | Kinh doanh

Theo TGĐ VCCorp, các doanh nghiệp Việt đủ năng lực để làm ra sản phẩm công nghệ cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, vấn đề chỉ là chúng ta có làm được hay không.

Sáng 9/5, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam 2019, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp đã có những đánh giá và đề xuất để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ có sản phẩm sáng tạo.


Thế giới có Facebook, Google, Grab...

Theo CEO VCCorp, có thể chia những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới ra 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là Google, Facebook, Tencent, Baidu. Nhóm thứ hai là Amazon, Alibaba, Uber, Grab. Các công ty này chủ yếu tập trung ở Mỹ và Trung Quốc. Đây là các doanh nghiệp đứng đầu thế giới về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, sáng tạo, giá trị thị trường và công nghệ.

Ở nhóm thứ nhất, sáng tạo của họ đó là tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới.

Trước khi Google xuất hiện, chúng ta không biết trên đời có máy tìm kiếm thông tin. Trước khi Facebook làm mạng xã hội, chúng ta không biết rằng sẽ có một thứ gọi là mạng xã hội tồn tại trên đời. Đến khi chúng ta biết đến, thì những thứ đó đã chiếm toàn bộ thế giới. Đó là đặc trưng của nhóm tạo ra sản phẩm mới, chưa từng tồn tại.

Ở nhóm 2 là các doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, sử dụng công nghệ của mình để giải các bài toán cũ.

Ví dụ, Grab khiến taxi gia đình có thể tham gia vào mạng lưới vận tải hành khách, chứ không phải là taxi. Vì vậy, số lượng nguồn cung taxi, số lượng ô tô được đưa vào sử dụng tăng lên rất nhiều, giúp giá thành giảm trong khi chất lượng dịch vụ tăng.

Amazon xuất phát từ việc phục vụ nhu cầu cũ (mua sắm) theo cách mới, từ bán lẻ truyền thống sang eCommerce.

Những công ty này khi đạt được mục đích ban đầu của mình, thì trở thành công ty hàng đầu. Một số công ty lớn như Amazon, tạo ra Cloud Computing, bán ngược trở lại cho toàn thế giới sử dụng, hay Google thì mở mã nguồn, bán công nghệ, tặng cho thế giới. Trong quá trình đó, họ vẫn trở thành những công ty giàu nhất.


... Việt Nam có Vingroup, Viettel, VNG, VCCorp, Be

"Vậy, Việt Nam chúng ta có thể làm được những sản phẩm như vậy không?", CEO VCCorp đặt câu hỏi. Theo ông Tân, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và đã có rất nhiều doanh nghiệp làm được.

Chẳng hạn như Vingroup làm được sản xuất tự động hóa 4.0 với việc cho ra đời nhà máy với tốc độ kỷ lục, điều mà không nhiều nước có thể làm được.

Viettel tự làm ra thiết bị mạng 5G, trong khi thế giới mới chỉ có 4 siêu cường công nghệ làm được bao gồm Mỹ, châu Âu (Nokia, Ericsson), Hàn Quốc (Samsung) và Trung Quốc (Huawei). Việt Nam với đại diện Viettel đã ghi tên mình vào danh sách này với vị thế thứ 5.

Grab đã tạo ra một sản phẩm rất lớn với thế giới, nhưng Việt Nam cũng có Be, chỉ trong 1 năm ra sản phẩm với chất lượng gần tương đương Grab. "Chỉ thiếu tiền khuyến mại chứ sản phẩm không hề thua kém" - ông Tân nhận định.

Về nội dung số, Việt Nam có VNG tạo ra Zalo, VCCorp tạo ra nền tảng quảng cáo và các sản phẩm này cạnh tranh bình đẳng với Facebook, Google ngay trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ người Việt Nam, thậm chí có một số thắng lợi.

Ông Tân nhận định, điểm chung của những công ty này là xuất phát từ "tay trắng". Điều đó cho thấy Việt Nam có tiền và có đủ năng lực để làm ra sản phẩm, vấn đề chỉ là chúng ta có làm được hay không.

"Việt Nam vẫn còn hàng trăm công ty công nghệ khác. Chưa kể chúng ta còn có hàng trăm nghìn lập trình viên outsource đang chờ một bài toán lớn, một doanh nghiệp Việt Nam lớn để quay về làm việc, thay vì "bán" sức lao động ra nước ngoài", ông Tân nhận định.

Tổng giám đốc VCCorp dẫn bài học từ 2 quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, bài toán của Ấn Độ là sử dụng nhân lực công nghệ để xuất khẩu lao động, tạo ra hàng tỷ USD doanh thu, việc làm và rất nhiều lợi ích khác. Còn bài toán của Trung Quốc là sử dụng nhân lực công nghệ để giải bài toán nội địa, làm ra sản phẩm công nghệ nội địa. Từ đó, chinh phục thị trường nội địa, tạo ra sản phẩm cạnh tranh vượt trội hơn so với các sản phẩm của Mỹ và sau đó là xuất khẩu toàn cầu và trở thành cường quốc về công nghệ. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Alibaba, Baidu, Tencent hay Huawei đều rất thành công ở thị trường nội địa và ngày càng bánh trướng ra thị trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt là Huawei - một công ty thiết bị mạng 5G khiến nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng phải dè chừng, lo ngại.

"Vậy, chúng ta chọn xem đi con đường của ai?", ông Tân đặt vấn đề.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM