"Ung thư không chống lại con người, và chúng ta nên chết?"

15/06/2016 15:17 PM | Sống

Giả thuyết khủng khiếp này có thể đem lại nhiều suy nghĩ điên rồ về đạo đức.

Mới đây, trong một nỗ lực giải thích lý do tại sao khoa học và hệ thống y tế hiện đại vẫn “bó tay” trước căn bệnh ung thư , hai nhà khoa học người Bulgaria đã đưa ra một giả thuyết khủng khiếp mà có thể khiến bất kể ai giật mình khi nghe đến nó.

Họ đề nghị rằng ung thư không phải một căn bệnh chống lại nhân loại. Thay vào đó, nó đóng vai trò như một cơ chế tiến hóa, ngăn chặn những DNA bị lỗi di truyền sang thế hệ tiếp theo của con người.

Về cơ bản, điều này giống như việc chúng ta buộc phải chết để đảm bảo không di truyền lại những đột biến DNA nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ sau này. Sự hy sinh của những bệnh nhân ung thư sẽ cứu nhân loại khỏi tương lai của một cuộc tuyệt chủng.

Ung thư không chống lại con người, và chúng ta nên chết?

Đến đây, bởi giả thuyết khủng khiếp này có thể đem lại nhiều suy nghĩ điên rồ về đạo đức, chúng ta phải nhắc lại một điều rằng nó vẫn chỉ là giả thuyết. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng giả thuyết của họ đưa ra không nhắm đến mục đích khiến bệnh nhân ung thư chấp nhận cái chết của mình.

Thay vào đó, họ muốn làm điều ngược lại. Nếu giả thuyết có thể đem đến cái nhìn rõ ràng về ung thư, chúng ta sẽ có nhiều chiến lược điều trị hiệu quả hơn nữa. Ngay cả khi chính giả thuyết này nói rằng con người sẽ chẳng bao giờ chữa khỏi được ung thư, các nhà khoa học cho biết y học vẫn có thể đạt được kết quả gần như tuyệt đối nếu cố gắng hết sức.

Bây giờ hãy quay trở lại một chút, tại sao cơ thể lại đang cố gắng giết chết chính chúng ta? Ý tưởng được các nhà khoa học trình bày trong bài báo khoa học công bố trên tạp chí Biotechnology & Biotechnological Equipment.

Cụ thể như thế nào, hãy nhìn vào một cơ thể khỏe mạnh. Ở đó, sự di truyền những đột biến DNA vào tế bào mới sẽ bị ngăn chặn bởi hàng loạt những “trạm kiểm soát”. Một trong số những trạm này có tên “apoptosis”, hay lập trình tế bào chết.

Bất cứ khi nào một DNA bị hư hỏng mà cơ thể không thể sửa chữa chúng, tế bào sẽ bị đánh dấu để đưa vào một quá trình “apoptosis”. Tế bào chứa DNA lỗi sẽ nhanh chóng bị nuốt và tiêu hóa bởi hệ thống miễn dịch . Vấn đề được giải quyết một cách nhanh gọn.

Tuy nhiên, giả thuyết mới cho rằng, khi quá trình “apoptosis” và tất cả các biện pháp tương tự khác không làm việc, ung thư sẽ xảy ra để đóng vai trò một “trạm kiểm soát” cuối cùng và tối cao. Căn bệnh sẽ "nhấn nút tự hủy", giết chết chính chúng ta để loại bỏ toàn bộ vật chất di truyền ra khỏi “bể gen” của nhân loại.

Chỉ có vậy, thế hệ sau mới được bảo vệ khỏi những biến thể DNA nguy hiểm. Nhưng cái giá mà chúng ta phải trả cho điều đó quả là không hề nhỏ.

Lập trình tế bào chết "apoptosis" sẽ sử dụng hệ miễn dịch để tiêu hủy một tế bào mang DNA lỗi

Nghe có vẻ như thuyết âm mưu hay phim viễn tưởng, nhưng hai tác giả Rumena Petkova đến từ Scientific Technology Service và Stoyan Chakarov đến từ Đại học Sofia, Bulgaria bảo vệ một cách khá thuyết phục giả thuyết của mình. Họ đưa ra một ví dụ rằng cơ chế lão hóa của con người cũng đang giữ vai trò tương tự như cách họ nghĩ ung thư làm việc. Dù sao đi chăng nữa, hành tinh này không thể tồn tại nếu tất cả chúng ta đều bất tử.

Ung thư dường như là một cơ chế tiến hóa quan trọng, tương tự như quá trình sửa chữa DNA và lập trình tế bào chết. Các cơ chế này bảo vệ sự sống trên Trái Đất khỏi tuyệt chủng. Ung thư là một trạm kiểm soát tối cao đảm bảo sự kế nhiệm của các thế hệ và sự tiến hóa trên Trái Đất”, hai nhà khoa học giải thích.

Điều đó đồng nghĩa với giả thuyết rằng một phương pháp điều trị ung thư phổ biến và triệt để là cái đích chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt đến. Đơn giản, đó dường như là điều không hề tồn tại. Thay vào đó, con người chỉ có thể tập trung tìm cách để gia tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho những ai đã mắc ung thư.

Mặc cho y học hiện đại có được nhiều thành tựu, ung thư vẫn hiếm khi được chữa khỏi hoàn toàn. Nó sẽ gây ra cái chết hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho bệnh nhân”, các tác giả viết. “Tuy nhiên, y học hiện nay và trong tương lai gần sẽ có đủ tiềm năng để làm chậm sự tiến triển của ung thư cho đến giai đoạn cuối. Vì thế, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của những cá thể mắc ung thư có thể sánh ngang với những cá thể già hóa khỏe mạnh”.

Ung thư dường như là một cơ chế tiến hóa quan trọng bảo vệ chúng ta khỏi sự tuyệt chủng?

Giả thuyết cuối cùng vẫn cho chúng ta một niềm an ủi, nhưng toàn bộ ý tưởng của nó là điều khó chấp nhận được. Nếu được chứng minh bằng thực nghiệm, đó sẽ là một tương lai không mấy vui vẻ. Ở đó, mọi nhà khoa học đang chiến đấu với ung thư sẽ chùn bước. Người nhà và bệnh nhân ung thư biết rằng hy vọng của họ không tồn tại. Các thế hệ sau này của con người sẽ phải chấp nhận một điều rằng ung thư có thể đã chờ đợi họ ngay sau khi được sinh ra.

Mặc dù vậy, có một tin vui rằng để một giả thuyết vừa được đưa ra trở thành lý thuyết khoa học, sẽ còn một chặng đường rất dài phía trước. Nhất là đối với giả thuyết của Rumena Petkova và Stoyan Chakarov, nó tồn tại một lỗ hổng lớn.

Theo đó, nếu ung thư có nhiệm vụ giết chết chúng ta để không di truyền các đột biến cho thế hệ sau, tại sao căn bệnh này lại phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Vượt qua độ tuổi sinh sản, cơ chế này sẽ gần như mất tác dụng. Ung thư xuất hiện khi đó đã là quá muộn.

Điều này cũng có thể được giải thích nhưng chắc chắn Rumena Petkova và Stoyan Chakarov sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực hơn nữa. Mặt khác, họ cũng sẽ phải tìm các bằng chứng thực nghiệm để chứng minh giả thuyết của mình. Nếu không, nó mãi mãi chỉ là giả thuyết và khi đó, chúng ta chưa cần phải lo lắng.

Chẳng ai muốn giả thuyết này trở thành sự thật

Kết lại, cho dù tương lai có đem đến câu trả lời ra sao, hôm nay chúng ta đã được nghe một giả thuyết khủng khiếp về ung thư mà chẳng ai muốn nó trở thành sự thật. Tuy nhiên, bỏ qua những ý tưởng ấy, có một sự thật vẫn tồn tại rằng chúng ta đều không thể sống bất tử . Vì vậy, có lẽ bạn cũng chẳng nên suy nghĩ nhiều về điều này. Hãy để công việc lại cho những nhà khoa học và tận hưởng cuộc sống của riêng mình.

Cùng chuyên mục
XEM