Ước mơ có cao xa tới đâu, kể cả là thay đổi thế giới, trước hết bạn cứ phải chăm sóc tốt bản thân đã!

27/04/2018 11:05 AM | Sống

Những lúc bận rộn, bạn rất dễ xao nhãng việc chăm sóc bản thân. Thậm chí chỉ ngơi nghỉ một chút cũng làm ta cảm thấy xa xỉ.

Bạn đang quá tải trong công việc. Bạn có rất nhiều kế hoạch chồng chất và nhiều công việc bị quá thời hạn. Để có thời gian làm việc, bạn bỏ bữa trưa, không đến phòng tập và hoàn toàn quên đi đời sống xã hội của bản thân. Khi ta bị căng thẳng, chăm sóc bản thân thường là việc đầu tiên mà ta bỏ qua. Tuy vậy, điều đó chỉ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Cụm từ "chăm sóc bản thân" nghe có vẻ như ta đang nuông chiều chính mình, nhưng thật ra nó bao gồm một số thói quen cơ bản và vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của bạn. Hầu hết chúng ta lớn lên với niềm tin rằng ta càng hy sinh nhiều thì phần thưởng càng lớn. Ví dụ, hồi học cấp 3, tôi từng đăng ký một cuộc thi hùng biện và buộc bản thân thức trắng đêm để chuẩn bị. Tôi nghĩ rằng việc ép bản thân dốc hết sức lực nhất định sẽ mang lại thành quả. Tuy vậy, ngày hôm sau, tôi kiệt sức đến mức gần như không thể trình bày một cách mạch lạc, và tôi thất bại.

Bạn thường xuyên được nhắc nhở "có công mài sắt có ngày nên kim", đến mức nó trở nên phản tác dụng. Bạn có thể cho rằng mình đang nỗ lực làm việc, và ở một chừng mực nào đó thì đúng là vậy, nhưng bạn đang làm việc không hiệu quả.

Chăm sóc bản thân là một việc cực kỳ quan trọng

Những lúc bận rộn, bạn rất dễ xao nhãng việc chăm sóc bản thân. Thậm chí chỉ ngơi nghỉ một chút cũng làm ta cảm thấy xa xỉ. Việc dành thời gian để ăn trưa, tập thể dục và ra ngoài vui chơi với bạn bè thì làm ta thấy mình đang chểnh mảng công việc.

Tuy nhiên, lối tư duy này không khoa học. Chăm sóc bản thân thật sự giúp bạn tiến bộ nhanh hơn vì:

- Giúp bạn không bị kiệt sức vì qua tải: Chắc chắn nhiều người đã rơi vào tình trạng này, ta thúc ép bản thân đến mức phải bỏ cuộc vì không còn sức lực. Chăm sóc bản thân giúp bạn tránh rơi vào tình trạng này.

- Giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của căng thẳng: Căng thẳng kéo dài sẽ gây hại cho tâm trí và cơ thể. Chăm sóc bản thân nghĩa là ngăn căng thẳng chế ngự bạn để bạn có thể phát huy hết năng lực của mình.

- Giúp bạn tập trung: Nghỉ ngơi là ví dụ tiêu biểu của chăm sóc bản thân, và các nghiên cứu cho thấy nghỉ ngơi rất hữu ích trong việc giúp bạn thể hiện bản thân tốt hơn.

Dành thời gian ăn uống lành mạnh và tập thể dục dù bạn có đang bận rộn

Thật dễ xao nhãng việc tập thể dục khi bạn bị quá tải, vì việc này đòi hỏi thời gian, năng lượng. Tuy nhiên, tập thể dục rất quan trọng, vì thế bạn cần dành thời gian cho việc này. Hãy cân nhắc việc cùng luyện tập với một người bạn hoặc một nhóm bạn để buộc bản thân phải có trách nhiệm. Hãy tìm một phong tập gym gần nơi làm việc, hay tốt hơn là trên tuyến đường di chuyển hàng ngày. Dù bận rộn hay thiếu động lực đến mức nào, đôi khi bạn phải đứng dậy và bắt tay vào hành động.

Ai cũng muốn ăn uống lành mạnh và tìm những thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng thật khó nấu nướng khi bạn bận rộn. Nếu có 3 công việc sắp đến thời hạn, nhiều khả năng tôi sẽ gọi đồ ăn ngoài thay vì tự làm món salad. 

Ngoài ta, cũng thật khó ăn uống lành mạnh trong một thế giới tràn ngập thức ăn chế biến sẵn. Bí quyết là hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Bạn có muốn ăn ít đường hơn không? Bạn có kiểm soát lượng bột đường đưa vào cơ thể không? Mỗi lần, hãy tập trung vào một phạm vi thay vì cố gắng xem xét toàn bộ chế độ ăn trong cùng một lúc.

Bạn phải thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của mình về việc ăn uống lành mạnh. Bạn có thể bắt đầu bằng cách thử nghiệm với những món ăn lành mạnh mà bạn có thể thật sự yêu thích. Đừng cố buộc bản thân ăn những món mà bạn ghét chỉ vì nó tốt cho sức khỏe.

Ước mơ có cao xa tới đâu, kể cả là thay đổi thế giới, trước hết bạn cứ phải chăm sóc tốt bản thân đã! - Ảnh 1.

Thanh lọc cảm xúc

Thể chất rõ ràng là rất quan trọng, nhưng nhiều khi đó là về sức khỏe tinh thần: Đối mặt với căng thẳng, lo lắng, buồn bã, trầm cảm. Nhiều người xu hướng bỏ qua khía cạnh này hơn. Khi bạn có bất kỳ cảm xúc mãnh liệt nào, dù là căng thẳng hay tức giận thì việc nghỉ ngơi trong giây lát để xoa dịu cảm xúc đó là rất hữu ích.

Trong một thời gian dài, mỗi khi cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, tôi sẽ phản ứng với cảm giác đó ngay. Ví dụ, nếu sếp yêu cầu tôi chỉnh sửa một kết quả nào đó mà tôi đã nỗ lực tạo ra, tôi sẽ bực tức, căng thẳng, làm vội cho xong. Trong suốt khoảng thời gian đó tôi dằn vặt bản thân vì thất bại. Tôi cảm thấy tổn thương và bực tức– những trạng thái không phù hợp để hoàn thành công việc.

Còn giờ đây tôi cố gắng dành một phút để thừa nhận những cảm giác của mình. Tôi ngừng việc mình đang làm, đi khỏi đó một lúc để xác định cảm xúc của mình. Việc thừa nhận cảm xúc của bản thân thật sự rất có ích. Việc đó buộc tôi phải chậm lại và suy nghĩ lý trí hơn, giống như tôi tạm thời tách khỏi vấn đề vậy.

Viết nhật ký cũng là một ý hay, việc này giúp ta giải phóng những cảm xúc mạnh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng viết nhật ký từ 15 đến 20 phút giúp chúng ta có thể đối mặt với những sự việc gây sốc tâm lý, căng thẳng hoặc xúc động mạnh.

Tuy nghe rất cảm tính, nhưng đây là một kiểu thanh lọc cảm xúc. Bạn cần dành thời gian để đối mặt với cảm xúc của bản thân, để có thể kiểm soát cảm xúc đó và quay lại với công việc. Kiểm soát cảm xúc nghĩa là thừa nhận và hiểu rõ nó.

Kiểm soát lịch làm việc

Cách đây vài năm, tôi thường làm việc 50 đến 60 giờ một tuần, và bạn có thể dự đoán được là tôi dễ bị căng thẳng, bực dọc và mất tập trung. Tình trạng này rất phổ biến. Thường sau khoảng 50 giờ làm việc, hiệu suất và kết quả làm việc của nhân viên sẽ sụt giảm.

Kiểm soát lịch làm việc nghĩa là học cách nói "không":

• Nói "Không" để trì hoãn: Hiện tại tôi có quá nhiều việc phải làm, nhưng tôi có thể theo dõi việc đó sau.

• Nói "Không" để chuyển hướng: Tôi không đủ sức để thực hiện việc mà ông yêu cầu, nhưng tôi có thể làm được việc ABC.

• Nói "Không" để giới thiệu: "Đây không phải là chuyên môn của tôi, nhưng tôi biết bạn X có thể giúp được."

Dĩ nhiên, đôi khi cấp trên hoặc quản lý của bạn thường yêu cầu quá nhiều. Trong trường hợp đó, có thể bạn cần sắp xếp thời gian để trao đổi về khối lượng công việc và những trách nhiệm của mình. Tuy vậy không phải cấp trên nào cũng hiểu về nhu cầu chăm sóc bản thân, nhưng trao đổi vẫn là một lựa chọn tốt hơn so với việc cứ tiếp tục gật đầu đồng ý.

Cuối cùng, hãy cố gắng dành ra một khoảng thời gian trong lịch làm việc cho bản thân. Hãy tạo một khoảng thời gian thư giãn để thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích: đọc sách báo, chơi game hay xem phim.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM