Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Các ngành hàng tỷ USD muốn giảm thuế VAT dưới 8%, giữ room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp

08/04/2025 16:04 PM | Sản xuất

Đại diện các ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn như dệt may, thủy sản, đồ gỗ mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao nội lực.

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Các ngành hàng tỷ USD muốn giảm thuế VAT dưới 8%, giữ room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp- Ảnh 1.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ vẫn giữ thuế đối ứng 46%.

Chia sẻ tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ" sáng 8/4, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong bối cảnh nhu cầu tại Mỹ suy giảm, dệt may sẽ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất. Vì vậy, trong ngắn hạn, từ quý 2, dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm.

"Ví dụ quần áo, mức giá tăng 1%, nhu cầu giảm 1-2%. Trong trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ, giá sản xuất tại Việt Nam khoảng 10 USD. Nếu tăng thuế, giá tăng thêm 5 USD, và giá bán cuối cùng 55 USD, nhu cầu có thể biến động 10-20%. Dệt may tương đối nhạy cảm về giá", ông Cầm cho biết.

Năm 2024, xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 16 tỷ USD. Hiệp hội dệt may tính toán có 7.000 - 10.000 doanh nghiệp, với số lượng trên 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành, không tính các ngành phụ trợ liên quan.

Đại diện Vintatex đề xuất Chính phủ và bộ ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam, việc này nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước. Nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác.

Đặc biệt, để các doanh nghiệp bình tĩnh và ổn định sản xuất trong bối cảnh hiện tại, theo lãnh đạo Vinatex thì Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay. Bởi lẽ sau đại dịch Covid - 19, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa thể hồi phục đã bị cắt room tín dụng và việc này khiến họ không có vốn để quay lại sản xuất.

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Các ngành hàng tỷ USD muốn giảm thuế VAT dưới 8%, giữ room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp- Ảnh 2.

Các ngành hàng mong muốn Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, phí để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VSEP) cũng cho biết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.

Các doanh nghiệp thủy sản đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra..., tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.

Lãnh đạo VASEP mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông... cũng như các chính sách thuế mới sớm được đưa vào thực thi nhanh nhất đặc biệt là về hoàn thuế, giãn thuế...

"Cần nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay", bà Hằng nhấn mạnh.

Với ngành gỗ, theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản, dưới thời đại Trump 1.0, nước Mỹ đã điều tra rất kỹ về vấn đề, thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp của ngành gỗ Việt Nam. Chúng ta có nhiều phiên điều trần với Mỹ, và đã chứng minh được chúng ta không có gian lận thương mại hay xuất khẩu gỗ bất hợp pháp. Theo vị này, việc tự chứng minh sự minh bạch là mô hình hợp tác rất tốt, giúp cải thiện mỗi quan hệ thương mại, để đạt được mức "win - win" (2 bên cùng thắng).

"Tuy nhiên, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, chúng ta cần cơ cấu lại ngành hàng, thậm chí nếu đưa xuất khẩu về 0 cũng chấp nhận để đạt được bước tăng trưởng mới", ông Hoài nói.

Theo ông Mai Sơn - Phó cục trưởng Cục Thuế, từ năm 2021 đến nay, tính trong cả năm 2025, cơ quan thuế ước tính khoảng 900.000 tỷ đồng Chính phủ, Quốc hội thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm các sắc thuế. Riêng trong 2025, ước 199.000 tỷ đồng tiền thuế hỗ trợ bao gồm cả miễn và gia hạn.

Trong năm nay, ngành thuế cho biết sẽ tăng cường kiểm soát hoàn thuế của các doanh nghiệp gia công lăp ráp đơn giản sau đó xuất khấu, tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia. 

Phan Trang

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Làm phẳng cấu trúc: Bên trong chiến lược khiến 8.000 nhân viên Microsoft mất việc chỉ trong 5 tháng, nhiều big tech khác cũng đang áp dụng

Xu hướng của các Big Tech hiện nay như Amazon, Google và Microsoft là giảm bớt các vai trò quản lý cấp trung để tập trung nguồn lực cho kỹ sư và các cá nhân đóng góp chính.

Vietnam Airlines triệu tập gấp ĐHĐCĐ, bàn 2 chuyện cực kỳ quan trọng

Vietnam Airlines triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 15/5 để trình kế hoạch tăng vốn điều lệ và dự án trị giá gần 93.000 tỷ đồng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?

"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng" - ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho hay.

Chính thức: VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký đầu tư dự án đường sắt Bắc - Nam

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD).